Chủ Nhật, 30/01/2022 13:00

Chú tâm vào Tết

Gặp nhau cuối năm, những công dân Sài Gòn chính hiệu vẫn luôn hỏi nhau cái câu cổ điển: “Tết có về quê không?”.

Đứa bạn độc thân, quê miền Trung – hai yếu tố thường thấy ở một con người chắc chắn sẽ về quê ăn Tết - tần ngần nói:

- Chắc tao ở lại, chứ mình về từ vùng dịch thì người ta không dám tới nhà. Một năm mới có một cái Tết mà…

Sài Gòn đã vào mùa đẹp nhất năm, nắng nhẹ, trời hiu hiu lạnh. Người mua bán vào dịp đắt hàng nhất. Công nhân, dân văn phòng đã rộn ràng lương thưởng. Tết năm nay sẽ ở đâu, thì từ bây giờ người ta đã cầm trong tay tấm vé tàu xe có điểm đến ấy kèm ngày giờ cụ thể. Ở thành phố lớn nhiều năm, tôi chứng kiến thật rõ sự quyết liệt của Tết. Tết đến, cái quán tính khổng lồ và cồng kềnh của thành phố 10 triệu dân phải dừng lại, để hòa vào lý lẽ của Tết.

Thế nhưng, chỉ khi đứa bạn độc thân quê miền Trung quyết không về quê, mới thấy quán tính của Tết chi phối vào tận những tầng bậc sâu xa hơn cả mấy chuyện vun vén, hồi hương, sắm sửa. Nếu cần thiết, người ta có thể vun vén cho Tết bằng cách hi sinh cả việc hồi hương, để nhường đường cho Tết …

Gần Tết rồi kìa. Hồi nhỏ, từ đầu tháng Chạp tụi mình đã nghe đòi nợ, nhớ không?

Chị gái nhắn tin nhắc lại một nỗi ám ảnh Tết. Hồi đó ba tôi là người làm kinh doanh hiếm hoi trong vùng. Ba buôn bán từ Nam chí Bắc, quanh năm bôn ba để lấy hàng, giao hàng, quan hệ khách hàng. Những chuyến về nhà ba không bao giờ hẹn trước. Nhưng bạn hàng của ba thì luôn đúng hẹn. Cứ đầu tháng Chạp, họ đã lai rai đến đòi nợ, và đòi hoài cho đến Tết.

Mùa này hồi đó buồn ghê gớm. Đã nhớ trông ba thì chớ, lại còn nghe bao lần lao xao ngoài ngõ để rồi vỡ ra “chỉ là người ta đi nhắc nợ”. Tôi nhớ như in một buổi chiều ngồi nhóm lửa sau hè, tôi hỏi chị, sao người ta cứ nhè Tết mà đi đòi nợ, sao không đòi vào mùa hè, mùa thu hay mùa đông gì đó… Chị tôi nói:

- Tại người ta phải gom tiền để ăn Tết cho sung túc…

Lý giải của chị luôn được minh họa ngay sau đó, khi ba tôi trở về cho chuyến nghỉ Tết dài ngày. Ba xếp sẵn một phần tiền, sai chị em tôi cầm đi trả nợ. Hai chị em hớn hở đèo nhau đi, trong hãnh diện và nhẹ nhõm. Ai đó sẽ gom thêm được ít tiền để có một cái Tết thật đầy. Còn chị em tôi vừa trút đi một gánh nợ, để có một cái Tết thật nhẹ… Tôi có lần hỏi:

- Sao ba không làm công nhân, để khỏi mắc nợ mà cũng không phải đi xa nhà.

Ba tôi nói:

- Ba đi làm xa mới dư nhiều tiền, Tết về mới sung túc…

Đúng là cả xóm công nhân không ai có những cái Tết phong lưu như nhà tôi. Họ cũng không hi sinh nhiều đến thế những đoàn tụ, sung túc, và no đủ suốt một năm, để nhường phần cho Tết…

Một lần, tôi có dịp đứng đỉnh đồi lộng gió ở Bảo Lộc, nghe một người phụ nữ kể về những ngày mới đến đây khai hoang, lập nghiệp. Cô trồng chè. Rẫy chè những ngày đầu đầy khó khăn. Lại thêm nhiều mùa chè rớt giá thê thảm, nhà cửa thiếu trước hụt sau. Thế nhưng mỗi mùa bán chè cô đều lén nhón lại một phần thành phẩm rồi giấu kỹ vào trong kho. Mỗi đợt một ít. Đến cuối năm, cô gom hết chỗ chè để dành đó ra bán. Phần tiền bán được đó trở thành “phần dư dôi”, để cả nhà đón Tết.

