Góc nhìn đầu tư 2022: Thực phẩm đồ uống - Nhu cầu hồi phục
Ngành thực phẩm đồ uống có dấu hiệu chững lại những năm gần đây. Tuy nhiên, việc mở cửa trở lại nền kinh tế đem đến những cơ hội phát triển mới.
Thực trạng ngành trong những năm gần đây
Mặc dù ngành thực phẩm bị ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19, nhưng chỉ số sản xuất và chế biến thực phẩm vẫn tăng trong những năm có dịch. Chúng ta có thể thấy rằng nếu trước khi có dịch, chỉ số IIP của ngành thực phẩm tăng trung bình hơn 7%/năm, năm 2020 chỉ số IIP tăng 5.3% so với năm 2019, năm 2021 tăng 2.9% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy mức tăng cả năm 2021 tương đối thấp nhưng cũng cho thấy hoạt động trong ngành dần đi vào ổn định hơn so với những tháng đầu của năm 2021 khi bị hạn chế bởi dịch bệnh.
Lĩnh vực đồ uống không thể duy trì tốc độ tăng trưởng như thực phẩm khi chỉ số IIP năm 2020 và năm 2021 liên tục giảm so với cùng kỳ năm trước (lần lượt ở mức -5.2% và -3.2%). Ngoài những nguyên nhân về dịch bệnh, Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ hạn chế sử dụng bia, rượu cũng ảnh hưởng đến việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm đồ uống có cồn.
Nguồn: Tổng Cục Thống kê
Theo Tổng Cục Thống kê, tổng doanh thu từ dịch vụ lưu trú và ăn uống năm 2021 giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 398 tỷ đồng. Những năm trước dịch, doanh thu từ việc lưu trú dịch vụ ăn uống luôn duy trì mức tăng trưởng khá, khoảng 8%-9%/năm.
Nguồn: Tổng Cục Thống kê
Nhu cầu ngành hồi phục
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng luôn tăng trưởng đều qua các năm. Mức độ tăng trưởng năm 2020 và 2021 bị chậm lại do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, với việc mở cửa trở lại nền kinh tế, người viết nhận định tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sẽ có sự hồi phục trong năm 2022. Đây là cơ sở cho sự hồi phục của ngành thực phẩm đồ uống.
Theo World Bank, thu nhập người dân được cải thiện với dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng 5.5% so với mức 2.58% của năm 2021 sẽ là điều kiện thuận lợi giúp hồi phục nhu cầu của người tiêu dùng.
Nguồn: Tổng Cục Thống kê
Nguồn: Tổng Cục Thống kê
Xu hướng và tiềm năng của ngành
Người tiêu dùng có thị hiếu ngày càng cao với sản phẩm cấp cao, các sản phẩm hữu cơ, thực vật.
Tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng. Năm 2000, chưa đầy 10% dân số Việt Nam nằm trong tầng lớp này, nhưng đến nay con số này đã tăng lên 40%. Đến năm 2030, con số này có thể đạt gần 75%. Thu nhập khả dụng tăng sẽ làm tăng nhu cầu đối với sản phẩm cao cấp.
Dưới tác động của đại dịch COVID-19 xuất hiện, người tiêu dùng bắt đầu quản lý khẩu phần ăn chặt chẽ hơn, họ bắt đầu chuyển sang sử dụng các sản phẩm giúp nâng cao sức đề kháng, tăng khả năng miễn dịch.
Bên cạnh đó người tiêu dùng Việt Nam đang chuyển hướng sang các sản phẩm hữu cơ và có nguồn gốc từ thực vật, và số lượng người tiêu dùng nói trên đang tăng lên nhanh chóng. Yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng của các sản phẩm này đến từ niềm tin của người tiêu dùng rằng sử dụng các sản phẩm trên sẽ tốt cho sức khỏe hơn các sản phẩm động vật. Xu hướng được dự đoán sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong những năm tới.
Nguồn: McKinsey Global Institute
Kênh bán hàng hiện đại (online, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi) sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng
Đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều thương hiệu F&B lớn rơi vào khó khăn. Hoạt động kinh doanh truyền thống bị cản trở, hàng loạt nhà hàng, quán cà phê phải trả mặt bằng, đóng cửa. Tuy nhiên, điều này cũng mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp, trong đó nổi bật nhất là hoạt động thương mại điện tử và phân phối đa kênh.
Sự tăng tốc mạnh mẽ của công nghiệp cũng tạo đà bùng nổ của xu hướng này. Các hình thức thanh toán qua ví điện tử, mã QR… trên thiết bị di động vừa thuận tiện cho khách hàng vừa đảm bảo an toàn trong thời kỳ dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Những doanh nghiệp đầu ngành vẫn tăng trưởng bất chấp ảnh hưởng từ dịch bệnh
Mặc dù chịu tác động lớn từ đại dịch, tuy nhiên, doanh thu thuần của các doanh nghiệp đầu ngành thực phẩm đồ uống vẫn có xu hướng tăng trưởng.
Nguồn: VietstockFinance
Với xu hướng trên, những doanh nghiệp trong ngành thực phẩm đồ uống có năng lực sản xuất mạnh, hệ thống phân phối đa dạng có thể tăng trưởng tích cực trong dài hạn. Điển hình như các cổ phiếu MSN, SBT, KDC...
Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
|