Thứ Tư, 12/01/2022 10:18

Tốn kém vì liên hoan, ăn uống liên tục cuối năm

Những ngày cuối năm, nhiều người trẻ cảm thấy mệt mỏi, lo lắng về chi phí khi phải liên tục phải ăn nhậu tất niên, gặp gỡ các nhóm bạn bè, đồng nghiệp.

Nhìn lịch ăn tiệc tất niên trong vòng 2 tuần tới, Đức Duy (23 tuổi, quận Long Biên, Hà Nội) có chút ngán ngẩm. Anh dự định tham gia 2 bữa tiệc cùng công ty, 3 buổi gặp mặt bạn bè trước Tết Nguyên đán.

Tuy số buổi ăn uống đã giảm hơn một nửa so với mọi năm vì Covid-19, anh vẫn không quá hào hứng vì lo lắng cho túi tiền của mình.

“Do ảnh hưởng dịch bệnh, thu nhập của tôi trong năm qua không quá ‘rủng rỉnh’, thưởng Tết cũng chưa nhận được. Những buổi tiệc cuối năm thường khiến tôi tiêu tốn 300.000-500.000 đồng mỗi bữa, tính ra cũng không phải con số nhỏ”, nam nhân viên nội dung này chia sẻ cùng chúng tôi.

tiệc tất niên ảnh 1

Nhiều người tham gia các bữa tiệc cuối năm để gặp gỡ, kết nối với bạn bè, đồng nghiệp. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Ngại tốn kém

Ngoài áp lực về kinh tế, Duy cũng thấy mệt mỏi khi các bữa tất niên phải chuyển sang buổi trưa hoặc chiều muộn vì hàng quán tại Hà Nội dừng phục vụ sau 21h.

Với tính chất công việc, anh phải thay đổi luân phiên 2 ca sáng - tối, có lúc phải trực tới 23-0h để có thể tụ tập trong các bữa tiệc.

“Hôm nay, tôi vừa có một bữa ăn cùng đồng nghiệp từ 11h-14h. Vừa ăn uống xong, tôi lại phải quay về công ty trực tới 23h30. Trong bữa, tôi cũng uống với đồng nghiệp vài ly nên khá mất tập trung khi quay về làm việc. Mệt thì có thật, song tôi cũng chẳng thể từ chối”, anh thở dài.

Trước tình hình diễn biến phức tạp, Hoàng Lê (23 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng phải gác lại nhiều bữa tiệc tất niên cùng bạn bè. Bên cạnh cảm giác tiếc nuối ban đầu, cô lại thấy nhẹ nhõm khi không phải dành nhiều chi phí cho việc ăn uống, tiệc tùng.

tiệc tất niên ảnh 2

Hoàng Lê khá ngại tiệc tùng, nhưng khó có thể từ chối.

“Năm qua, tôi sống ở TP.HCM, công việc gần như đình trệ hoàn toàn vì đại dịch. Vì thế, tôi chỉ có một khoản tích góp nhỏ khi về Hà Nội để sinh hoạt, mua sắm cho bản thân và gia đình dịp cuối năm. Tôi chủ động giảm bớt việc ăn uống, tất niên ở ngoài để tiết kiệm chi phí”, cô nói.

Chia sẻ với chúng tôi, Lê cho biết cô từng thấy ngại ngùng khi từ chối lời mời dự tiệc tất niên từ một vài người quen vì dịch bệnh căng thẳng.

“Ban đầu, tôi khó có thể nói ‘không’ vì bản thân vốn là người hướng ngoại, thích gặp gỡ bạn bè. Nhưng dịch dã phức tạp, Tết Nguyên đán cũng tới gần, tôi muốn bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình hơn. Tôi hẹn bạn bè rằng sau dịch, cả nhóm sẽ cùng tụ tập, có buổi ‘tất niên bù’ sau”, Lê cho hay.

Không thể từ chối

Trong khi đó, đối với Bùi Sơn Anh Vũ (23 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội), những buổi tiệc tùng cuối năm lại khiến anh khá mệt mỏi vì phải uống nhiều bia, rượu.

Theo Vũ, vì các hàng quán đều đóng cửa lúc 21h, do vậy anh và những nhóm bạn thường tổ chức ăn uống tại nhà. Trước khi về quê đón Tết sớm, mỗi thành viên đều muốn tụ tập một bữa để cùng nhau tạm biệt năm cũ không mấy suôn sẻ.

tiệc tất niên ảnh 3

Anh Vũ thường xuyên say xỉn sau mỗi bữa tiệc cuối năm.