Cô nhấn mạnh những cái Tết “hú hồn” đó như vẫn còn thấp thỏm: 

Phải lén, tại hồi đó chật vật lắm, chồng con sẽ dỗi nếu mình đòi để dành lo Tết mà không chịu bán hết lấy tiền lo chi phí…

Quả là họ sẽ dỗi, nếu biết những nhu cầu vốn đã hạn hẹp còn bị cắt giảm chỉ vì “nóc nhà” muốn chuẩn bị cho Tết. Dường như phải đi vào những phần đời chật vật, mới thấy con người có thể hi sinh đến chừng nào cho Tết…

Những chuyện ngược đời như ba tôi, như người phụ nữ ở vùng chè Bảo Lộc đâu phải hiếm. Biết bao người bà, người dì và người mẹ trong đời tôi đã vá víu quanh năm chỉ để có một cái Tết ê hề. Hết Tết, nhà vẫn nghèo, vẫn thiếu trước hụt sau. Ai thế nào thì vẫn nguyên thế ấy, nhưng mỗi cuối năm vẫn cuống cuồng góp gom cho kịp Tết.

Đứa nhỏ mới lớn hay tài lanh làm phép trung bình cộng, rằng nếu chia đều tiền sắm Tết cho cả năm thì có khi gia đình có hẳn một năm không thiếu hụt. Nhưng người lớn phẩy tay như vừa nghe một lời phạm húy:

- Bậy, ăn cả năm rồi lấy gì ăn Tết…

Ăn Tết quan trọng thế, nên chi nhiều người trì hoãn cả những việc làm sinh tử chỉ để… tránh dịp Tết. Mới hôm trước, cô chủ dãy phòng trọ cầm xấp giấy tờ khám tổng quát sang “khoe” rằng bác sĩ chỉ định cô đi khám chuyên khoa. Nhưng… chắc qua Tết rồi tui đi khám, để ăn Tết cho yên cái đã…

Kỳ lạ, trong nền văn hóa của xứ xở này, người ta ưu ái Tết hơn cả bản thân, thậm chí ưu ái Tết hơn cả một cơ hội cứu lấy sinh mạng mình. Tết đã trở thành một khách thể vui vẻ độc lập, bất kể con người có buồn lo gì, đau khổ gì. Để nếu bản thân có điều gì phiền muộn, dở dang, người ta sẽ tự kìm lòng, trì hoãn, “xê ra” khỏi Tết…

Khi lớn hơn, tôi cãi:

- Tết để làm gì nếu quanh năm không hạnh phúc, phải bung lụa mà hạnh phúc trước cái đã chứ!

Mẹ tôi nói gọn hơ:

- Bung lụa rồi biết có hạnh phúc không? Chứ Tết thì chắc chắn là sẽ tới rồi đó…

Tôi sáng hẳn. Một con người tỉnh táo và sáng rõ ở đâu đó có thể cho rằng tập tục “ăn Tết” xứ tôi còn nhiều bất cập. Rằng người xứ tôi cần thực tế hơn, cần thoát khỏi những định kiến, lễ nghi để “giải phóng” con người khỏi gánh nặng Tết nhất. Nhưng ở đây, Tết đã trở thành một ngày vui tối thượng. Tết chắc chắn sẽ đến. Đó là một lời nhắc nhở ung dung mà nghiêm khắc về cái dài rộng của tháng năm và cái vô thường của buồn vui đời người. Để Tết đến, người ta một lần rũ bỏ hết những muộn phiền, mà đảnh lễ với Tết. Ở đó, người ta chú tâm vào gặp gỡ, hoa trái, thức ăn, và tín ngưỡng - những chất liệu sống căn bản nhất mà con người có thể đã xao lãng suốt một năm ròng hỉ nộ ái ố…

Vậy nên, sau một năm dâu bể của dịch bệnh, chia ly, nếu thấy đâu đó còn bắn pháo hoa mừng Tết, hay một ai đó vẫn lòe loẹt áo quần – cũng đừng vội trách họ sao chóng quên… Ở tận cùng của sự vui Tết ấy, chính là một sự giao hảo tuyệt vời nhất của con người với thiên nhiên, với thời gian, với đất trời. Còn những cồng kềnh lễ nghĩa, hội hè đó, là những cồng kềnh của niềm vui mà mỗi “gu” là một hình thức. Tết sẽ dung hòa hết mọi đường vui của con người…

Minh Trâm

FILI

Các tin tức khác

>   Nhìn xuống để bước lên cao (29/01/2022)

>   Nhiều bạn trẻ ở TP.HCM chi chục triệu đồng sắm Tết sớm (16/01/2022)

>   Bắt thêm một giám đốc doanh nghiệp liên quan đến vụ nâng khống kit test Việt Á (16/01/2022)

>   TP.HCM 2 tuần liên tiếp là vùng xanh (15/01/2022)

>   Đội quân thực thi 'Zero Covid-19' bằng mọi giá ở Trung Quốc (15/01/2022)

>   313 tỷ USD không đủ để Trung Quốc thuyết phục Gen Z sinh con (14/01/2022)

>   TP HCM không bắn pháo hoa Tết âm lịch 2022 (13/01/2022)

>   TP.HCM: Người trẻ ít vốn mua nhà bằng cách nào? (13/01/2022)

>   Thế hệ làm gì cũng không thể mua được nhà ở Trung Quốc (12/01/2022)

>   Tốn kém vì liên hoan, ăn uống liên tục cuối năm (12/01/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật