Có nên tích lũy PLX, VRE, VSH?
Các công ty chứng khoán (CTCK) khuyến nghị tích lũy PLX do triển vọng kết quả kinh doanh sẽ tích cực trong năm tới; mua VRE do kỳ vọng kết quả kinh doanh khởi sắc sau khi trải qua thời gian giãn cách xã hội; mua VSH do kỳ vọng nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum vừa đi vào hoạt động sẽ mang lại động lực tăng trưởng trong dài hạn.
Tích lũy PLX với giá mục tiêu 63,186 đồng/cp
Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), sản lượng tiêu thụ xăng dầu của Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (HOSE: PLX) dự kiến đạt 1.9 triệu m3 trong quý 3/2021, giảm 19.8% so với quý trước đó nhưng sẽ bắt đầu phục hồi trong quý 4. Ngoài ra, xu hướng xuyên suốt kể từ đầu năm đến nay là việc giá đầu vào và đầu ra đều có xu hướng tăng, trong khi theo quy định bắt buộc về số ngày dự trữ hàng tồn kho, PLX phải duy trì lượng hàng tồn kho tối thiểu là 30 ngày, do đó, trong bối cảnh giá dầu liên tục tăng cao như hiện nay, PLX sẽ được hưởng lợi nhờ việc tích trữ và duy trì lượng hàng tồn kho từ vùng giá thấp, điều này sẽ giúp biên lợi nhuận của Công ty cải thiện tích cực trong quý 4.
Nguồn: VDSC
|
Bên cạnh đó, với nỗ lực tái mở cửa đường biên giới sau gần 2 năm đóng cửa (từ tháng 3/2020) cùng với việc đẩy nhanh chương trình tiêm sẽ giúp tần suất chuyến bay thương mại dần hồi phục. Theo đó, nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu Jet sẽ gia tăng trở lại sau dịch (chiếm khoảng 10% lợi nhuận trước thuế trước dịch).
Trong năm 2021, PLX có kế hoạch thoái vốn khỏi các mảng kinh doanh nằm ngoài chiến lược phát triển, trong đó trọng tâm là kế hoạch thoái toàn bộ cổ phần tại ngân hàng PGBank (PGB) thông qua đấu giá công khai và giảm tỷ lệ sở hữu tại Tổng Công ty Bảo hiểm Petrolimex từ 40.95% xuống 35%. Theo ước tính, PLX có thể ghi nhận khoảng 800 tỷ đồng thu nhập tài chính từ việc thoái vốn này (tương đương 80% lợi nhuận sau thuế năm 2020). PLX cho biết quá trình thoái vốn vẫn đang được thực hiện và hiện đang chờ phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ để có thể hoàn thành việc thoái vốn.
Đối với quy định về hàng tồn kho, hiện Bộ Công thương đang hoàn thành dự thảo sửa đổi Nghị định mới với đề xuất số ngày tồn kho giảm từ 30 ngày xuống còn 20 ngày. Như vậy, nếu Nghị định được thay đổi thì những rủi ro về trích lập dự phòng mỗi khi giá dầu giảm mạnh và dòng tiền hoạt động sẽ suy giảm mỗi khi giá dầu tăng cao do PLX phải dự trữ lượng lớn hàng tồn kho sẽ được giải quyết khi Nghị định mới được ban hành. Bên cạnh đó, dự thảo mới nhiều khả năng sẽ mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài nâng tỷ lệ sở hữu từ 20% hiện tại lên 35%.
Với những kỳ vọng kể trên, VDSC khuyến nghị tích lũy PLX với giá mục tiêu 63,186 đồng/cp.
Xem thêm tại đây
Mua VRE với giá mục tiêu 39,900 đồng/cp
Theo CTCK Phú Hưng (PHS), CTCP Vincom Retail (HOSE: VRE) được hưởng lợi nhờ dư địa phát triển mạnh từ thị trường bán lẻ, cùng cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện giúp nhu cầu khách thuê sàn bán lẻ cũng như khách hàng đến tham quan, mua sắm tại các trung tâm thương mại (TTTM) của VRE gia tăng đáng kể. Sự cộng hưởng từ hệ sinh thái của Tập đoàn Vingroup cùng quỹ đất rộng lớn là thế mạnh và động lực tăng trưởng trong trung và dài hạn của VRE.
Còn trong ngắn hạn, VRE dự kiến sẽ khai trương 3 TTTM mới, trong đó đáng chú ý nhất là Vincom Mega Mall Smart City (Hà Nội). Từ đó giúp diện tích sàn bán lẻ của VRE tăng thêm khoảng 115,000 m2. Tuy nhiên, kế hoạch này có thể bị lùi do tình trạng giãn cách xã hội tại các tỉnh thành nơi các TTTM này dự kiến được mở.
