Để tiền vào đâu trong môi trường lạm phát cao
Báo cáo của Economist Intelligence Unit (EIU), kinh tế thế giới có thể mất hàng ngàn tỷ USD do quá trình tiêm chủng kéo dài, trong đó các nền kinh tế đang phát triển chịu phần lớn thiệt hại. Nền kinh tế khó khăn khi giá cả tăng vọt bởi chuỗi cung ứng gián đoạn đã buộc kinh tế thế giới đang gặp cú sốc lạm phát.
Ảnh minh họa.
|
Lạm phát đang gia tăng
Tại Mỹ, các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát mới nhất của Bloomberg đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm nay, nhưng lại nâng dự báo về mức lạm phát. Thực tế lạm phát của Mỹ kể từ sau cuộc khủng hoảng 2008 hầu như không đạt được mục tiêu (ngoại trừ một số giai đoạn rất nhỏ).
Còn bây giờ lạm phát lại quá dư thừa, không chỉ tăng theo phần trăm mà phải tính bằng lần. Chỉ số CPI đã tăng 0,9% trong tháng 10 sau khi tăng 0,4% vào tháng 9, mức tăng cao nhất kể từ năm 1990. Mức tăng lớn nhất trong 4 tháng đã thúc đẩy mức tăng hàng năm CPI của Mỹ lên 6,2%, cao nhất 31 năm.
Dù giá cả tăng mạnh nhưng thu nhập người dân Mỹ chỉ tăng khiêm tốn 0,2%, tương đương 35,5 tỷ USD. Thu nhập khả dụng thậm chí tăng ít hơn chỉ 0,1% (18,8 tỷ USD). Và nếu lạm phát tăng cao đến mức mọi người đều muốn tiết kiệm tiền của họ hơn là tiêu, nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào tình trạng thực sự khó khăn. Điều đó cho thấy tỷ lệ tiết kiệm đã tăng vọt trong thời kỳ đại dịch Covid-19, vào tháng 8 tỷ lệ này dừng mức 9,4%.
Một số chuyên gia kinh tế nhận định, người Mỹ đã có xu hướng bắt đầu trì hoãn việc mua hàng do giá cao. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tiêu dùng khi người tiêu dùng vẫn là trụ cột của nền kinh tế Mỹ.
Ngân hàng đầu tư lớn nhất Mỹ là Goldman Sachs, cho rằng dù Cục Dự trữ liên bang (Fed) muốn tiếp tục kiên nhẫn trong việc tăng lãi suất, song cơ hội để họ cầm cự đang thu hẹp dần.
Tại châu Âu, lạm phát giá tiêu dùng hàng năm của Đức đã tăng lên mức cao nhất 28 năm, cho thấy áp lực giá đang gia tăng mạnh tại nền kinh tế lớn nhất châu lục này. Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) kết thúc quý III với giá tiêu dùng tăng cao nhất trong 13 năm.
Hàng hóa, dịch vụ tại Eurozone đã trở nên đắt đỏ hơn khi tỷ lệ lạm phát đạt 3,4%, với giá năng lượng tăng 17,4% trong tháng 9.
Tỷ lệ này vượt xa mức mục tiêu 2% mà NHTW châu Âu (ECB) đưa ra, có thể làm gia tăng sức ép lên chính phủ các nước Liên minh châu Âu (EU) về khả năng áp dụng các biện pháp mạnh tay.
Lạm phát ở Anh cũng được dự báo tăng lên 5%, cao hơn gấp đôi so với mục tiêu 2% của NHTW nước này (BoE), bất chấp sự phục hồi của nền kinh tế chậm lại sau đợt suy thoái năm ngoái, và Thống đốc của BoE Andrew Bailey đã nói về sự cần thiết phải hành động để kiềm chế kỳ vọng lạm phát.
Ở châu Á, lạm phát tiêu dùng của Hàn Quốc tăng nhanh lên mức đỉnh gần 10 năm vào tháng 10, do chi phí sản phẩm từ giá năng lượng, tiền thuê nhà ở và dịch vụ ăn uống tăng cao hơn, gây áp lực lên các nhà hoạch định chính sách.
Dù lạm phát đã ở khắp mọi nơi, nhưng các báo cáo kinh tế đều đánh giá sau giai đoạn tăng mạnh nửa đầu năm, tăng trưởng kinh tế đã có dấu hiệu chững lại hoặc điều chỉnh giảm. Còn các nền kinh tế của châu Á và Đông Nam Á liên tục bị WB, IMF và các định chế tài chính hạ dự báo tăng trưởng.
