Thứ Ba, 02/11/2021 10:00

Sau khi lập đỉnh mới, chứng khoán tháng 11 có triển vọng thế nào?

Thị trường chứng khoán đã thoát khỏi xu hướng đi ngang từ tháng 10 và lập đỉnh kỷ lục mới. Theo nhận định của chuyên gia, thị trường vẫn sẽ giữ được sự sôi động trong tháng 11 do kỳ vọng khác nhau giữa các nhóm nhà đầu tư.

Thị trường vẫn sẽ giữ được sự sôi động trong tháng 11 do kỳ vọng khác nhau giữa các nhóm nhà đầu tư.

Triển vọng thị trường sau khi vượt đỉnh

Theo bà Nguyễn Lý Thu Ngà – Chuyên viên cao cấp, Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research), VN-Index tăng gần 8% trong tháng 10, mạnh nhất trong 5 tháng gần đây với sự đồng thuận thể hiện qua sự đi lên của tất cả các chỉ số VN30, VNMidcap và VNSmallcap. Thực tế, thị trường đã thoát khỏi xu hướng đi ngang từ tháng 10.

TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam nới lỏng chính sách giãn cách, mật độ bao phủ vắc-xin dày lên cùng với Nghị quyết 128 được ban hành tạo bước đệm quan trọng cho doanh nghiệp tự tin quay lại khôi phục sản xuất kinh doanh. Điều này mang ý nghĩa rất lớn, tháo gỡ nút thắt tâm lý cho các nhà đầu tư trên TTCK.

Bên cạnh đó, phần lớn doanh nghiệp niêm yết vẫn công bố tăng trưởng kết quả kinh doanh quý 3 rất khả quan, vượt cả kỳ vọng của thị trường bất chấp tác động nghiêm trọng từ Covid-19. Đây là yếu tố trực tiếp giúp thị trường chinh phục vùng đỉnh lịch sử mới trong các phiên gần đây.

Bà Ngà nhận xét thị trường chung đang ở vùng đỉnh lịch sử mới và cũng đã đi qua giai đoạn nhộn nhịp nhất của mùa công bố kết quả kinh doanh quý 3. Với mức định giá P/E hiện tại của VN-Index là 17 lần, trong môi trường thiếu vắng thông tin và bệ đỡ của tăng trưởng lợi nhuận thì khó có khả năng chấp nhận mức định giá cao hơn trong ngắn hạn. Tuy nhiên, P/E năm 2022 ở mức 13.65 lần cho triển vọng rất hấp dẫn trong dài hạn.

Nhìn chung, ít có khả năng thị trường sẽ bứt phá tiếp trong tháng 11 nhưng vẫn sẽ giữ được sự sôi động do kỳ vọng khác nhau giữa các nhóm nhà đầu tư.

Theo ông Lê Ngọc Nam - Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Tân Việt (TVSI) nhận định, VN-Index đã vượt mốc 1,400 điểm với sự dẫn dắt của nhóm bất động sản, ngân hàng, dầu khí. Thanh khoản hiện tại đang ở mức cao cho thấy dòng tiền quay lại mạnh mẽ. Với việc vượt được mốc 1,400 sau nhiều lần kiểm định thất bại mốc này, xu hướng tăng của VN-Index có thể kéo dài.

Dòng tiền hiện tại không vào nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt mà tập trung vào những cổ phiếu có kết quả kinh doanh giảm hoặc thậm chí là lỗ. Độ nóng của các cổ phiếu có kết quả kinh doanh không tốt đang cho thấy dấu hiệu rủi ro, nhà đầu tư cần theo dõi thêm đối với các cổ phiếu này.

Trong tháng 11, VN-Index có thể sẽ dao động trong vùng 1,450 - 1,500 điểm. Nếu chỉ số có nhịp điều chỉnh thì nhóm cổ phiếu nóng sẽ có rủi ro lớn. Nhóm cổ phiếu dẫn dắt là ngân hàng, bất động sản, dầu khí vẫn đang ổn định nên dòng tiền có thể sẽ được luân chuyển về nhóm này.

Nên đầu tư cổ phiếu nào?