Với giả định dịch bệnh Covid-19 được Chính phủ kiểm soát triệt để theo từng khu vực và vaccine được phổ biến rộng rãi trong quý 4/2021, PHS kỳ vọng các hoạt động kinh doanh của VRE sẽ dần được phục hồi từ quý 4/2021 và bình thường trong năm 2022, đón thêm nhiều khách thuê mới. Dù vậy, CTCK này cho rằng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của VRE năm 2021 sẽ giảm lần lượt 16.7% và 18.5% so với năm trước, với 6,930 tỷ đồng và 1,942 tỷ đồng.
Dù vậy, với kỳ vọng vào sự phục hồi trong năm 2022, PHS khuyến nghị mua VRE với giá mục tiêu 39,900 đồng/cp.
Xem thêm tại đây
Mua VSH với giá mục tiêu 36,000 đồng/cp
Theo CTCK MB (MBS), nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum của CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (HOSE: VSH) đã đi vào hoạt động từ đầu năm 2021. Đây là nhà máy có công suất 220MW và đặc biệt là sản lượng điện trung bình hàng năm là 1,080 triệu kwh. Với việc nhà máy này đi vào hoạt động, VSH đã trở thành doanh nghiệp thủy điện lớn nhất trên HOSE với tổng công suất 356MW, đưa kết quả kinh doanh của công ty lên tầm cao mới với doanh thu dự kiến tăng 300% so với hiện tại, lợi nhuận giai đoạn 2021-2025 dự báo tăng trưởng kép ở mức 21%/năm.
Nguồn: MBS
|
Bên cạnh nhà máy Thượng Kon Tum, nhà máy Vĩnh Sơn và Sông Hinh của VSH có tổng công suất 136MW, máy móc thiết bị cơ bản đã được khấu hao hết, không còn nợ vay, dẫn đến chi phí sản xuất điện hàng năm ở mức thấp, cạnh tranh rất tốt trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh doanh cao.
Ngoài ra, Công ty hiện có các dự án đầu tư nguồn điện mới hấp dẫn như dự án nâng cao năng lực hồ chứa Sông Hinh, nhà máy Vĩnh Sơn 2&3 có thể gia tăng công suất thêm 120 MW. MBS cho rằng sau khi nhà máy Thượng Kon Tum đi vào hoạt động ổn định, Công ty sẽ bắt tay vào thực hiện dự án Vĩnh Sơn 2&3, hồ Sông Hinh mở rộng.
Theo báo cáo mới nhất của Cục khí tượng thủy văn, hiện tượng El nino tiếp tục kéo dài đến hết 2021 và sang tháng 4/2022, gây ra hiện tượng bão biển đông và mưa nhiều hơn cộng mưa trái mùa khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, điều này có lợi cho các nhà máy thủy điện của VSH tại khu vực.
Hiện tại, GENCO3 (PGV) đang sở hữu 26.7% cổ phần tại VSH, theo kế hoạch PGV sẽ thực hiện thoái hết vốn tại VSH trong thời gian tới khi nhà máy Thượng Kon Tum đi vào hoạt động ổn định và đàm phán được giá bán điện mới với EVN. MBS cho rằng sẽ có nhiều nhà đầu tư tổ chức quan tâm đến khoản thoái vốn này.
Giai đoạn 2021 - 2025, EVN dự báo 2 kịch bản nhu cầu phụ tải điện. Một là, phương án cơ sở, tăng trưởng nhu cầu điện khoảng 8.6%/năm. Hai là, phương án cao (với kịch bản kinh tế phục hồi mạnh sau Covid-19, đồng thời có xem xét đến khả năng có làn sóng dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam) tăng trưởng 9.4%/năm. Theo EVN, với hai kịch bản tăng trưởng này, hệ thống đảm điện sẽ bảo cung ứng đủ điện trong toàn bộ giai đoạn 2021 – 2025, từ đó cho thấy nhu cầu điện trong dài hạn vẫn tăng mạnh.
Từ những triển vọng kể trên, MBS khuyến nghị mua VSH với giá mục tiêu 36,000 đồng/cp.
Xem thêm tại đây
---
Khuyến nghị mua bán cổ phiếu của các công ty chứng khoán được trích dẫn lại có giá trị như một nguồn thông tin để nhà đầu tư tham khảo cho các quyết định đầu tư. Các khuyến nghị này có thể có những xung đột lợi ích với nhà đầu tư.
Thượng Ngọc
FILI
|