Nhịp đập Thị trường 22/04: Mua ròng 4 phiên liền, khối ngoại đang gom hàng giá rẻ?
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 9.02 điểm, lên mức 1,379.23 điểm; HNX-Index giảm 7.49 điểm, xuống 359.12 điểm. Độ rộng toàn thị trường nghiêng về bên bán với 542 mã giảm và 502 mã tăng. Trong rổ VN30, sắc xanh áp đảo với 22 mã tăng, 5 mã tăng và 3 mã tham chiếu.
Khối lượng giao dịch của VN-Index đạt hơn 834 triệu đơn vị, với giá trị hơn 24.7 ngàn tỷ đồng. HNX-Index ghi nhận khối lượng giao dịch đạt hơn 120 triệu đơn vị, với giá trị giao dịch đạt hơn 2.7 ngàn tỷ đồng.
Sau khoảng thời gian “lao đao” giữa phiên chiều, chỉ số VN-Index đã đảo chiều nhờ lực cầu bắt hoạt động tích cực, đặc biệt là ở nhóm trụ và ngân hàng. Các cổ phiếu Large Cap phục hồi mạnh, đáng chú ý là GAS với sắc tím kết phiên, VCB tăng mạnh 4.8%, STB tăng 4.2%... Bên cạnh đó khối ngoại cũng tích cực mua ròng.
Ngược lại, chỉ số HNX-Index tiếp tục lùi sâu trước áp lực của các mã THD (-7.09%), CEO (-9.93%), L14 (-9.98%), PVS (-3.66%), PVI (-3.08%)…
Nhóm cổ phiếu chế biến thủy sản giao dịch tiêu cực trước áp lực bán chốt lời lớn. Cả nhóm có đến 8 mã giảm sàn là AAM, FMC, VHC, CMX… trong khi đó chỉ có 1 mã tăng xanh là SJ1. Bên cạnh đó, diễn biến kém tích cực cũng xuất hiện tại nhiều ngành nghề như sản xuất hàng gia dụng, sản phẩm cao su, sản xuất nhựa – hóa chất…
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng lấy lại vai trò “gồng gánh” thị trường với 16 mã tăng giá và 2 mã giảm giá. Trong đó, ông lớn VCB tăng 4.8%, STB tăng 4.16%, VPB tăng 3.66%, EIB tăng 3.58%...
Nhóm cổ phiếu tiện ích cũng giao dịch tích cực với 21 mã tăng và 14 mã giảm. Trong đó, GAS và NBW tăng trần 6.9% và 9.9%, nhóm phát điện với PIC tăng 8.47%, DTK tăng 5.3%, PGV tăng 3.18%, BTP tăng 2.78%, IDC tăng 2.06%...
Về giao dịch của khối ngoại, khối này mua ròng tổng cộng 849 tỷ đồng trên sàn HOSE, trong đó MSN và DXG là hai mã được mua ròng nhiều nhất. Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 7.2 tỷ đồng, trong đó PVS là mã bị bán ròng nhiều nhất. Khối này đã mua ròng 4 phiên liên tiếp với giá trị hơn 2.4 ngàn tỷ đồng.
Diễn biến các nhóm ngành cuối phiên 22/04. Nguồn: VietstockFinance
|
13h30: Cổ phiếu thủy sản giảm sàn hàng loạt, VN-Index đảo chiều
VN-Index có nhiều nhịp rớt sâu rồi hồi lại vào đầu phiên chiều. HNX-Index cũng đang có chiều hướng giảm sâu. Tuy nhiên, VN30-Index vẫn đang xanh nhờ lực kéo của nhóm ngân hàng và họ Vingroup.
Nhóm VN30 vẫn duy trì sắc xanh với 20 mã tăng, 8 mã giảm và 2 mã tham chiếu. Trong đó, đáng chú ý là diễn biến đảo chiều nhanh chóng của cổ phiếu PDR khi đang tăng hơn 3.6%, KDH hiện tăng 3.1%, VJC tăng 3.3%...
Nhóm thủy sản đồng loạt tiến về giá sàn. Phải chăng sóng ngành này đã hết khi kết quả quý 1 đang được công bố dần, dẫn đến "tin ra là bán"?
Nhiều cổ phiếu thủy sản giảm sàn trong phiên chiều 22/04
|
Phiên sáng: Thu hẹp sắc xanh, lực mua đang đuối dần?
Áp lực bán gia tăng trở lại các khiến các chỉ số thu hẹp sắc xanh của mình. Kết phiên sáng, VN-Index tăng 6.71 điểm, tạm dừng chân ở mức 1,376.92 điểm; Trong khi đó, HNX-Index lui về gần mốc tham chiếu.
Độ rộng toàn thị trường kết phiên sáng nghiêng về bên mua với 552 mã tăng và 414 mã giảm. Rổ VN30 vẫn giữ được sắc xanh khá tích cực với 24 mã tăng và 6 mã giảm giá.
Khối lượng giao dịch của VN-Index ghi nhận trong phiên sáng đạt gần 450 triệu đơn vị, với giá trị hơn 11 ngàn tỷ đồng. HNX-Index ghi nhận khối lượng giao dịch đạt gần 63 triệu đơn vị, với giá trị giao dịch đạt gần 1.3 nghìn tỷ đồng.
