Vì sao đôi khi thị trường chứng khoán phản ánh ngược chiều vĩ mô?
Thị trường chứng khoán (TTCK) là hàn thử biểu của nền kinh tế, nhưng trong diễn biến thực tế, vẫn xuất hiện những giai đoạn thị trường phản ánh ngược chiều với thông tin vĩ mô. Điều này khiến nhiều NĐT, nhất là NĐT mới băn khoăn dẫn đến thiếu tự tin khi tham gia thị trường.
Ông Phạm Lưu Hưng - PGĐ Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư – CTCP Chứng khoán SSI ( SSI Research) (trái) và Ông Lê Qúy Hải (PGĐ Quản lý Danh mục – Công ty TNHH Quản lý Qũy SSI – SSIAM) tại buổi Hội thảo NDHeConference số 4
|
Vĩ mô ảnh hưởng thế nào đến TTCK
Trong phiên 3/11 NĐT có nhiều cảm xúc khi sáng còn xanh tốt, gần trưa đã biến động mạnh, nhất là ở nhóm midcaps, cổ phiếu bất động sản, xây dựng sàn la liệt, …thanh khoản gần 52,000 tỷ đồng - kỷ lục mới trong 21 năm hoạt động. Câu hỏi mà các chuyên gia, môi giới nhận được nhiều nhất từ NĐT là có phải phân phối đỉnh và vĩ mô có gì xấu không mà giảm mạnh thế???.
Đây là thói quen của không ít NĐT cá nhân khi tham gia thị trường, lúc thị trường thuận chỉ quan tâm chọn cổ phiếu gì và tự tin khi thấy “mình khá đúng”, chỉ có những phiên giảm mạnh mới quan tâm tới bức tranh vĩ mô.
Trong chương trình NDH eConference số thứ 4 về chủ đề vĩ mô, ông Phạm Lưu Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư, CTCP Chứng khoán SSI cho rằng, trong đầu tư không nên tiếp cận như vậy, mà cần cân bằng hơn, thị trường tăng hay giảm thì quan điểm vĩ mô luôn luôn cần có.
Theo khuyến nghị của ông Phạm Lưu Hưng, NĐT nên hình thành các nguyên tắc khi tiếp cận với vấn đề vĩ mô, hay kể cả trong đầu tư.
Trước hết, không có đúng sai tuyệt đối, “mọi môn khoa học đều bắt đầu bằng triết học và kết thúc bằng nghệ thuật “- trích theo Will Durant. Ý chỉ rằng, mọi quan điểm có tính tương đối và thời điểm, tức là có sự sai khác về mặt vị thế.
Thứ 2 “danh chính ngôn thuận” để không lạc lối trong rừng thông tin, biết chọc lọc kênh uy tín để tham khảo. Trong kinh tế vĩ mô, các nhân vật có thể đưa ra thông tin là chính trị gia, nhà kinh tế học, người làm chính sách, chuyên gia kinh tế…là thường gặp và mỗi đối tượng lại có một góc nhìn khác nhau. Với chuyên gia, ông Lưu Hưng khuyến nghị có thể tham khảo các chiến lược gia của các ngân hàng lớn, các quan điểm của họ dễ sử dụng hơn trong đầu tư.
Thứ 3: dài hạn, nhưng đừng dài quá. Ai cũng biết rằng đầu tư thì cần tư duy dài hạn và thị trường thì luôn nhìn về phía trước. Nhưng với vĩ mô, các NĐT cá nhân đừng cố gắng nghĩ đến các vấn đề dài quá mà nên “sống với thực tại là chính”. Với thị trường phát triển như Mỹ, kể cả là luồng thông tin đúng, chính xác, thì khung thời gian để thị trường chứng khoán phản ánh với các thông tin vĩ mô khoảng 18-30 tháng tới, còn ở thị trường đang phát triển như Việt Nam, NĐT có thể tìm hiểu các thông tin vĩ mô có thể tác động tới 3-6 tháng, dài hơn nữa thì “từ từ” hẵng xem. Với nguyên tắc này, NĐT nên ưu tiên lọc các chỉ tiêu vĩ mô mà có tác động tới thị trường trong khoảng 3-6 tháng mà thôi, còn lại không cần quan tâm để “tránh rung mất hàng”.
Ông Phạm Lưu Hưng
|
Vậy cần tìm hiểu vĩ mô để làm gì, giúp ích gì cho việc đầu tư chứng khoán?