Về chiến lược đầu tư trong tháng 11, theo bà Ngà, nhà đầu tư nên theo dõi các yếu tố lạm phát, lãi suất và khả năng bùng phát trở lại của dịch Covid-19 cũng như nợ xấu tiềm ẩn trong hệ thống ngân hàng.

Thanh khoản thị trường ở mức cao và bị chi phối chủ yếu từ tập hợp đông đảo nhà đầu tư cá nhân nên tính biến động mạnh và khó lường là rủi ro thị trường lớn nhất trong giai đoạn này. Nhà đầu tư nên giữ tâm lý cân bằng ở cả 2 chiều đi lên và đi xuống của thị trường; tập trung vào giá trị cốt lõi, triển vọng và sau cùng là yếu tố định giá ở từng cổ phiếu sẽ mang lại các cơ hội đầu tư sinh lời bền vững.

Theo đó, các nhóm ngành vận tải biển, xuất khẩu, chứng khoán, bất động sản cùng với các nhóm ngành hưởng lợi từ chu kỳ tăng của giá hàng hóa như phân bón, hóa chất, đường vẫn sẽ thu hút sự chú ý của thị trường trong những tháng cuối năm do triển vọng tăng trưởng lợi nhuận vẫn khả quan.

Nói về sóng cổ phiếu vừa và nhỏ, Ông Nam nhận xét, nhiều cổ phiếu nhóm này có kết quả kinh doanh không tốt nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng mạnh do hiệu ứng từ dòng tiền mạnh. Thị giá cổ phiếu thấp, khối lượng lưu hành bên ngoài nhiều nên nhóm này được nhà đầu tư yêu thích.

Tuy nhiên nhà đầu tư vẫn cần chú ý tới kết quả kinh doanh, nếu không đi chung với nền tảng thì trong trung và dài hạn cổ phiếu chắc chắn sẽ điều chỉnh về điểm cân bằng. Theo đó, nên giảm kỳ vọng ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ và phân bổ lại danh mục vào những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt và đợi dòng tiền quay trở lại.

Có nên theo “game” thoái vốn

Chủ đề thoái vốn Nhà nước cũng đang nóng trong thời gian qua, theo bà Ngà, giá các cổ phiếu đầu ngành trong danh sách thoái vốn của Nhà nước khả năng sẽ diễn biến tích cực trong điều kiện thị trường tốt. Trong khi đó, với tính chất dẫn dắt nền kinh tế phục hồi tăng trưởng sau dịch thì đầu tư công sẽ là chủ đề đầu tư lớn trong những tháng cuối năm và cho cả năm sau.

Về phần ông Nam, vị chuyên gia cho rằng “game” thoái vốn sẽ tác động tới giá cổ phiếu, đẩy giá cổ phiếu tăng như hồi năm 2017. Đây là nhóm hút tiền thời điểm hiện tại. Nếu cổ phiếu đón nhận dòng tiền nhưng định giá không phù hợp thì nhà đầu tư chỉ nên xem xét giải ngân một phần danh mục vì sau khi thoái vốn, giá cổ phiếu thường có xu hướng điều chỉnh.

Chí Kiên

FILI

Các tin tức khác

>   Góc nhìn 02/11: VN-Index sẽ nhanh chóng phục hồi? (01/11/2021)

>   Có nên tích lũy PLX, VRE, VSH? (01/11/2021)

>   Góc nhìn tuần đầu tiên tháng 11: Điều chỉnh và tiếp tục đà tăng? (31/10/2021)

>   Góc nhìn 29/10: Không nên dự đoán đỉnh? (28/10/2021)

>   Góc nhìn 28/10: Đà tăng nối dài? (27/10/2021)

>   Góc nhìn 27/10: Đã kết thúc nhịp điều chỉnh? (26/10/2021)

>   Góc nhìn 26/10: Đà điều chỉnh sẽ tiếp tục nối dài? (25/10/2021)

>   Tiềm năng nào ở KDH, OCB, LHG? (25/10/2021)

>   Góc nhìn tuần 25-29/10: Quan sát nhiều hơn đến các nhóm cổ phiếu riêng lẻ (24/10/2021)

>   Góc nhìn 22/10: Tiếp tục giảm? (21/10/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật