Công nhân đòi thưởng Tết
Người lao động coi khoản thưởng là nguồn thu nhập chính để chi tiêu trong dịp Tết, còn với doanh nghiệp, đó là áp lực không nhỏ trong bối cảnh đại dịch.
Tết 2022, chị Mai (35 tuổi, công nhân ở Bình Dương) không có thưởng Tết. Lần đầu tiên sau hơn 10 năm làm việc cho công ty may mặc này, chị chỉ có lương tháng 13 và hỗ trợ 500.000 đồng tiền tàu xe về quê. Nhớ lại những năm trước mức thưởng Tết được tính theo thâm niên, chị còn kì vọng năm nay được tăng vài triệu so với các năm trước.
"Lương công nhân chưa đầy 7 triệu đồng/tháng, năm nay lại còn phải nghỉ việc gần nửa năm, tôi cứ nghĩ sẽ có thêm lương tháng 13 và thưởng Tết để đưa con cái về quê thăm ông bà. Có lẽ Tết này gia đình tôi ở lại Nam, chỉ gửi vài triệu về biếu Tết nội ngoại, vậy là mất Tết", chị Mai giãi bày.
Áp lực của công nhân và doanh nghiệp
Theo bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn lao động Việt Nam), người lao động đã phải đối mặt với nhiều khó khăn do sụt giảm thu nhập trong năm 2021. Đa số họ lại không có tích lũy nên càng kỳ vọng vào tiền thưởng Tết.
Công nhân Pouchen ngừng việc, đòi doanh nghiệp duy trì thưởng Tết như năm 2021. Ảnh: B.A.
|
"5 hay 7 triệu đồng thưởng Tết với người khác có thể không khác biệt nhiều, nhưng cả năm qua chúng tôi đã không làm ra tiền, đến thưởng Tết là cái cuối cùng để 'bấu víu' mà sắm Tết cho gia đình, lo cho con cái cũng bị giảm, hỏi sao không đấu tranh?", anh Toàn - một công nhân tại nhà máy Pouchen Việt Nam (Đồng Nai) chia sẻ.
Đó là lý do trưa 7/1, nam công nhân này cùng hàng nghìn đồng nghiệp khác đình công để yêu cầu doanh nghiệp duy trì mức thưởng Tết như năm trước. Cụ thể, thay vì mức thưởng cao nhất năm 2021 là 1,9 tháng lương, thì năm nay, người lao động ở đây chỉ nhận được thưởng Tết bằng 1-1,54 tháng lương.
Trước đó, hồi giữa tháng 12, hàng trăm công nhân tại Công ty TNHH Freetrend A (TP.HCM) cũng ngừng việc, buộc ban giám đốc phải nâng mức thưởng Tết mới cho khoảng 40.000 người.
Theo nhận định của bà Thanh Hà, người lao động cho rằng dịch ở Việt Nam mới tác động mạnh vài tháng trong năm vừa qua, còn trước đó doanh nghiệp đã có sự tích lũy nhất định, nên họ kỳ vọng doanh nghiệp chia sẻ một phần tích lũy lúc khó khăn.
"Việt Nam cũng thuộc nhóm nước có tỷ lệ phủ vaccine cao nhất thế giới, các nhà máy đã hoạt động bình thường trở lại. Điều này khiến công nhân tin rằng tình hình kinh doanh năm 2022 sẽ tốt lên, nên thưởng Tết phải cao để họ có động lực gắn bó lâu dài", bà nói.
Còn ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Kim Huyền - Giám đốc 2 công ty Genki Japan House và Global Maritime Service - cho rằng lương tháng 13 và thưởng Tết là không bắt buộc theo quy định pháp luật mà phụ thuộc vào tình hình kinh doanh, năng suất lao động và khả năng của mỗi người.
Văn hoá chờ thưởng Tết thật sự là một áp lực không nhỏ với chủ doanh nghiệp tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Kim Huyền - CEO Genki Japan House và Global Maritime Service
|
"Thật sự thấy người lao động quá đáng lắm. Khi doanh nghiệp khó khăn suốt 2 năm với Covid-19, ngoài kia hàng triệu người thất nghiệp, họ có việc làm, có lương, có thưởng tuy ít hơn nhưng đừng đòi hỏi.
Văn hoá chờ thưởng Tết thật sự là một áp lực không nhỏ với chủ doanh nghiệp tại Việt Nam. Và cơm áo gạo tiền mưu sinh cũng khiến cho một bộ phận người lao động vô tâm và vô ơn", bà Huyền nói.
Cần chia sẻ nhiều hơn
Mặc dù vậy, bà Huyền cho rằng doanh nghiệp cần chia sẻ nhiều hơn với người lao động. Tại các công ty của mình, bà tận dụng các kênh truyền thông nội bộ để bày tỏ lòng biết ơn với những nhân sự đã đồng hành cùng công ty trong giai đoạn khó khăn, đồng thời hứa sẽ bù đắp cho họ khi tình hình kinh doanh thuận lợi.
Doanh nghiệp cần chia sẻ và lắng nghe người lao động. Ảnh: Phạm Ngôn.
|
Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình của ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM. Ông cho rằng công nhân vất vả nhưng doanh nghiệp cũng đang khó khăn.
"Giải pháp duy nhất là doanh nghiệp chủ động chia sẻ và lắng nghe ý kiến của người lao động. Doanh nghiệp thay vì đơn phương ra thông báo giảm thưởng, cắt thưởng, thì cần trò chuyện với người lao động. Còn người lao động cũng không nên ào ào biểu tình, phản đối, mà nên đối thoại trước. Quan trọng là hai bên có cách hành xử hợp tình hợp lý để tiếp tục đồng hành", ông Hồng phân tích.
Theo ghi nhận của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, bình quân mức thưởng Tết năm nay bằng 60-70% năm ngoái. Riêng khu vực phía Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch thứ 4, các nhà máy tạm đóng cửa nhiều tháng liền nên thưởng Tết giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp đến nay chưa có kế hoạch thưởng Tết.
Tại Bình Dương, chỉ có hơn 600 doanh nghiệp công bố thưởng Tết, còn lại chưa có kế hoạch. Trong đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu thưởng lương tháng 13, thấp nhất gần 4,5 triệu đồng.
Trong khi đó, Sở Lao động Thương bình và Xã hội Đồng Nai cho biết hơn 50% trong số trên 2.000 doanh nghiệp báo cáo mức thưởng Tết bằng hoặc thấp hơn năm ngoái, chủ yếu là 1 tháng lương/người.
Còn báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết hơn 50% doanh nghiệp gặp khó trong thưởng Tết. Bình quân mức thưởng là 8,88 triệu đồng/người, cao hơn 0,8% so với năm 2021.
Lan Anh
ZING
|