Nhật Bản công bố gói kích thích kinh tế cao kỷ lục 56.000 tỷ yen
Kế hoạch chi tiêu cao kỷ lục trị giá 56.000 tỷ yen (490 tỷ USD) được đưa ra sau khi kinh tế Nhật Bản đã giảm mạnh hơn dự đoán trong quý 2 do các biện pháp phòng dịch ở Tokyo và nhiều thành phố khác.
Người dân tập trung tại khu mua sắm Nakamise ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 30/10/2021, sau khi các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 được nới lỏng. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
|
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 19/11 công bố gói kích thích cao kỷ lục trị giá 56.000 tỷ yen ( tương đương 490 tỷ USD) cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới nhằm thúc đẩy đà phục hồi không đồng đều của nước này
Gói kích thích thứ ba kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát này được dự doán sẽ được nội các Nhật Bản thông qua trong hôm nay.
Gói kích thích trên sẽ bao gồm một loạt các biện pháp, trong đó có trợ cấp tiền mặt cho các gia đình có con dưới 18 tuổi đáp ứng mức giới hạn về thu nhập, cũng như tăng lương cho y tá và các nhân viên y tế.
Kế hoạch chi tiêu khổng lồ này được đưa ra sau khi kinh tế Nhật Bản đã giảm mạnh hơn dự đoán trong quý 2 do các biện pháp phòng dịch ở Tokyo và nhiều thành phố khác.
Các cựu Thủ tướng Yoshihide Suga và Shinzo Abe đã “bơm” lần lượt 40.000 tỷ yen và 38.000 tỷ yen vào nền kinh tế thông qua các gói kích thích trong năm 2020, dù truyền thông và nhiều chuyên gia vẫn nghi ngại về tính hiệu quả của các gói chi tiêu này.
Số liệu chính phủ được công bố trong tuần này cho thấy kinh tế Nhật Bản đã giảm 0,8% trong quý 3, con số tồi tệ hơn nhiều so với dự đoán của thị trường, do sự gia tăng kỷ lục trong số ca nhiễm COVID-19 đã kìm hãm hoạt động chi tiêu, trong khi các vấn đề trong chuỗi cung ứng cũng đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, số ca nhiễm hàng ngày đã giảm mạnh trong những tháng gần đây, và hơn 3/4 dân số nước này hiện đã tiêm vaccine đầy đủ, và phần lớn các quy định hạn chế đã được dỡ bỏ trên khắp cả nước.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng gói kích thích nói trên sẽ phần nào hỗ trợ cho đà tăng trưởng của Nhật Bản, dù truyền thông nước này đã đặt câu hỏi về tính hiệu quả của trợ cấp tiền mặt và chỉ trích sự thiếu rõ ràng về nguồn kinh phí cho gói chi tiêu trên.
Nhật Bản hiện đang có khối nợ công khổng lồ, lên đến 250% Tổng sản phẩm quốc nội, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)./.
Khánh Ly
Vietnam+
|