Tỷ lệ lạm phát đang gia tăng tại các nền kinh tế hàng đầu thế giới, đẩy lãi suất thực xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên. Giới chuyên gia nhận định nhiều khả năng lạm phát giá hàng hóa không những không giảm trong năm tới, mà có thể đảo ngược và đây sẽ là vấn đề ngày càng nghiêm trọng trong những tháng tới.
Cụ thể, dự báo giá tiêu dùng đã được điều chỉnh tăng lên hàng quý cho đến tận cuối năm sau.
Các NHTW mắc kẹt
Môi trường đình lạm (tăng trưởng kinh tế đình trệ trong khi lạm phát tăng cao) là thách thức đối với các NHTW. Điều này tạo ra mối đe dọa lớn cho quá trình phục hồi vốn đã không chắc chắn của nền kinh tế toàn cầu.
Đằng sau tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng là mạng lưới giao thông quá tải, tình trạng thiếu lao động và nhu cầu hàng hóa tăng vọt. Và môi trường đình lạm cũng đẩy các nhà hoạch định chính sách vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Bởi việc giữ lãi suất ở mức thấp sẽ giúp thúc đẩy phục hồi kinh tế, nhưng làm gia tăng rủi ro giá cả hàng hóa leo thang, gia tăng lạm phát. Còn việc thắt chặt chính sách có thể giúp dập tắt lạm phát thông qua kìm hãm nhu cầu, song nhu cầu đối với hàng hóa sẽ giảm khi các gói kích thích kinh tế bị thu hồi, hoặc niềm tin của người tiêu dùng bị xói mòn do những lo ngại về điều kiện tài chính thắt chặt hơn.
Nếu các NHTW hành động quá chậm, lạm phát có thể tiếp tục tăng, giá cả tăng cao và thu nhập giảm sẽ ảnh hưởng lẫn nhau. Tuy nhiên nếu lãi suất được điều chỉnh tăng đột ngột sẽ tác động xấu đến quá trình phục hồi kinh tế, càng làm mọi chuyện khó khăn hơn bởi nợ tại nhiều nước hiện đã ở mức quá cao, chất lượng nợ suy giảm, gia tăng nợ xấu.
Nhiều NHTW như Iceland, Mexico… đã phải nâng lãi suất, thậm chí NHTW Nga còn tăng lãi suất tới… lần thứ 5 trong năm nay, trong đó có 1 lần nâng tới 100 điểm cơ bản. Một số nền kinh tế khác chuyển bớt sang chính sách thắt chặt dần như Canada, Trung Quốc.
Đặc biệt, Fed chính thức thông báo cắt giảm các gói kích cầu, qua đó đánh dấu bước đi đầu tiên trong quá trình rút dần sự hỗ trợ cho nền kinh tế Mỹ.
Trong khi đó, cuộc thăm dò mới đây của Reuters cho thấy, lãi suất chuẩn của Brazil sẽ tăng thêm ít nhất 100 điểm cơ bản nữa, khi NHTW nước này phản ứng trước lo ngại về kỳ vọng lạm phát tồi tệ hơn. Còn NHTW Canada sẽ tăng lãi suất sớm nhất là vào năm sau, sớm hơn ít nhất 3 tháng so với dự kiến trước đó.
Sự thay đổi quan điểm dựa trên áp lực lạm phát gia tăng, do tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu, thiếu hụt lao động và chi phí năng lượng tăng cao. Với Anh, nhiều khả năng BoE sẽ tăng lãi suất nhưng liệu việc này có diễn ra cuối năm 2021, hay phải đợi đến đầu năm sau vẫn chưa biết rõ. Nếu BoE quyết định nâng lãi suất vào tháng tới, đây sẽ là lần tăng đầu tiên kể từ năm 1994.
Nhiều NHTW buộc phải thắt chặt tiền tệ nhưng những biện pháp “nhẹ nhàng” hơn rất nhiều để hỗ trợ kinh tế, bằng cách giảm quy mô kích cầu hơn là các biện pháp mạnh tay như nâng lãi suất. Bên cạnh đó, các chính sách quy mô như vậy thường có độ trễ lớn 6-24 tháng.
Sự hành động thận trọng của các NHTW với các chính sách tiền tệ và chính phủ với chính sách tài khóa, cho thấy độ trễ không thể sớm hơn 12 tháng. Ngoài ra, thị trường có thể chững lại hoặc tăng trưởng chậm hơn khi giá cả lên quá cao, khó có những cú “sụp” mạnh như khủng hoảng 2008, nhờ kinh nghiệm điều hành của các NHTW cũng như môi trường hiện nay ủng hộ 4.0 mạnh mẽ sẽ thúc đẩy thị trường tài chính.
Lạm phát Mỹ tăng mạnh nhất kể từ năm 2008
|
Việt Nam có nằm ngoài dòng chảy?
