Yuanta: Tình trạng khối ngoại bán ròng sẽ không kéo dài
Theo báo cáo chiến lược của Yuanta (Yuanta), tính đến ngày 18/06, khối ngoại đã bán ròng 1.4 tỉ USD cổ phiếu niêm yết trên thị trường Việt Nam. Con số này cao hơn 67% so với tổng giá trị bán ròng của cả năm 2020 và hiện tượng này vẫn chưa kết thúc nửa đầu năm 2021.
Cụ thể, khối ngoại đã bán ròng trong 70% số ngày giao dịch tính từ đầu năm đến nay, nhưng điều này không có tác động quá lớn đến giá cổ phiếu. VN-Index đã tăng 25% so với đầu năm và top 5 cổ phiếu mà khối ngoại bán ròng nhiều nhất có mức tăng trung bình rất lớn, 58% so với đầu năm, trong đó chỉ có một cổ phiếu thực sự giảm là VNM.
Bốn trong số năm cổ phiếu mà khối ngoại bán ròng nhiều nhất tăng giá mạnh là HPG (71%), CTG (48%), VPB (105%) và MBB (78%). Đây có thể là sự kết hợp giữa hoạt động chốt lời (hiệu ứng thưởng theo năng lực của người quản lý quỹ) và tái cơ cấu danh mục đầu tư khi tỷ trọng các mã cổ phiếu tăng trưởng cao hơn mức tối đa.
Một trường hợp ngoại lệ trong top 5 là VNM (giảm 14% so với đầu năm), cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất tính từ đầu năm đến nay. Đây không phải là trường hợp “bán cổ phiếu tốt” mà là một trường hợp bán tháo. Và không giống như 4 cổ phiếu trên, các nhà đầu tư nước ngoài không còn bán VNM cho đám đông nhà đầu tư bán lẻ có tâm lý hưng phấn nữa. Ở chiều ngược lại, quỹ ETF VN Diamond của công ty quản lý quỹ Dragon Capital (FUEVFVND VN) được khối ngoại mua ròng nhiều nhất tính từ đầu năm trong số 32 mã được Yuanta lọc ra.
Tuy nhiên, điểm đáng mừng là Việt Nam không phải quốc gia duy nhất bị khối ngoại bán tháo. Tài sản đang quản lý (AUM) của các quỹ đầu tư vào các thị trường cận biên trên toàn cầu đã và đang giảm mạnh. Điều này là do có sự thay đổi trong cơ cấu danh mục và Yuanta nghĩ rằng AUM của các quỹ sẽ không có khả năng phục hồi. Tuy nhiên, hầu hết thị trường mới nổi tương tự ở khu vực châu Á (vốn không được các quỹ thị trường cận biên nhắm đến) đều đã bị ảnh hưởng bởi việc dòng vốn bị rút ra quá nhiều so với đầu năm, do có mối lo ngại về lạm phát trên toàn cầu, về Covid và/hoặc sức mạnh của đồng USD. Cụ thể, tổng giá trị bán ròng của Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam trong tháng 5 là 12 tỉ USD; trong đó Việt Nam chỉ chiếm 4%.
Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất bị khối ngoại bán ròng
Nguồn: Reuters, Yuanta Việt Nam
|
Việc khối ngoại bán ròng liên tục đương nhiên là chủ đề đáng quan tâm với hầu hết nhà đầu tư, nhưng theo Yuanta, tình trạng này sẽ không kéo dài. Các quỹ tương hỗ tập trung vào thị trường Việt Nam (thay vì đầu tư theo danh mục chuẩn của các thị trường cận biên trên toàn cầu) sẽ tiếp tục tạo ra lợi nhuận nhờ câu chuyện vĩ mô tích cực tại Việt Nam và tiềm năng thị trường tăng trưởng mạnh thời gian tới. Ngoài ra, Việt Nam là thị trường có kết quả vượt trội không tương quan, điều này sẽ giúp thu hút các nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại.
Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang có xu hướng tăng, các nhà đầu tư trong nước, chứ không phải khối ngoại, đang là nhân tố chính chi phối thị trường. Yuanta kỳ vọng mức thanh khoản sẽ tăng nhiều hơn trong nửa cuối năm 2021, nhưng độ biến động cũng sẽ lớn hơn khi thị trường tăng cao hơn. Do đó, nhà đầu tư nên thận trọng và tập trung vào các cổ phiếu chất lượng.
Việt Phương
FILI
|