Thứ Sáu, 14/01/2022 16:17

313 tỷ USD không đủ để Trung Quốc thuyết phục Gen Z sinh con

Theo nhà kinh tế Ren Zeping, Trung Quốc không nên trông mong vào thế hệ Millennials và Gen Z trong việc gia tăng tỷ lệ sinh và kết hôn.

Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng dân số ngày càng giảm và già đi ở mức báo động.

Suốt nhiều năm, các nhà hoạch định chính sách cố gắng khắc phục thiệt hại từ chính sách một con vốn kéo dài hàng thập kỷ, và tìm cách tạo ra làn sóng bùng nổ sinh đẻ, theo Sup China.

Họ nới lỏng hạn chế về quy mô gia đình, cho phép tất cả cặp vợ chồng đã kết hôn được sinh 3 con. Họ “treo thưởng” ưu đãi thuế và trợ cấp nhà ở cho các bậc phụ huynh mới, đồng thời khiến việc ly hôn trở nên khó khăn hơn bao giờ hết với chính sách “30 ngày hòa hoãn”.

Ngoài ra, họ cũng nói với giới trẻ rằng sinh đẻ chính là nghĩa vụ của công dân, và kêu gọi các đảng viên sinh con thứ ba để làm gương.

300 tỷ USD không đủ để Trung Quốc thuyết phục Gen Z sinh con ảnh 1

Trung Quốc tìm mọi cách để tăng tỷ lệ sinh của đất nước. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Tuy nhiên, không một nỗ lực nào mang lại kết quả. Tỷ lệ sinh của Trung Quốc vẫn giảm dần đều từ năm 2017, với ngày càng nhiều người trẻ từ chối sinh con hoặc kết hôn.

Hiện, thêm một giải pháp nữa được đề xuất. Ngày 10/1, Ren Zeping, một trong số những nhà kinh tế có ảnh hưởng nhất ở xứ tỷ dân, đã công bố tài liệu nghiên cứu có tựa đề “Đã tìm thấy giải pháp cho tỷ lệ sinh thấp của Trung Quốc”.

“Nếu Ngân hàng Trung ương đưa 2.000 tỷ NDT (313 tỷ USD) vào quỹ, Trung Quốc sẽ có thêm 50 triệu trẻ sơ sinh trong 10 năm”, ông viết.

Người trẻ không muốn kết hôn

Ông Ren đã xem xét các chính sách kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc trong vài thập kỷ qua, đồng thời phân tích những biện pháp mà những quốc gia khác trên thế giới áp dụng để tăng mức sinh.

Sau đó, ông đề xuất rằng chiến lược hiệu quả nhất đối với xứ tỷ dân lúc này là thành lập một quỹ đặc biệt để khuyến khích các ca sinh mới.

“Điều này sẽ giải quyết tình trạng thiếu trẻ sơ sinh và bù đắp phần dân số già, giúp tương lai đất nước bền vững hơn mà không tạo gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương”, ông đề cập thêm.

Theo nhà kinh tế, quỹ nên được tài trợ hoàn toàn bởi chính phủ và có thể sử dụng cho đa dạng dự án và chương trình, bao gồm phần thưởng tiền mặt cho các hộ gia đình, giảm thuế cho cha mẹ mới và hỗ trợ nhiều cơ sở chăm sóc trẻ em của chính phủ.

300 tỷ USD không đủ để Trung Quốc thuyết phục Gen Z sinh con ảnh 2

Các cặp tham dự đám cưới tập thể truyền thống ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông vào ngày 24/10/2021. Ảnh: People Visual.

“Các nhà thiết kế quỹ này có thể lấy cảm hứng từ việc đầu tư của Trung Quốc vào những dự án tái phát triển khu ổ chuột, hoặc chương trình giúp các công ty cắt giảm lượng khí thải carbon của Ngân hàng Trung ương”, ông viết.

“Nếu áp dụng chiến lược tương tự để khuyến khích sinh đẻ, chúng ta sẽ có nhiều người trẻ hơn trong tương lai”, nhà kinh tế khẳng định.