“Là người hướng ngoại, lại nhiều bạn bè, nên mình luôn hưởng ứng các hoạt động tất niên của công ty, nhóm bạn, gần như không bỏ lỡ bất kỳ cuộc vui nào. Nhưng thú thật, mỗi lần ăn uống như vậy mình đều say, sau đó bị nôn và cảm thấy khá mệt”, Vũ kể lại.

Nam nhân viên văn phòng còn cho biết thêm vào mỗi lần say xỉn, anh đều tự hứa rằng sẽ “nhậu nốt lần này”. Tuy vậy, Vũ vẫn khó có thể từ chối những lời mời ăn uống từ bạn bè.

“Tất nhiên, tham gia nhiều như vậy thì chi phí cũng rất tốn kém. Hiện tại, do mình còn trẻ, còn sức khỏe nên mới đi nhiều. Sau này, có lẽ mình cần giảm bớt các bữa nhậu liên tục thế này”.

Bùi Văn Quỳnh (26 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng chung tâm sự. Trong khoảng 10 ngày qua, anh đã tham gia 3 tiệc tất niên, tụ tập cùng nhóm làm việc tại công ty, nhóm bạn đại học và hội bạn cùng CLB tình nguyện.

Quỳnh cho biết những buổi tụ tập giúp anh được gặp lại bạn cũ sau một năm dài chỉ liên hệ qua mạng xã hội. Nhất là sau một năm khó khăn vừa qua, anh rất mong gặp gỡ bạn bè để hỏi thăm sức khỏe, tình hình công việc từng người.

“Mặc dù biết đi ăn nhiều là tốn kém, lại còn khá mệt do uống bia, rượu, nhưng mình vẫn rất hào hứng tham gia”, Quỳnh cho hay.

tiệc tất niên ảnh 4

Chỉ trong khoảng 10 ngày, Quỳnh tham gia 3 bữa tiệc tất niên cùng bạn bè, đồng nghiệp. Anh dự định sẽ gặp gỡ thêm nhiều nhóm bạn trước khi về quê ăn Tết.

Khi tình hình dịch bệnh vẫn còn căng thẳng, Quỳnh không giấu được sự lo lắng. Anh cho biết thường rủ nhóm bạn ăn uống vào buổi trưa, lựa chọn quán xá vắng vẻ hoặc có phòng riêng.

Cận kề Tết Nguyên đán, cả nhóm dù mong gặp gỡ nhưng cũng chú ý nhắc nhở nhau đảm bảo các biện pháp phòng dịch, tránh bị mắc bệnh hoặc gây ảnh hưởng đến gia đình.

“Năm nay, những bữa tiệc tất niên của chúng mình không đông như nhiều năm trước vì có một số bạn đã về quê sớm, một số khác lại lo dịch nên từ chối. Trong lúc dịch bệnh thế này, cả nhóm cũng bảo nhau ăn sớm rồi về, hạn chế uống bia, rượu như trước đây”, Quỳnh nói.

Thục Hạnh - Trang Minh

ZING

Các tin tức khác

>   Bình Dương từ 'đỏ đậm đặc' thành vùng xanh (12/01/2022)

>   Tết Nhâm Dần ở Sài Gòn 'cày' hay về quê: ‘Nghỉ dịch 5 tháng rồi, có việc thì làm’ (11/01/2022)

>   Giấy xác nhận tiêm vắc xin Covid-19 có thể thay thế 'hộ chiếu vắc xin' (11/01/2022)

>   Công nhân đòi thưởng Tết (10/01/2022)

>   Đón Tết Nguyên đán ý nghĩa (31/01/2022)

>   Sức mua thấp, người bán lo lắng (10/01/2022)

>   Cục Hàng không kiến nghị hạn chế chuyến bay trọn gói về Hà Nội, TP.HCM (10/01/2022)

>   Đề nghị tạm dừng tổ chức lễ hội, bắn pháo hoa Tết (09/01/2022)

>   Karaoke, bar và spa tại TP.HCM kỳ vọng gì khi mở lại từ ngày 10/1? (09/01/2022)

>   TP.HCM lần đầu tiên kéo mức nguy cơ dịch Covid-19 xuống cấp độ 1 (08/01/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật