Huy động vốn tăng thấp hơn tín dụng, vì đâu thanh khoản hệ thống vẫn ổn định?
Chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và huy động vốn ngày càng mở rộng trong 6 tháng đầu năm nay, nhưng thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn chưa cho thấy dấu hiệu căng thẳng. Điều gì đã giúp cho nguồn vốn trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng vẫn ổn định từ đầu năm đến nay?
Vốn bị san sẻ
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng đến ngày 21/06/2021 đạt 5.47% so với đầu năm, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng huy động vốn chỉ là 3.13% và tổng phương tiện thanh toán là 3.48%. Có thể thấy chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và huy động vốn đang ngày càng mở rộng. Cụ thể, nếu như thời điểm 19/03/2021, tăng trưởng tín dụng theo GSO công bố là 1.47%, chỉ cao hơn 0.93% so với tăng trưởng huy động vốn là 0.54%, thì đến ngày 21/05/2021 mức chênh lệch tăng lên gần 2% và con số công bố mới đây đã mở rộng lên đến 2.34%.
Trong bối cảnh các thị trường tài sản như chứng khoán hay bất động sản tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ đã hút một lượng vốn lớn từ kênh tiền gửi chảy sang, cũng như hạn chế bớt dòng vốn mới chảy vào ngân hàng, ngược lại dư nợ tín dụng đã tăng trưởng khá tốt trong 4 tháng đầu năm nay dựa trên kỳ vọng nền kinh tế phục hồi trở lại, trước khi có tín hiệu tăng chậm lại khi Việt Nam bước vào đợt bùng phát dịch lần thứ 4 kéo dài từ đầu tháng 5 đến nay.
Cụ thể, sau khi đạt tăng trưởng 4.14% vào cuối tháng 4, trong 2 tháng cuối quý 2, dư nợ chỉ tăng thêm vỏn vẹn 1.33%, tức chưa đến một nửa mức tăng trưởng của 4 tháng đầu năm, dù đây là thời điểm mà các ngân hàng thường tăng tốc cho vay để hoàn thành tiến độ kế hoạch bán niên. Dù vậy, tăng trưởng tín dụng tính đến tháng 6 vẫn đang duy trì tốc độ cao hơn so với huy động vốn, khi Chính phủ vẫn đang nỗ lực vừa chống dịch vừa duy trì các hoạt động kinh tế.
Bất chấp tăng trưởng huy động vốn thấp hơn nhiều so với tín dụng, diễn biến khá hiếm hoi trong nhiều năm trở lại đây, mặt bằng lãi suất huy động của các nhà băng vẫn khá ổn định trong những tháng đầu năm nay. Số lượng ngân hàng giảm lãi suất và số lần giảm vẫn chiếm đáng kể so với động thái tăng hiếm hoi tại một vài nhà băng gần đây.
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất vay mượn qua đêm giữa các nhà băng sau đợt tăng trong tháng 5, thì đang trong xu hướng giảm trở lại từ đầu tháng 6 đến nay, cho thấy thanh khoản của hệ thống chưa đến mức thiếu hụt và vẫn đang khá ổn định. Thực tế Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng chưa phải bơm vốn lớn qua thị trường mở để hỗ trợ thanh khoản cho các nhà băng.
Nhiều nguồn vốn bù đắp
Đầu tiên, lượng trái phiếu phát hành của các ngân hàng tăng mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm nay đã bù đắp phần nào lượng vốn bị thiếu hụt gây ra bởi sự chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và tiền gửi vào hệ thống ngân hàng. Thống kê cho thấy các nhà băng đã phát hành tổng cộng gần 56,000 tỷ đồng trái phiếu trong 6 tháng đầu năm , tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, một số ngân hàng có giá trị phát hành khá lớn như VPBank 12,100 tỷ đồng, ACB 6,200 tỷ đồng, OCB 5,000 tỷ đồng, VIB 4,070 tỷ đồng, TPBank và MSB đều ở mức 4,000 tỷ đồng,…
Đáng lưu ý, thời gian gần đây bên cạnh một số ngân hàng phát hành các trái phiếu dài hạn từ 5-7 năm để tăng vốn tự có cấp 2, không ít tổ chức tín dụng tập trung phát hành các trái phiếu kỳ hạn chỉ từ 2-3 năm, đặc biệt là nhóm ngân hàng TMCP tư nhân, với lãi suất khá thấp chỉ từ 3.5- 4%/ năm, thấp hơn cả mức trần lãi suất tiền gửi 6 tháng hiện nay ở 4%/năm, nhưng vẫn được hấp thụ hết bởi người mua chủ yếu là các công ty chứng khoán. Chính vì vậy không loại trừ khả năng các ngân hàng đang ủy thác đầu tư trái phiếu lẫn nhau để tăng cường nguồn vốn trung, dài hạn và cải thiện tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.
Yếu tố thứ hai là nguồn tiền gửi từ Kho bạc Nhà nước đã bổ sung thêm nguồn vốn kinh doanh ngắn hạn cho các ngân hàng. Trước đây, nguồn tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các NHTM từng ở quy mô lớn, có thời điểm ghi nhận quanh 500,000 tỷ đồng. Nhưng theo chính sách kết chuyển tiền gửi thanh toán của tổ chức này về NHNN, cũng như các NHTM chủ động giảm thiểu nguồn tiền gửi có kỳ hạn (qua hạn chế nhận thầu), quy mô đọng lại trong hệ thống không còn lớn. Tuy nhiên, dữ liệu gần đây cho thấy hệ thống NHTM vào cuối tháng 5 đã ghi nhận thêm nguồn tiền mới từ Kho bạc Nhà nước với số dư ước khoảng 63,000 tỷ đồng, dù nguồn vốn này chỉ mang tính chất ngắn hạn nhưng vẫn có thể tái tục.
Thứ ba là lượng vốn của các ngân hàng có thể đã được bổ sung từ các trái phiếu Chính phủ đáo hạn trong 6 tháng đầu năm nay. Với lãi suất trái phiếu Chính phủ đã rơi về mức khá thấp từ đầu năm đến nay, với kỳ hạn 5 năm hiện chỉ còn 1.1%/năm, kỳ hạn 10 năm quanh 2.2%/năm, kỳ hạn 30 năm quanh 3.0%/năm, các ngân hàng có lẽ cũng không có động lực rót vốn quá nhiều vào thị trường này, theo đó lượng trái phiếu cũ các ngân hàng nắm giữ đang đáo hạn dần nếu lớn hơn lượng vốn đầu tư trái phiếu mới cũng giúp các ngân hàng có thêm thanh khoản nhàn rỗi.
Ngoài ra, lượng vốn điều lệ tăng thêm mạnh mẽ của các ngân hàng trong 2 năm 2019-2020 vừa qua, cũng như 6 tháng đầu năm nay thông qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng giúp làm dày thêm nguồn vốn kinh doanh của các tổ chức này. Đơn cử như SHB hồi đầu tháng 5 đã hoàn tất chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%, VIB đầu tháng 6 thưởng cổ phiếu tỷ lệ 40%,…
Hay như sắp tới, MB sẽ phát hành 1 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức vào ngày 12/07, HDBank phát hành 398 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, hay VietinBank cũng sắp tăng vốn thêm 10,824 tỷ đồng lên 48,058 tỷ đồng. Được biết, nhiều ngân hàng có kế hoạch tăng thêm vốn điều lệ hơn 100 nghìn tỷ đồng riêng trong năm 2021 này.
Lượng trái phiếu phát hành của các ngân hàng tăng mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm nay đã bù đắp phần nào lượng vốn bị thiếu hụt gây ra bởi sự chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và tiền gửi vào hệ thống ngân hàng. Thống kê cho thấy các nhà băng đã phát hành tổng cộng hơn 56,000 tỷ đồng trái phiếu trong 6 tháng đầu năm , tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm 2020.
|
Nhung Võ
FILI
|