Góc nhìn đầu tư 2022: Ngành dầu khí hưởng lợi từ nhu cầu tăng cao (kỳ 1)
Nhu cầu dầu toàn cầu phục hồi trở lại trong năm 2021 khi hoạt động kinh tế thế giới bắt đầu trở lại sau đại dịch. Giá tiếp tục tăng mạnh do những căng thẳng địa chính trị trong năm 2022 là tiền đề giúp các cổ phiếu ngành dầu khí bứt phá mạnh mẽ.
Giá dầu Brent lên mức cao nhất trong vòng 14 năm
Giá dầu Brent có lúc đạt ngưỡng trên 130 USD/thùng trong tháng 03/2022. Điều này mang lại những ảnh hưởng tích cực với các doanh nghiệp trong ngành dầu khí vốn đã chịu thiệt thòi từ đợt giá dầu giảm sâu vào giai đoạn mới bùng phát dịch bệnh năm 2020.
Theo báo cáo của EIA (Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ) dự đoán giá dầu Brent trung bình sẽ đạt 116 USD/thùng trong quý 2 năm 2022 và 102 USD/thùng vào nửa cuối năm 2022. Tổ chức này cũng dự đoán giá trung bình sẽ giảm xuống còn 89 USD/thùng vào năm 2023. Tuy nhiên, dự báo giá này vẫn sẽ phụ thuộc vào mức độ áp đặt các lệnh trừng phạt hiện tại đối với Nga hoặc việc bán dầu của Nga trên thị trường toàn cầu.
Ngoài ra, quyết định của OPEC về phản ứng với giá dầu hiện tại, cũng như các tác động của diễn biến kinh tế vĩ mô có thể ảnh hưởng đối với cung cầu toàn cầu.
Đồ thị giá dầu Brent trong giai đoạn 2008-T3/2022. Đvt: USD/thùng
Nguồn: TradingView
Năng lượng tái tạo không khiến nhu cầu về dầu giảm trong ngắn hạn
Nhu cầu về dầu mỏ trong tương lai có thể sẽ khó tăng trưởng nhanh dài hạn khi hầu hết các nước đang có chiến lược chuyển đổi sang năng lượng xanh. Thêm vào đó, các căng thẳng địa chính trị và xung đột ở Châu Âu làm tăng giá dầu mỏ sẽ càng thúc đẩy sự chuyển dịch nguồn năng lượng xảy ra sớm hơn khi các nước đang tìm nguồn năng lượng thay thế và bớt phụ thuộc vào nguồn dầu thô.
Nhưng trong ngắn hạn, nhu cầu về nguồn năng lượng vẫn còn đang rất lớn, khi các hoạt động kinh tế đang trở lại đúng quỹ đạo như ban đầu khiến tiêu thụ về dầu khí tăng cao.
Thay đổi hàng năm trong tiêu thụ nhiên liệu lỏng toàn cầu trong giai đoạn 2020-2023. Đvt: triệu thùng/ngày
Nguồn: U.S.Energy Information Administration
Theo báo cáo của EIA đã dự báo mức tiêu thụ xăng dầu và nhiên liệu lỏng toàn cầu sẽ đạt trung bình 100.6 triệu thùng/ngày cho cả năm 2022, tăng 3.1 triệu thùng/ngày so với năm 2021. Các dự báo kinh tế trong triển vọng này đã được hoàn thành trước căng thẳng của Nga và Ukraine. Mức tiêu thụ dầu cũng sẽ phụ thuộc vào cách hoạt động kinh tế, du lịch và sự kiện chính trị cũng như tiềm năng trong tương lai.
Sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu lỏng toàn cầu trong giai đoạn 2017-2023. Đvt: triệu thùng/ngày
Nguồn: U.S.Energy Information Administration
Nhu cầu toàn cầu về LNG đang tăng lên
Các thị trường mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ vẫn đang tăng cường năng suất Tua bin khí kết hợp chu kỳ (CCGT) song song với việc mở rộng mạnh mẽ công suất phát điện tái tạo của họ.
