Nhìn xuống để bước lên cao
Năm nay, thưởng Tết lại là một câu chuyện cam go. Năm tiếp nối năm trong biến động của dịch Covid-19, khó khăn đã trở thành câu cửa miệng của doanh nghiệp, người lao động cũng đã nghe, đã thấm cái khó khăn ấy. Nhưng khó mấy thì khó, năm hết Tết đến người người vẫn mong đợi một khoản thưởng cuối năm để lo cho cả gia đình. Thưởng Tết bởi vậy mà thành chiếc cầu nối thể hiện thực chất nhất, rõ ràng nhất chuyện lời lỗ, phát triển của doanh nghiệp với ấm no, với hy vọng của mỗi nhà.
Đồng nghiệp cơ quan tôi vẫn nhắc với nhau một năm thưởng Tết ấn tượng. Năm đó, trường đại học nơi tôi làm việc có sự thay đổi lớn về lương. Lương của cả trường đều tăng, nhưng thang lương phân hóa theo khối lượng và hiệu quả công việc, các mức lương chênh lệch nhau khá lớn. Thưởng Tết thông thường sẽ là bằng quỹ lương của một tháng, mỗi người sẽ nhận được khoản tiền bằng một tháng lương của mình. Những ngày gần cuối năm, ai cũng trông ngóng. Rồi bỗng nhiên có tin hành lang, rằng thầy hiệu trưởng đề nghị chia đều thưởng Tết cho mọi người trong trường. Hội đồng quản trị, công đoàn đang bàn bạc. Cái tin làm xôn xao tất cả mọi người, người lương thấp thì ủng hộ ngay, người lương cao thì âm thầm tính toán suy nghĩ. Lẽ tất nhiên là nhóm lương thấp đông hơn nhóm lương cao, dư luận ủng hộ sôi sùng sục. Người ta nói thầy hiệu trưởng thật thấu tình đạt lý, ông ấy nói mười hai tháng trong năm chúng ta đã nhận lương cao hơn anh chị em rồi, mà cái sự cao hơn ấy cũng chưa chắc đã công bằng tuyệt đối, nay thưởng Tết chia đều cho tất cả mọi người cũng là một sự san sẻ, để mỗi gia đình cán bộ nhân viên đều được hưởng một cái tết đầm ấm như nhau. Người ta phân tích rằng lương hiệu trưởng thuộc nhóm cao nhất nhì trong trường, nếu chia đều ông ấy sẽ là người thiệt nhất, một khi ông ấy đã đề nghị chia đều thì những người lương cao khác chẳng có lý do gì để phản đối. Cuối cùng năm ấy trường chia đều tiền thưởng Tết thật. Các chị tạp vụ cũng được thưởng tết ngang bằng các ông bà trưởng khoa, trưởng phòng, ban giám hiệu. Tiền thì bằng nhau, nhưng niềm vui lại rất nhiều cung bậc khác nhau, không tả hết.
Tết xong, tiền cũng tiêu hết, nhưng không khí trong trường vẫn vương vấn niềm vui. Trường sạch bong từ cổng đến sân đến phòng học, bảo vệ tươi cười thân thiện, các phòng ban được chăm chút, thậm chí đến nhà vệ sinh cũng được treo mấy dây vạn niên thanh trong lành. Cứ nghĩ đó là một cử chỉ san sẻ rất tốt đẹp, có tác động tích cực. Nhưng rồi chỉ được nhõn một năm, duy nhất. Năm sau đó mọi chuyện quay về như cũ, sếp cấp cao hưởng lương cao thưởng cao, nhân viên cấp thấp lương thấp thưởng thấp. Ừ thì các sếp xứng đáng, ừ thì muốn hưởng tiền cao thì phải cố gắng, không nên cào bằng triệt tiêu động lực phấn đấu... rất nhiều lý do, rất có lý, chỉ thiếu chút tình.
Thưởng Tết bao nhiêu, chia thưởng thế nào thường là quyết định của lãnh đạo. Cách làm nào cũng có cái lợi và cái hại của nó, nhưng bản lĩnh và tầm nhìn của người đứng đầu đóng vai trò quyết định. Lãnh đạo chỉ tìm kiếm sự ủng hộ của cấp dưới kề cận thì sẽ để dòng tiền thưởng chảy theo thứ bậc trên dưới, đến cuối dòng tiền chẳng còn được bao nhiêu, người lao động cấp thấp đành chịu. Nhưng nếu lãnh đạo nhìn xuống được đến người thấp nhất, quan tâm đến lớp dưới cùng, đó là may mắn không chỉ cho những người thấp cổ bé miệng, đó còn là một chiến lược củng cố sự bền vững của toàn hệ thống. Nghịch lý là ở đời làm chuyện tốt không phải dễ dàng, nhất là khi động chạm đến quyền lợi cá nhân. Có khi càng thành công, việc san sẻ càng khó, bởi thành công mang lại nguồn lợi, số tiền chênh lệch càng lớn, người có quyền có tiền càng cố giữ lấy sự chênh lệch ấy, biện minh bằng nhiều lý lẽ chặt chẽ khác nhau.
Năm ngoái, cũng có một cơ quan quyết định chia đều thưởng Tết, do tình hình dịch bệnh khó khăn, một số anh chị em bị giảm thu nhập, quỹ thưởng Tết cũng không được bao nhiêu, tốt nhất là chia đều cho mỗi người được hưởng một chút. Cái sự công bằng quá khó, đến mức không thể đạt đến sự công bằng tuyệt đối, nên con người ta tạm thời coi chuyện “chia đều, chia bằng nhau” là dạng thức cơ bản và dễ làm nhất hướng đến sự công bằng, hay ít ra là san bớt hố sâu ngăn cách giữa đồng nghiệp với nhau.
Năm nay, với nhiều người, có thưởng Tết đã là một may mắn. Vậy cư xử với niềm may mắn nhỏ nhoi đó như thế nào để cho mỗi gia đình, mỗi người lao động đều vui, đều thấy ấm áp? Trong khó khăn, con người ta dễ đồng cảm, dễ san sẻ với nhau hơn. Với người này, khó khăn có thể chỉ là chuyện giảm bớt chi tiêu trong khi với người khác khó khăn có thể là treo niêu, là đói ăn mất Tết. Suy cho cùng, thưởng Tết cũng là một khoản đầu tư cho đội ngũ, một mặt nhằm ổn định quan hệ lao động cuối năm, nhưng mặt khác, lâu dài hơn, còn là để xây dựng đội ngũ gắn bó với doanh nghiệp của mình, tổ chức của mình.
Bước lên cao là để nhìn được rộng hơn, xa hơn, và toàn cảnh hơn. Nếu cứ ngửa mặt nhìn lên hãnh tiến mà bước, có khi vấp chân ngã lộn cổ. Vậy nên, thành công chỉ bền vững với người nhìn xuống dưới chân mình trước khi bước lên cao, mỗi bước mỗi nhìn, cẩn trọng và vững chắc. Cổ nhân dạy “tiền bạc phân minh thị trượng phu” – tầm vóc “trượng phu” không phụ thuộc vào chỗ tiền bạc có nhiều hay không nhiều, mà là cách cư xử với đồng tiền ấy.
Hồng Lộc
FILI
|