Định kiến “vùng dịch”
Chỉ còn chưa đầy ba tuần nữa là đến Tết Nguyên đán. Nhìn vào thị trường vé tàu xe Tết, có thể thấy số lượt người từ các thành phố lớn, trong đó có TPHCM đổ về các miền quê không đông đúc như trước lúc có đại dịch. Tâm lý e ngại trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh và ý thức giữ an toàn chung cho bản thân, gia đình, bà con làm cho nhiều người ở TPHCM ngần ngại chuyện về quê ăn Tết dù là thành phố bây giờ đã chính thức trở thành “vùng xanh”.
Tuy nhiên, trong nhiều hoàn cảnh cần thiết, chuyện người từ thành phố về quê đoàn viên, giải quyết các vấn đề gia đình là nhu cầu chính đáng sau một quãng thời gian dài xa nhà và sau những đợt giãn cách làm trì hoãn nhiều kế hoạch riêng. Điều mà những người có kế hoạch về quê rất quan tâm là các quy định phòng chống dịch bệnh, hiện mỗi nơi mỗi khác.
Tuy nhiều địa phương đã bỏ việc cách ly tập trung đối với người về từ thành phố, song, việc giám sát thì mỗi nơi một kiểu, có chỗ nghiêm ngặt quá đáng, cũng có chỗ rất máy móc, nặng tính hình thức. Thậm chí, một số nơi như các huyện ở Thanh Hóa, chính quyền gửi thư vận động người dân nhắc nhở thân nhân đi làm ăn xa không về quê nhà trong dịp Tết để tránh lây lan dịch bệnh.
Vẫn biết vấn đề tự do đi lại trong dịch bệnh sẽ tạo áp lực lớn lên hệ thống y tế ở các địa phương. Việc bảo vệ địa phương mình tránh khỏi sự quá tải y tế nếu chẳng may dịch bệnh bùng phát mạnh là trách nhiệm không nhẹ nhàng của bộ máy chính quyền các tỉnh nghèo, năng lực y tế hạn chế. Nhưng ở đây, có lẽ cũng cần nhìn lại cách tiếp cận dịch bệnh mới, theo đó là các quy định hướng đến “sống chung”, “bình thường mới” đã được triển khai trong vài tháng qua cùng với cuộc chạy đua phủ vaccine ở các tỉnh thành, để có những chính sách chống dịch thận trọng nhưng bình tĩnh và “sáng sủa” hơn.
Cần gỡ bỏ những trói buộc máy móc, vô lý. Đơn cử một chuyện nhỏ như cần loại bỏ khái niệm “vùng dịch” trên các tờ khai y tế. Khái niệm “vùng dịch” có lẽ chỉ nên gắn với giai đoạn chống dịch kiểu cũ mà nay đã không còn phù hợp, khi mà giữa các tỉnh thành đã dỡ bỏ các hàng rào phong tỏa và kiểm soát, và một số địa phương có tỷ lệ người nhiễm bệnh trên dân số thậm chí còn cao hơn TPHCM hay Hà Nội?
Thực tế đã cho thấy những bất cập của việc phân biệt “vùng dịch”, trong đó phải kể đến việc tạo ra định kiến “vùng dịch” không cần thiết. Mà không chỉ các địa phương có sự định hình “vùng dịch” một cách máy móc, ngay cả tại TPHCM bây giờ, khi đến một số bệnh viện, cơ quan, công sở trong thành phố, người dân vẫn phải khai báo mình “có đi về từ vùng dịch hay không”. Dĩ nhiên mọi người đều đánh dấu là “Không” dù chẳng biết vào lúc này, đâu mới là “vùng dịch” và đâu thì không phải “vùng dịch”!
Trở lại chuyện kiểm soát người từ thành phố về quê ăn Tết của các địa phương, đương nhiên vẫn rất cần những quy định an toàn khi mà việc di chuyển, lưu trú, khả năng tụ tập đông người luôn có thể làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Nhưng thiết nghĩ các quy định cần căn cứ trên cái nhìn mạch lạc, khoa học, nhất quán và cập nhật trong cách tiếp cận dịch bệnh mới theo tinh thần của Chính phủ và Bộ Y tế đã triển khai, để không tạo ra thêm những hệ lụy và định kiến như đã từng mắc phải.
Tất nhiên, mấu chốt và quan trọng hơn cả vẫn là ý thức tự giác của mỗi người dân trong việc tuân thủ các nguyên tắc an toàn phòng dịch cho bản thân, người thân và cộng đồng, để dù ở lại thành phố hay về quê thì mọi người đều có một cái Tết an lành đúng nghĩa.
Nguyễn Nguyên Thảo
TBKTSG
|