Thứ Tư, 30/06/2021 15:29

Thị trường tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh giảm khoảng 7 - 10%

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực thị trường chứng khoán hiện tại đang tiềm ẩn các rủi ro: “Sau một thời gian phấn khích, thị trường sẽ có thể điều chỉnh giảm khoảng 7 - 10%. Lúc đó nhà đầu tư phải hết sức bình tĩnh, đây là cú điều chỉnh cần thiết để cho thị trường lành mạnh”.

Nhận định về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam 6 tháng cuối năm 2021 tại tọa đàm "Kinh tế vĩ mô và Thị trường chứng khoán" ngày 29/06, Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đánh giá thị trường vẫn còn triển vọng, lạm phát vẫn còn thấp. Một yếu tố nữa là thực lực của thị trường, dự báo lợi nhuận doanh nghiệp sẽ tăng khoảng 20% trong năm nay. Thứ ba là khối ngoại không còn giữ vai trò điều tiết như trước.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực

Tuy nhiên, ông Lực cũng nhấn mạnh không thể chủ quan mà nên thận trọng khi vai trò hàn thử biểu của thị trường chứng khoán với nền kinh tế đã trở nên tương đối lỏng lẻo.

Năm trước, chứng khoán tăng mạnh 15% nhưng tăng trưởng GDP thấp. Mỹ tăng trưởng kinh tế âm nhưng các chỉ số như S&P 500 và Nasdaq vẫn tăng trưởng lần lượt 15.5% và 43%. Điều này thể hiện niềm tin, phấn khích của thị trường và sức mạnh của dòng tiền rẻ.

Ông Lực cũng chỉ ra 4 rủi ro lớn đối với thị trường chứng khoán hiện tại, đây cũng là những rủi ro mà các nhà đầu tư Việt Nam cần nhận diện.

Thứ nhất, các nước đã bắt đầu thắt chặt các gói hỗ trợ, thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa như Fed đang tiếp tục mua các tài sản như trái phiếu và các khoản nợ với giá trị 120 tỉ USD/tháng nhưng sẽ giảm dần còn 80 tỉ USD/tháng, 60 tỉ USD/tháng, tiến tới năm 2023 sẽ không mua và tăng lãi suất. Năm 2013 đã xảy ra hiện tượng này và lập tức dòng vốn đầu tư rút từ thị trường mới nổi, rủi ro quay về đầu tư vào thị trường ít rủi ro hơn.

Rủi ro thứ hai là lạm phát. Đây là những vấn đề mà các chuyên gia Mỹ bàn suốt thời gian gần đây, chủ yếu vì giá cả nguyên vật liệu tăng quá nhiều. Lạm phát tăng thì lãi suất có xu hướng tăng. Trên thế giới đã có 3 ngân hàng trung ương tính đến chuyện tăng lãi suất.

Thứ ba là biên lợi nhuận của các doanh nghiệp bắt đầu co lại, bởi chi phí đầu vào tăng trong khi giá cả đầu ra chưa tăng tương ứng, điều này cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến giá chứng khoán.

Thứ tư là thuế. Hiện Mỹ đã tính đến chuyện tăng mạnh thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng từ con số 15% lên 21%, điều này tác động rất lớn đến thị trường chứng khoán nói chung.

Đối với thị trường Việt Nam, ông Lực cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đối diện với một số rủi ro khác.

Đầu tiên là vấn đề nền tảng của nhà đầu tư. Tại Việt Nam 90 - 95% nhà đầu tư Việt Nam vẫn là nhỏ lẻ, thiếu tính chuyên nghiệp, bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông, hệ số đòn bẩy tài chính cao, khi thị trường điều chỉnh, họ có thể phản ứng thái quá.

Cuối cùng là không loại trừ khả năng một số doanh nghiệp hiện nay đang "té nước theo mưa", tranh thủ đà tăng của thị trường hiện tại để tô bóng kết quả kinh doanh của mình nhằm mục đích phát hành cổ phiếu, trái phiếu.

"Chúng tôi cho rằng, sau một thời gian phấn khích, thị trường sẽ có thể điều chỉnh giảm khoảng 7 - 10%. Lúc đó nhà đầu tư phải hết sức bình tĩnh, đây là cú điều chỉnh cần thiết để cho thị trường lành mạnh. Cơ quan quản lý Nhà nước nên cảnh báo nhà đầu tư lúc này", chuyên gia Cấn Văn Lực cảnh báo.

Thêm nữa, sự phân hóa về ngành nghề do chịu ảnh hưởng của đại dịch cũng là một rủi ro nữa của thị trường chứng khoán, có ngành đi lên rất tốt nhưng cũng có ngành đi xuống rất nhiều.

Ở Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2021, giá cổ phiếu của lĩnh vực dịch vụ tài chính chứng khoán tăng 56%, công nghệ thông tin tăng 54.6%, ngân hàng tăng 42.8%, gia dụng 33%, bất động sản 26-27%. Đây là 5 ngành chủ lực kéo thị trường chứng khoán tăng mạnh trong thời gian vừa qua. Trong khi đó, giá cổ phiếu doanh nghiệp truyền thông, thực phẩm, đồ uống du lịch giải trí, bảo hiểm, điện nước, xăng dầu khí đốt… mức tăng chỉ 6 - 7% không đáng kể.

“Như thế tăng trưởng có thể thiếu bền vững ở một mức độ nào đó, cần phải lưu ý”, ông Lực cảnh báo.

Chí Kiên

FILI

Các tin tức khác

>   Góc nhìn 30/06: Điều chỉnh nhẹ? (29/06/2021)

>   Góc nhìn 29/06: Nên chốt lời? (28/06/2021)

>   Mua PDR, VPB, VCS liệu có khả quan? (28/06/2021)

>   Gỡ “bom nợ” cho Vietnam Airlines: Nhìn từ câu chuyện của Thai Airways (26/06/2021)

>   Góc nhìn tuần 28/06-02/07: Dao động tích lũy trong vùng 1,350-1,400 điểm? (27/06/2021)

>   Góc nhìn 25/06: Có thể giảm điểm? (24/06/2021)

>   Vàng lao dốc chỉ là tạm thời? (24/06/2021)

>   Góc nhìn 24/06: Hạn chế mua đuổi? (23/06/2021)

>   Góc nhìn 23/06: Có thể giải ngân? (22/06/2021)

>   Điều gì làm nên thành công của hoạt động IR? (17/07/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật