Các chuyên gia nói gì về động thái tăng lãi suất của nhiều quốc gia trên thế giới
Sau phát ngôn dự báo sẽ sớm nâng lãi suất trong năm 2023 vừa qua của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nhiều lo ngại cho rằng sắp tới lãi suất tại một số nước có thể tăng theo động thái này.
* Chủ tịch Jerome Powell: Fed sẽ không nâng lãi suất chỉ vì nỗi lo lạm phát
* Thị trường chứng khoán sẽ ra sao khi Fed dự báo sớm nâng lãi suất năm 2023?
Fed đi sau một số NHTW
Trước khi Fed đưa ra phát ngôn sẽ sớm nâng lãi suất vào năm 2023 thì một số quốc gia đã có động thái tăng lãi suất hoặc cho biết sẽ sớm nâng lãi suất trong thời gian sớm nhất. Theo ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (MBKE), điều này có thể hiểu là Fed đi sau một số NHTW các nước.
Hồi 11/06, Nga đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, Thống đốc NHTW Nga nói rằng đáng lẽ ra mức này phải tăng đến 75 điểm hoặc 100 điểm, chứ không phải chỉ có 50 điểm. Do đó, khả năng Nga tăng lãi suất trong thời gian tới sẽ còn nữa và thậm chí là tốc độ nhanh hơn. Thêm vào đó, việc tăng điểm lần này của NHTW Nga đã là lần thứ 3 trong năm nay, sẽ gây nên áp lực của các nước khác thậm chí là mạnh hơn rất nhiều.
Giữa tháng 5, NHTW Iceland cũng đã tăng lãi suất thêm 25 điềm cơ bản, NHTW Châu Âu (ECB) dù chưa có động thái gì nhưng họ cho biết là sẽ giảm bớt những gói kích cầu.
NHTW Brazil cũng sẽ có động thái đó khi lạm phát của Brazil hiện nay đã tăng hơn 8% lần đầu tiên trong vòng 5 năm. Trong khi dự báo trước đó chỉ ở khoảng 3.75% và cho phép sai số +/-1.5%. Điều này cũng có nghĩa là NHTW Brazil sẽ tiếp nối động thái của các NHTW khác là rất lớn.
Chưa kể hồi tháng 4, NHTW Canada đã phát đi thông báo là họ cũng sẽ có khả năng tăng lãi suất sớm và lưu ý rằng, Canada là 1 trong nhóm G7. G7 sẽ phát pháo đầu tiên nếu NHTW Canada có động thái gì hiện nay. Điều này cho thấy các gói kích cầu ở Canada cũng sẽ giảm, nhưng việc này cũng chưa phải là mới khi Trung Quốc – 1 trong 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chuyển sang thắt chặt tiền tệ từ cuối năm 2020. “Nên thật ra Fed hành động sau thế giới”, ông Khánh khẳng định lần nữa.
Thay đổi lãi suất tại một số quốc gia
|
Ông Hoàng Công Tuấn - Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Vĩ mô của CTCK MBS cho biết, xu hướng chung về dài hạn của lãi suất được nhìn thấy rất rõ. Mặt bằng lãi suất chung hiện nay trên toàn cầu là siêu thấp trong trạng thái bất thường. Còn nếu kinh tế đã trở lại trạng thái bình thường thì mặt bằng lãi suất phải trở lại trạng thái bình thường.
Thực tế, mọi việc đang trở lại trạng thái bình thường. Quá trình tăng lãi suất sẽ diễn ra từ từ, hàng năm chứ không phải là chuyện của ngày mai, tuần sau, thậm chí là 3 tháng sau. Câu chuyện đến năm 2023 mới tăng lãi suất, có nghĩa là các gói nới lỏng định lượng (QE) sẽ giảm dần quy mô, tháng này 120 tỉ USD, tháng sau có thể 100 tỉ USD… Và cho đến khi dỡ bỏ hoàn toàn các gói QE.
Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Phân tích Thị trường CTCP Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSI) cũng nhìn nhận, trước khi Fed ra thông báo, thì hàng loạt NHTW cũng đã tăng lãi suất, chủ yếu ở các nước đang phát triển, câu chuyện liên quan đến ổn định vĩ mô có ổn không, thặng dư tiền tệ có giữ đồng tiền để hỗ trợ điều gì hay không.
“Khi lạm phát tăng lên thì họ phải đi trước thị trường chung, không thể đợi Fed. Và tùy yếu tố ở từng quốc gia khi mà kinh tế vĩ mô không ổn định, lạm phát tăng lên, các NHTW sẽ có xu hướng tăng lãi suất, họ đi trước Fed là đương nhiên, vì kinh tế Mỹ bao giờ cũng mạnh hơn”, ông Khoa nói thêm.
Còn Việt Nam thì sao?
Fed gần như là dự báo chung của thế giới, khi họ điều chỉnh lãi suất thì các đồng tiền tương quan đều có xu hướng vận động theo và Việt Nam cũng có xu hướng như vậy.
Theo ông Khoa, khi Fed tăng lãi suất thì Việt Nam cũng có áp lực sẽ tăng lãi suất theo, tuy nhiên, nó còn tùy thuộc vào kinh tế vĩ mô từng giai đoạn. Giai đoạn này, Việt Nam có đủ dư địa để ổn định vĩ mô, tốc độ tăng lãi suất sẽ chậm hơn. Ông Phan Dũng Khánh thì dự báo, NHNN Việt Nam sẽ không tăng lãi suất trong năm nay, lý do là trong 2 năm qua, Việt Nam chỉ mới đưa ra một phần nhỏ các gói kích cầu thôi, chứ chưa phải gọi là nới lỏng tiền tệ ở mức cao để có thể chuyển sang thắt chặt tiền tệ ngay.
”Khả năng tăng lãi suất của NHNN Việt Nam trong năm nay là chưa có, nếu có thì sẽ có thể diễn ra vào năm sau”, ông Kháng dự báo. Năm nay sẽ vẫn duy trì chính sách giống như hiện tại, thêm nữa Việt Nam vừa đón nhận đợt dịch mới, nên việc tăng lãi suất sẽ càng khó diễn ra trong ngắn hạn. Việt Nam cũng chưa nới lỏng tiền tệ nhiều từ năm 2020 đến nay, nên cũng chưa cần phải thắt chặt tiền tệ.
Tại buổi họp thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2021 được diễn ra vào ngày 21/06 vừa qua, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cũng đã cho biết, quý 2/2021, chính sách tiền tệ của NHNN vẫn được điều hành theo định hướng chủ đạo hỗ trợ đà phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ “vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế”, đảm bảo vận hành thông suốt và ổn định thị trường tiền tệ.
Ông Hà cho biết thêm, NHNN sẽ giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, tạo điều kiện giảm chi phí vay vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Hiện, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm khoảng 0.3%/năm so với tháng 12/2020.
“NHNN đã giảm 3 lần lãi suất điều hành trong năm ngoái và nền lãi suất này vẫn đang được duy trì, nếu điều kiện cho phép, NHNN sẽ tiếp tục giảm lãi suất. Theo thống kê của NHNN, lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm trong 4 tháng đầu năm”, ông Hà nói.
Cát Lam
FILI
|