Tạm dừng phiên sáng, nhóm cổ phiếu ngân hàng gồm VCB, VPB, TCB hay ACB đang là những mã có ảnh hưởng tích cực nhất đến đà tăng của VN-Index. Ngoài ra, các mã VHM, GVR và VNM cũng đóng góp rất tích cực đến đà tăng này. Trong khi đó, GAS, DPM và DGC là những mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất.
Về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu thép cùng hiện sắc xanh nhẹ. Trong đó, HPG, NKG, HSG và POM tăng trung bình gần 1%. Sắc xanh còn lan tỏa sang nhóm cổ phiếu xi măng. Cụ thể, BCC và BTS cùng tăng hơn 2%.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thủy sản lại điều chỉnh khá mạnh sau giai đoạn leo dốc trước đó. Nổi bật là các mã IDI, ACL và AAM cùng nhau nằm sàn. ANV và VHC tụt mạnh hơn 6%, FMC cùng giảm gần 4%.
Diễn biến các nhóm ngành cuối phiên sáng 22/04. Nguồn: VietstockFinance
|
Dịch vụ lưu trú, ăn uống, giải trí đang là ngành tăng mạnh nhất thị trường với mức tăng 3.43%. Ngược lại, chế biến thủy sản là ngành giảm mạnh nhất với mức giảm 5.62%.
Khối ngoại mua ròng nhẹ gần 62 tỷ đồng trên sàn HOSE, trong đó DXG và MSN là hai mã được mua ròng nhiều nhất. Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng gần 12 tỷ đồng, trong đó PVS là mã bị bán ròng nhiều nhất.
10h15: Thủy sản hạ nhiệt, họ FLC lại trần
Tâm lý lạc quan quay trở lại giúp thị trường tạm thời chững lại chuỗi lao dốc trước đó. VN-Index tăng gần 20 điểm và HNX-Index tăng gần 5 điểm.
Nhóm ngành ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán hầu hết đều tăng điểm, nhất là nhóm ngành ngân hàng đóng vai trò quan trọng giúp thị trường hồi phục mạnh. Phải kể đến các mã như VCB tăng gần 3% và cũng đóng góp nhiều nhất cho đà tăng chỉ số với hơn 2 điểm. Theo sau là VPB và TCB khi đóng góp lần lượt gần 1.6 điểm và 1 điểm cho thị trường.
Bên cạnh đó, bất ngờ là nhóm cổ phiếu họ FLC hầu hết bật tăng gần hết biên độ như FLC, ROS, HAI…
Ngược lại, nhóm chế biến thủy sản hạ nhiệt sau thời gian tăng mạnh như ANV giảm hơn 3%, IDI giảm hơn 5%, FMC giảm hơn 1%...
So với đầu phiên, lực mua vẫn đang chiếm ưu thế. Số mã tăng đang là 604 mã và số mã giảm là 290 mã.
Mở cửa: Hồi phục mạnh mẽ
Thị trường chứng khoán mở cửa phiên tương đối tích cực. Tính đến 9h30, VN-Index tăng hơn 18 điểm, giao dịch quanh mức 1,388 điểm. HNX-Index cũng tăng hơn 4 điểm và giao dịch quanh mức 370 điểm.
Bên mua chiếm ưu thế ngay những phút đầu tiên trong rổ VN30 với 27 mã tăng, 2 mã giảm và 1 mã đứng giá. Dẫn đầu đà tăng trong rổ VN30 là GVR khi tăng khá tốt ở mức gần 4%. Theo sau là các mã STB, POW, ACB và VPB. Ở chiều ngược lại, PDR và SAB cùng giảm nhẹ xuống dưới mức tham chiếu.
Giá dầu khởi sắc nhưng trong phạm vi hẹp vào ngày thứ Năm (21/4), sau khi bị biến động hồi đầu tuần do sự thiếu hụt nguồn cung từ Libya và lo ngại về triển vọng nhu cầu khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu. Trong nước, từ 15h chiều 21/4, giá xăng E5 RON 92 tăng 663 đồng/lít, xăng RON 95 tăng thêm 675 đồng/lít, đánh dấu đà tăng trở lại của giá xăng sau 3 lần giảm liên tiếp. Nhóm cổ phiếu xăng dầu theo đó cũng ghi nhận mức tăng khá tích cực đầu phiên. PVC tiến gần 3%, OIL, BSR và PLX cùng tăng trung bình trên 1%.
Nhóm ngân hàng có sự trở lại với sắc xanh hiện diện ở phần lớn các mã trong ngành. Trong đó, VCB, TCB, BID đều đang tăng tốt và cũng là những mã có ảnh hưởng tích cực nhất đến đà tăng của VN-Index.
Nhóm cổ phiếu họ FLC cũng gây bất ngờ khi đồng loạt tăng trở lại, thậm chí ART, KLF còn tăng kịch trần, FLC, AMD và HAI tăng cận trần.
Ngược lại, nhóm gia đình Louis vẫn giảm sàn hàng loạt như BII, TGG, AGM, SMT, VKC.
Lý Hỏa
FILI
|