Theo chuyên gia của SSI, nắm bắt được vĩ mô giúp phân tích được chu kỳ kinh tế đang ở giai đoạn nào, thu hẹp, suy thoái, tạo đáy, hồi phục, mở rộng, tạo đỉnh…Từ đó, NĐT có thể chủ động hơn, nắm được chu kỳ thị trường chứng khoán, như ngắn hạn chu kì đi xuống nhưng dài hạn thì ở chu kì đi lên, thì cần nghiên cứu đầu tư vào nhóm ngành nào phù hợp. Vì thị trường chứng khoán thường phản ánh trước, nên chu kì có thể cũng sẽ đi trước chu kì kinh tế, như khi nền kinh tế chính thức tạo đáy, thì chu kì thị trường chứng khoán đã chạy qua rồi.
Dĩ nhiên, không phải chỉ số nào cũng đúng, mà cần kết hợp nhiều chỉ số, củng cố dữ liệu để dự báo xu hướng tiếp theo.Mặt khác, với thị trường phát triển như Mỹ có thể dễ nhận diện chu kỳ nào, còn với các quốc gia đang phát triển thì không dễ phân định đang ở chu kỳ nào? Đặc tính TTCK có tính chất ngắn hạn nên NĐT có thể quan tâm các chỉ số ngắn hạn, công bố theo tháng, hay công bố theo 2 tuần/lần, có thể kể đến như số liệu xuất nhập khẩu hàng hoá hải quan, chỉ số sản xuất công nghiệp, chỉ số bán lẻ, tăng trưởng tín dụng…có tính chất dự báo khá tốt.
Một đặc điểm ở thị trường Việt Nam, các con số tổng cục thống kê sẽ công bố số liệu trước khi kỳ báo cáo kết thúc và là số ước tính, con số chính thức sẽ được công bố vào kì sau.
Một chỉ tiêu khác được nhiều NĐT quan tâm GDP. Ông Hưng cho biết, các thành phần của GDP gồm có tích luỹ tài sản + tiêu dùng cuối cùng + chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ… đều có thể dự báo theo số liệu tháng. Vì vậy , NĐT có thể tìm kiếm các thông số thành phần theo từng tháng, rồi sử dụng để dự báo GDP cho cả quý, chính vì vậy, khi công bố con số ước GDP quý thì khả năng không tác động mạnh ở thời điểm công bố, vì nhiều NĐT đã dự tính được trước đó.
Một đặc điểm cần chú ý khác, ở các nền kinh tế, thường xây dựng chỉ số chứng khoán theo xu hướng đi lên, tức các cổ phiếu thuộc doanh nghiệp có lỗ luỹ kế là loại khỏi rổ index, không giống nền kinh tế thực là các DN dù có lỗ 1-2 năm họ vẫn tồn tại và hoạt động trên thị trường.
Ở thị trường Mỹ có chỉ số S&P500, Việt Nam có chỉ số như VN30,…đều là những DN đầu ngành, có hoạt động kinh doanh rất tốt. Do cơ cấu thành phần của chỉ số cơ bản là đã trên mức trung bình của thị trường, nên các chỉ số chứng khoán là có xu hướng đi lên - và rổ hàng hoá là tệp thành phần trong cộng đồng doanh nghiệp.
Chưa kể đến, ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI – thành tố quan trọng đóng góp cho nền kinh tế, có hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng tốt cả trong dịch bệnh Covid chưa/không niêm yết…Chính vì vậy, TTCK không thể phản ánh đúng hoàn toàn nền kinh tế.
Ngoài ra, do chỉ số GDP của Việt Nam năm 2021 thay đổi cách tính, nên nếu so sánh về mặt con số thì tăng trưởng vài chục % so với GDP 2020, giúp GDP Việt Nam tăng quy mô trong khu vực Đông Nam Á…Nhưng theo ông Phạm Lưu Hưng, quy mô GDP không quan trọng. Tốc độ tăng trưởng GDP mới là yếu tố quan trọng hơn.
Ngày 10/11 tới, NDH eConference số thứ 5 với chủ đề câu chuyện các ngành cảng biển, thép và bán lẻ sẽ là tâm điểm giúp các NĐT lựa chọn danh mục hiệu quả cho những tháng cuối năm. Đăng ký miễn phí ngay tại https://hoithao.ndh.vn/.
FILI
|