Chứng khoán Tuần 18-22/04/2022: Tâm lý bi quan chi phối thị trường
VN-Index có tuần giao dịch ảm đạm khi sụt giảm mạnh hơn 79 điểm, xuyên thủng vùng hỗ trợ 1,400-1,425 (tương đương đỉnh cũ đã bị vượt qua tháng 07/2021 và đường SMA 200 ngày), điều này cho thấy tâm lý giao dịch của nhà đầu tư đang rất bi quan.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 18-22/04/2022
Giao dịch: Trong phiên cuối tuần, VN-Index tăng 9.02 điểm, kết phiên ở mức 1,379.23 điểm; HNX-Index giảm 7.49 điểm, xuống mức 359.12 điểm. Xét cho cả tuần, VN-Index giảm tổng cộng 79.33 điểm (-5.44%); HNX-Index giảm 57.59 điểm (-13.82%).
Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE gần 730 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 20.14% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình hơn 97 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 30.03% so với tuần giao dịch trước.
Tuần vừa qua tiếp tục xuất hiện nhiều thông tin tiêu cực, từ thông tin quốc tế như Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự mới nhằm vào người Kurd ở Iraq, đến các thông tin trong nước liên quan đến bắt tạm giam những nhân vật có hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Điều này đã ảnh rất tiêu cực lên tâm lý giao dịch của nhà đầu tư.
Tâm lý bi quan bao trùm thị trường chứng khoán. VN-Index liên tiếp ghi nhận những phiên giảm điểm mạnh và xuyên thủng vùng hỗ trợ 1,400-1,425 (tương đương đỉnh cũ đã bị vượt qua tháng 07/2021 và đường SMA 200 ngày). Chỉ số hồi phục nhẹ vào phiên cuối tuần, tuy nhiên, mức độ hồi phục là không đáng kể. Tính cho cả tuần, VN-Index giảm mạnh 79 điểm, dừng chân ở mức 1,379.23 điểm.
Xét theo mức độ đóng góp, VHM, GVR, VIC và SHB là những cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất. Riêng VHM và GVR đã lấy đi gần 13 điểm của VN-Index. Ở chiều ngược lại, VCB, VJC và SAB là những cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất.
Ngành bất động sản có tuần giảm điểm thứ ba liên tiếp. Tính cho cả tuần, cả ngành giảm ở mức 7.1%. Nhóm cổ phiếu bất động sản thương mại như DIG, NLG, HDG cùng lùi hơn 10%. Sắc đỏ còn hiện diện ở nhiều cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp như IDC, ITA hay KBC.
Nhóm cổ phiếu xây dựng cũng có tuần giao dịch ảm đạm. Trong đó, FCM lao dốc 26%, CII giảm mạnh 19.26%, HHV giảm 19.78%, PC1 sụt 13.07%,…
Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 2,438 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại mua ròng hơn 2,470 tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng hơn 32 tỷ đồng trên sàn HNX.
Cổ phiếu tăng tiêu biểu trong tuần qua là ACL
ACL tăng 18.65%: Những tháng gần đây, ngành cá tra Việt Nam đã hồi sinh mạnh mẽ sau 3 năm ảm đạm. Hiện giá cá tra nguyên liệu đã tăng tới 25% so với cuối năm 2021, chạm mốc kỷ lục khoảng 32,000 đồng/kg, thậm chí có nơi còn cao hơn. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nguyên nhân của đợt tăng giá vừa qua xuất phát từ việc thiếu hụt nguồn cung. Bên cạnh đó, theo BCTC hợp nhất quý 1/2022 vừa công bố, CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (HOSE: ACL) ghi nhận lãi ròng tăng đột biến lên gần 63 tỷ đồng, gấp 5.7 lần cùng kỳ. Với xu hướng ngành và kết quả kinh doanh tích cực, giá cổ phiếu ACL liên tục tăng trong thời gian qua. Trong tuần, ACL tiếp tục tiến tốt gần 19%.
Cổ phiếu giảm giá mạnh trong tuần qua là TVB và BII
TVB giảm 29.94%: Ông Đỗ Thành Nhân (Chủ tịch Louis Holdings), Đỗ Đức Nam (Tổng giám đốc Chứng khoán Trí Việt) cùng bị bắt với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán. Theo đó, giá cổ phiếu TVB giảm mạnh gần 30%, xuống giao dịch ở mức 11,350 đồng/cp.
BII giảm 39.22%: Cùng liên quan đến vụ bắt bớ trên, giá cổ phiếu BII cũng tụt dốc mạnh. Kết thúc tuần giao dịch, giá cổ phiếu giảm hơn 39%, xuống mức 6,200 đồng/cp.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
Bộ phận Phân tích Kinh tế & Chiến lược Thị trường, Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
|