Ông Ren cũng kêu gọi các nhà hoạch định chính sách áp dụng đề xuất này càng sớm càng tốt, bởi những người đang ở độ tuổi sinh đẻ và sẵn lòng có thêm con sẽ sớm đến giai đoạn hiếm muộn.

“Quỹ chủ yếu dành cho những người sinh từ năm 1975-1985. Chính phủ nên ngừng trông mong vào những người sinh sau năm 1990”, ông cho biết.

“Lý do rất đơn giản. Những người sinh từ năm 1975-1985 vẫn tin rằng nhà đông con sẽ mang lại hạnh phúc. Còn với thế hệ Millennials và Gen Z, nhiều người trong số đó thậm chí không muốn kết hôn”, ông nói.

Ở phần khác của bản báo cáo, ông Ren đề xuất một số chính sách giúp cải thiện tỷ lệ sinh, bao gồm dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế về sinh sản và khiến các dịch vụ công dễ dàng tiếp cận hơn đối với những người mẹ chưa kết hôn.

Tuy nhiên, nhà kinh tế cho biết những biện pháp này quá “khiêm tốn” để giải quyết cuộc khủng hoảng trẻ sơ sinh ở xứ tỷ dân. Trung Quốc cần thứ gì đó “cấp tiến” và “đổi mới” hơn.

300 tỷ USD không đủ để Trung Quốc thuyết phục Gen Z sinh con ảnh 3

Tại nông thôn Trung Quốc, nơi từng có tỷ lệ sinh cao và được kỳ vọng sẽ "bù đắp" dân số cho thành thị, người trẻ cũng không còn muốn đẻ con, theo SCMP. Ảnh: DW.

Trên không gian mạng, ý tưởng của ông Ren về quỹ đặc biệt đã tạo nên các cuộc tranh luận trái chiều.

Trong khi một số ca ngợi ông vì “suy nghĩ thấu đáo”, những người khác chỉ trích rằng ông “đơn giản hóa vấn đề” và “không xem xét kỹ khả năng xảy ra của phản ứng dây chuyền sau đó”.

“Một biện pháp kích cầu như thế này chắc chắn sẽ gây ra lạm phát, khiến chi phí sinh hoạt của người dân bình thường thậm chí còn cao hơn. Sao một nhà kinh tế lại không lường trước được điều này?”, một tài khoản Weibo bình luận.

“Những người bị buộc phải triệt sản do chính sách một con vẫn còn tồn tại. Trước hết, chúng ta hãy tạo một quỹ để bù đắp cho những đau thương và mất mát của họ được không?”, người này nói thêm.

Năm 2020, chỉ 8,1 triệu cặp vợ chồng ở Trung Quốc kết hôn, ước tính giảm 40% so với mức cao điểm vào năm 2013. Số lượng cặp đăng ký kết hôn đạt mức thấp nhất trong 17 năm, theo số liệu chính thức.

Giới chức cũng đang khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con. Năm 2020, Trung Quốc ghi nhận tỷ lệ sinh thấp nhất kể từ năm 1978, trong khi dân số già tiếp tục tăng.

Ánh Dương

Zing.vn

Các tin tức khác

>   TP HCM không bắn pháo hoa Tết âm lịch 2022 (13/01/2022)

>   TP.HCM: Người trẻ ít vốn mua nhà bằng cách nào? (13/01/2022)

>   Thế hệ làm gì cũng không thể mua được nhà ở Trung Quốc (12/01/2022)

>   Tốn kém vì liên hoan, ăn uống liên tục cuối năm (12/01/2022)

>   Bình Dương từ 'đỏ đậm đặc' thành vùng xanh (12/01/2022)

>   Tết Nhâm Dần ở Sài Gòn 'cày' hay về quê: ‘Nghỉ dịch 5 tháng rồi, có việc thì làm’ (11/01/2022)

>   Giấy xác nhận tiêm vắc xin Covid-19 có thể thay thế 'hộ chiếu vắc xin' (11/01/2022)

>   Công nhân đòi thưởng Tết (10/01/2022)

>   Đón Tết Nguyên đán ý nghĩa (31/01/2022)

>   Sức mua thấp, người bán lo lắng (10/01/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật