EVS: VN-Index có thể tiệm cận 1,470 điểm trong tháng 11
Dự báo cho tháng 11/2021, CTCP Chứng khoán Everest ( EVS) cho rằng thị trường có thể tiệm cận mốc 1,470 điểm. Lợi nhuận quý 3 của các công ty niêm yết vượt kỳ vọng và kéo tâm lý lạc quan của nhà đầu tư mới và thu hút dòng tiền tìm kiếm lợi nhuận vào nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn theo đó giúp VN-Index có thể chinh phục mốc kỷ lục cao hơn mức hiện nay.
Ước tính tăng trưởng lợi nhuận sau thuế quý 4/2021
Trong báo cáo chiến lược tháng 11 của EVS, dựa trên tốc độ hồi phục sản xuất của các công ty niêm yết, đặc biệt là nhóm tài chính sau giãn cách, CTCK này ước tính lợi nhuận quý 4/2021 của các nhóm ngành khác nhau sẽ có tăng trưởng khác nhau, theo đó nhóm bất động sản, tài chính và hàng tiêu dùng thiết yếu có thể sụt giảm lần lượt 10%, 8% và 7%, trong khi nhóm sản xuât công nghiệp cần nhiều thời gian hơn để cải thiện kết quả kinh doanh. Ngược lại nhóm nguyên vật liệu, tốc độ tăng có thể chậm lại nhưng vẫn duy trì mức tăng 30% và nhóm năng lượng với tác động tích cực từ giá dầu thô ở mức cao có thể duy trì tốc độ tăng trong quý 4/2021 khoảng 20% so với cùng kỳ.
Theo EVS, định giá theo PE 4 quý gần nhất toàn thị trường đang ở mức 17.1 lần, mức hợp lý trong giai đoạn hiện nay và phản ánh kết quả kinh doanh tích cực trong quý 3/2021 của các công ty niêm yết. Với ước tính lợi nhuận của các công ty niêm yết có thể sụt giảm khoảng 9% so với cùng kỳ do tác tác động từ dịch bệnh kéo dài có thể làm tăng chi phí nguyên liệu đầu vào, chi phí dịch vụ và tăng chi phí vận tải làm giảm biên lợi nhuận, theo đó cả năm lợi nhuận của các công ty niêm yết có thể tăng khoảng 30%, tương ứng với mức định giá PE dự phóng quanh 17.7 lần.
Các yếu tố chính tác động đến thị trường chứng khoán
EVS chỉ ra các yếu tố tích cực đối với thị trường chứng khoán trong tháng 11/2021 gồm:
Thúc đẩy nhanh việc giải ngân đầu tư công, kỳ vọng gói hỗ trợ kinh tế có thể được Quốc hội chốt thông qua, kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của các công ty niêm yết tăng trưởng vượt kỳ vọng và định giá theo PE ở mức hợp lý.
Yêu cầu từ Chính phủ đẩy nhanh việc giải ngân đầu tư công 3 tháng cuối năm, nhằm đạt ít nhất 95% so với kế hoạch năm 2021 là 461,000 tỷ đồng (9 tháng đầu năm giải ngân chưa đến 50%) nhằm hỗ trợ kinh tế phục hồi. Ngoài ra, doanh nghiệp và thị trường và người dân cũng đang chờ đợi những gói hỗ trợ tiếp theo nhằm khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định đời sống kinh tế của người lao động.
Ngược lại, góc nhìn tiêu cực có thể đến từ việc tăng trưởng ngành ngân hàng chậm lại hoặc ghi nhận mức tăng trưởng âm trong quý 4/2021. Bên cạnh đó, lạm phát gia tăng khi áp lực tăng giá nguyên liệu đầu và chi phí dịch vụ và vận tải gia tăng.
Các yếu tố cơ bản nội tại và yếu tố thị trường trong ngắn hạn tháng 11 đều khá cân bằng nhau giữa yếu tố tích cực và tiêu cực, do đó khả năng biến động của VN-Index có thể quyết định xu hướng bởi các yếu tố bên ngoài hoặc áp lực chốt lời của nhà đầu tư vào nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn trên vùng giá đỉnh.
Theo đó, EVS chưa nhận thấy những yếu tố rủi ro lớn tác động mạnh để thị trường sụt giảm sâu nhưng áp lực chốt lời hoặc các yếu tố bất ngờ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường trong tháng 11. Nhà đầu tư nên tận dụng giai đoạn này cơ cấu lại danh mục, thực hiện lợi nhuận và bắt đầu tìm kiếm những cổ phiếu triển vọng cho giai đoạn đầu năm 2022.
EVS dự báo thị trường có thể tiệm cận mốc 1,470 điểm. Lợi nhuận quý 3 của các công ty niêm yết vượt kỳ vọng và kéo tâm lý lạc quan của nhà đầu tư mới và thu hút dòng tiền tìm kiếm lợi nhuận vào nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn theo đó giúp VN-Index có thể chinh phục mốc kỷ lục cao hơn mức hiện nay. Tuy nhiên, thị trường có thể sẽ điều chỉnh mạnh ngay sau khi các thông tin về lợi nhuận được phản ánh vào giá cổ phiếu, mức điều chỉnh có thể xoá hết thành quả tăng trong tháng 10 hoặc mức điều chỉnh có thể lớn hơn 7% nếu áp lực chốt lời cộng hưởng thêm các yếu tố tiêu cực bất ngờ.
Kết quả kinh doanh quý 3 tăng trưởng vượt kỳ vọng
Theo báo cáo chiến lược tháng 11 của EVS, thống kê đến ngày 02/11 của các công ty niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh và ước tính lợi nhuận sau thuế (LNST) cho nhóm các công ty còn lại chưa công bố (HVN, VJC…), LNST quý 3/2021 của toàn bộ các cty niêm yết trên thị trường (HOSE và HNX) đạt tổng cộng 77 ngàn tỷ đồng, tăng khoảng 19% so cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, LNST của toàn bộ các công ty niêm yết tăng trưởng 50% so với cùng kỳ, mức vượt xa kỳ vọng của nhà đầu tư ước tính từ đầu năm quanh mức tăng khoảng 20%-25%.
Trong đó nhóm ngành có mức tăng trưởng vượt trội gồm: Ngành nguyên vật liệu với mức tăng vượt trội 154%, đứng thứ 2 và 3 lần lượt là nhóm 3 cổ phiếu họ Vingroup tăng 52% và ngành tài chính 49% so với cùng kỳ. Đóng góp chính trong nhóm ngành này gồm các công ty lớn thuộc top 50 như HPG, HSG, VHM, TCB, VND, SSI..
Ngược lại, ngành sản xuất công nghiệp (trong đó nhóm ngành vận tải hàng không và xây dựng) tiếp tục ghi nhận lợi nhuận âm và ngành hàng tiêu dùng thiết yếu với mức sụt giảm 3%. Trong đó, tác động chính trong các nhóm ngành này gồm với các công ty lớn HVN, VJC, VNM, SAB... với kết quả lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2021 âm hoặc tiếp tục sụt giảm so với cùng kỳ.
Nguồn: EVS
|
|
Duy Na
FILI
|