Khi giá tiêu dùng của Mỹ tăng với tốc độ nhanh nhất trong 31 năm, nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát có thể tiếp tục ở mức cao trong cả năm 2022. Điều này thúc đẩy nhà đầu tư (NĐT) ồ ạt bán các tài sản rủi ro cao để tìm tới vàng như một biện pháp phòng ngừa lạm phát, đã khiến tài sản này tăng vọt.
Đồng thời, dòng tiền của NĐT đang có xu hướng dịch chuyển dần sang nhóm kênh đầu tư an toàn như trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm, tiết kiệm…
Trong bối cảnh này, thị trường tài chính Việt Nam sẽ có cơ hội lớn hơn do lạm phát trong nước đang được kiểm soát và kinh tế cũng vừa mở cửa trở lại, sẽ giúp lạm phát không tăng quá nhanh. Điều đó giúp dư địa của các chính sách trong nước rộng rãi hơn các nền kinh tế khác đang có dấu hiệu mất kiểm soát do lạm phát tăng quá nhanh.
Dù giá vàng có cơ hội rất lớn để vượt đỉnh cũ trong trung dài hạn nhờ môi trường lạm phát cao, nhưng tại Việt Nam mua vàng rất khó có lời do chênh lệch với giá thế giới 9-10 triệu đồng, giá mua/bán cũng bị kéo giãn xa khi giá thế giới có biến động.
Vì thế, với lý do nào đó khoảng chênh này bị san bằng sẽ khiến người nắm giữ vàng dễ lỗ nặng. Tuy nhiên, với NĐT có nhiều tiền, vàng vẫn là kênh đầu tư tốt để đa dạng danh mục đầu tư, nhưng NĐT ít tiền hơn chỉ nên tập trung 2-3 sản phẩm.
Giá dầu - nhiên liệu chủ lực cho nền kinh tế - cũng là nguyên nhân gây ra lạm phát hiện nay, do giá đã tiến khá gần tới mức đỉnh cao nhất lịch sử cách đây 15 năm. Tại Việt Nam, giá xăng hiện tại cũng ở mức cao hàng đầu lịch sử do thuế, phí và tỷ giá thay đổi nhiều năm qua. Dù vậy, giá dầu rất khó tăng cao thêm nữa trong dài hạn.
Bởi khi giá dầu tiến sát mức 100USD/thùng, những năng lượng thay thế bắt đầu được ưu tiên sử dụng hơn, đặc biệt năng lượng tái tạo được đánh giá cao với chi phí thấp. Bên cạnh đó OPEC+ cũng thường có hành động gia tăng sản lượng để tối ưu lợi nhuận của họ, cũng giúp kìm hãm giá dầu.
Thị trường chứng khoán và bất động sản vẫn sẽ được hưởng lợi từ dòng tiền rẻ, lãi suất thấp cũng như các chính sách hỗ trợ kinh tế, ít nhất cho đến khi các chính sách thắt chặt hơn và hoàn tất độ trễ.
Tuy vậy, 2 thị trường này đều đang ở mức đỉnh của đỉnh, nhiều mã cổ phiếu cũng như giá đất đã tăng hàng chục, hàng trăm lần chưa kể chu kỳ quá dài (như chứng khoán Mỹ đã tăng 13 năm liên tục), nên rủi ro chắc chắn không nhỏ, nhất là với NĐT có tỷ trọng đòn bẩy lớn. Do đó việc có thể đạt tỷ suất sinh lợi tốt như trước rất khó, dù mức độ tăng trưởng vẫn còn.
Cuối cùng, ẩn số lớn nhất trên thị trường tài chính là thị trường tài sản số, tiền kỹ thuật số. Tuy sự phân hóa trên thị trường này mạnh mẽ do còn quá mới, song sự đào thải khốc liệt sẽ để lại những dự án tốt, tăng trưởng lâu dài, từ đó giúp thị trường phát triển.
Hiện quy mô thị trường này đã vượt 3.000 tỷ USD, tăng xấp xỉ chục lần trong 2 năm qua. Ước tính tỷ lệ sở hữu tiền số, tài sản số toàn cầu hiện ở mức gần 4%, tức hơn 300 triệu người trên toàn thế giới.
Kế hoạch tài chính tổng thế dài hạn là phương thức tốt nhất để tự vệ trước thiệt hại do lạm phát tăng cao. NĐT đừng quá hoảng sợ bán các tài sản tài chính để đổ xô vào các tài sản an toàn, và lạm phát càng không nên là lý do để từ bỏ kế hoạch đầu tư. “Trong nguy có cơ”, nếu NĐT tận dụng được sẽ là “thời tới cản không kịp”.
|
Phan Dũng Khánh
Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính
|