Mặc dù thị trường điện gió được các chuyên gia kỳ vọng sẽ tăng trưởng ít nhất 150% trong thập kỷ tới và thị trường năng lượng mặt trời tăng ít nhất 200% nhưng điều này không có nghĩa là nhu cầu về dầu và khí đốt giảm so với cùng kỳ. Do việc ngừng sản xuất lượng than đáng kể của các nước vì vấn đề môi trường, nhu cầu khí đốt tự nhiên có khả năng tăng khoảng 4% mỗi năm trong thập kỷ tới để giúp lấp đầy khoảng trống trong mảng nhiệt điện.
Sự thiếu hụt chưa từng có trong thời gian gần đây trên thị trường khí đốt toàn cầu là kết quả của việc không đầu tư thêm vào các dự án, cộng hưởng từ nhu cầu hồi phục mạnh. Việc thiếu đầu tư hoặc trì hoãn các dự án khí đốt quy mô lớn trước hết là do giá bán sụt giảm vào năm 2018-2019, sau đó là tác động của Covid-19 vào năm 2020.
Dự báo nhu cầu LNG tăng trong tương lai. Đvt: triệu tấn
Nguồn: Bloomberg
Tình hình ngành dầu khí trong nước
Theo báo cáo của Bộ Công thương Việt Nam, trong lĩnh vực dầu khí, tổng sản lượng khai thác dầu khí quy đổi ước thực hiện cả năm 2021 đạt 18.43 triệu tấn, bằng 94.6% kế hoạch năm (kế hoạch cả năm 19.48 triệu tấn), trong đó: Sản lượng khai thác dầu thô cả năm đạt 10.97 triệu tấn, vượt 13% kế hoạch năm (kế hoạch cả năm 9.72 triệu tấn), sản lượng khai thác khí đạt 7.46 tỷ m3, bằng 76.4% kế hoạch năm (kế hoạch cả năm 9.76 tỷ m3).
Sản lượng của ngành công nghiệp dầu khí trong giai đoạn năm 2010-2021
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Lượng nhập khẩu xăng dầu năm 2021 tiếp tục giảm so với năm 2020 do sản xuất trong nước đã đáp ứng một phần đáng kể, tuy nhiên nguyên nhân chủ yếu cũng là do nhu cầu xăng dầu năm 2020 và 2021 giảm mạnh dưới tác động của dịch Covid-19.
Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi trong năm 2022. Cuối tháng 02/2022, Bộ trưởng Bộ Công thương vừa ký quyết định 242 về việc giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý 2/2022 nhằm bổ sung lượng xăng, dầu thiếu hụt từ nguồn sản xuất trong nước, dự kiến là 2,400,000 m3. Lượng xăng dầu bổ sung này do 10 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện, gồm 840,000 m3 xăng và 1,560,000 m3 dầu.
Bên cạnh đó, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đang nhanh chóng nhập khẩu LNG, đưa LNG trở thành giải pháp quan trọng trong Chiến lược năng lượng quốc gia. Đây là mục tiêu mà PV GAS đang triển khai thực hiện từ năm 2022 để đảm bảo nguồn cung khí trong nước bị thiếu hụt.
Xuất nhập khẩu các sản phẩm của ngành dầu khí trong giai đoạn 2010-2021. Đvt: nghìn tấn
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Thêm vào đó, năm 2021, Tập đoàn dầu khí Quốc gia (Petrovietnam) đã hoàn thành kế hoạch công tác tìm kiếm thăm dò với kết quả điển hình như: phát hiện dầu khí mới tại giếng khoan Sói Vàng -1X Lô 16-1/15 (VSP), đưa mỏ Sư Tử Trắng pha 2A và các giàn BK-18A, giàn BK-19 vào khai thác.
Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
|