Muốn trở thành nghệ sĩ, hãy yêu thương con người!
Tết là những ngày thong thả với tôi. Hồi còn đi hát, tối 30 là cả nhà quây quần bên nhau, ăn uống, thức đón giao thừa, chờ được lì xì cho nhau. Ngủ trễ nhưng dậy sớm để sáng mùng Một là có mặt ở đoàn để ăn Tết cùng anh chị em. Ai có món gì đem vô nấy. Thường tôi nghiêm cấm bài bạc (NSND Kim Cương quản lý Đoàn kịch nói Kim Cương kể từ sau năm 1975) nhưng ba ngày Tết, có người chạy lại méc tôi, chị Hai ơi có người lén đánh bài. Tôi cười nói, thôi kệ, Tết mà em. Cho thả giàn một bữa để mấy hôm sau vô việc, Tết vui nhất là mỗi ngày diễn ba suất, tiền lương tăng gấp đôi nên ai cũng mừng, hồ hỡi.
NSND - Kỳ nữ Kim Cương
|
Sau này hết đi diễn, tôi chủ yếu tụ họp gia đình vào sáng mùng Một, mừng tuổi nhau rồi cùng lên thăm mộ má, ghé chùa, quay về nhà đọc sách, coi tivi suốt mấy ngày Tết. Đến mùng Mười thì bạn bè qua nhà, tôi đãi món mắm kho. Vậy thôi.
Tết năm nay, chắc cũng không gì khác. Một năm dịch bệnh tan hoang. Hồi tâm dịch, con không cho tôi ra ngoài. Ngồi nhà ôm tivi, nghe đài. Tới hôm nghe câu chuyện trên sóng, có chị ở nhà trọ, không chồng, bị dương tính, xe đưa chị vào bệnh viện, đứa con muốn theo chăm mẹ nhưng không được. Mẹ dỗ con ở nhà, hẹn tuần sau mẹ về. Nhưng rồi chị mất. Người nhà lên đưa con về quê. Con nhất định không chịu, chỉ muốn ở lại nhà trọ với di ảnh của mẹ. Tôi nghe xong, chịu không nổi, cứ thế đón xe đi thẳng một mạch đến nhà trọ của cháu.
Ý tưởng chăm lo, hỗ trợ các bé mồ côi sau đại dịch ra đời. Tôi bàn với Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố và được bà Dương Minh (trường ngoại ngữ Dương Minh) đồng ý bảo trợ 150 em từ lớp 1 đến lớp 12, với mức 2 triệu đồng/tháng. Sau đó, chương trình “Trái tim yêu thương” được thành lập.
Có lẽ, trong hành trình 50 năm làm từ thiện, đây là chương trình đòi hỏi đường dài… chưa có điểm dừng, ít nhất là 12 năm để các con các cháu đủ độ tuổi trưởng thành. Rồi tôi hay bà Dương Minh không còn, người sau sẽ tiếp tục lo cho các bé. Nhưng tôi tin, như luôn tin vào tinh thần tương thân tương ái của người Việt mình. Càng trong gian khó, đau thương, mọi người càng mở lòng sẻ chia, giúp đỡ nhau. Như qua đại dịch vừa rồi, người góp sức, người góp công, người góp tiền, từ những người ở tuyến đầu đến những anh chị em buôn bán ngoài chợ, vỉa hè, anh xe ôm...ai ai cũng sẵn có một tấm lòng nhân ái.
Công việc thiện nguyện mang lại cho NSND Kim Cương hạnh phúc ngoài sàn diễn
|
Khi người nghệ sĩ tìm thấy niềm an lạc trong ánh sáng đạo pháp
|
Như đời tôi, chỉ có thể đúc rút ra hai bài học lớn: Muốn trở thành nghệ sĩ đích thực thì phải học cách yêu thương, còn không chỉ là thợ hát. Muốn quản lý được con người thì trước hết và sau cùng phải biết yêu thương con người.
Tôi không dám nói mình làm từ thiện, mà chính xác là nghệ sĩ Kim Cương chỉ là người đứng ra kêu gọi và được đáp lời, mỗi người một ít, đóng góp, chia sẻ. Họ mới chính là những người làm từ thiện.
NSND Kim Cương thời trẻ
|
Nhưng đời tôi, ngoài diễn kịch, thì gắn bó với hoạt động từ thiện từ rất sớm. Tôi nhớ, hồi đó má không cho tôi đi chơi. Nhưng tuổi mới lớn nên cũng ráng tìm cách. Hôm đó tôi lén đi với bạn xuống Thủ Đức chơi. Trên đường bắt gặp người đàn ông ngồi ủ rủ bên đường, hai đứa nói giỡn với nhau, chắc ông này thất tình quá… Tối, trên đường về, vẫn thấy “người đàn ông thất tình” bên vệ đường nhưng đã gần như đổ gục. Hai đứa bèn tiến lại gần, định bụng hỏi han thì phát hiện ổng đang thoi thóp. Hai đứa la lên rồi đưa ổng vô cấp cứu ở nhà thương thí Sài Gòn. Té ra, ổng uống thuốc tự tử vì thất tình thiệt. Do không có người thân nên cả hai đứa phải nán tới khi ổng tỉnh dậy rồi mới về. Vừa tới nhà, má cầm roi dí đánh. Tôi hoảng quá la lên, nhưng con không có đi chơi, con cứu người thiệt mà má…
Chuyện tôi cứu một mạng người sáng hôm sau lan đi khắp xóm. Tôi vui và mang theo niềm vui ấy đi suốt cuộc đời mình với tâm niệm, càng giúp được người bớt khổ, bớt đói, tôi càng thấy cuộc sống này có ý nghĩa.
Cúc Phương (ghi)
NSND Kim Cương
FILI
|