Dịch vụ
TPBank đạt lợi nhuận 3,007 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021
Nhờ tiết giảm được chi phí, song song với việc nâng cao hiệu quả hoạt động dựa trên nền tảng số hóa và quản trị tốt, kết thúc quý 2, lợi nhuận trước thuế của TPBank đạt 3,007 tỷ đồng, tương đương 54% kế hoạch năm. Nhiều chỉ tiêu quan trọng của ngân hàng thậm chí đã gần đạt mục tiêu đề ra trong cả năm, tạo ra sức bật mạnh mẽ cho ngân hàng trong 6 tháng còn lại của năm.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 với sự tăng trưởng vượt bậc ở các chỉ số kinh doanh, cùng với sự cải thiện đáng kể ở nền tảng vốn và hiệu quả sử dụng đồng vốn.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng tài sản của TPBank đạt hơn 242 nghìn tỷ đồng, gần đạt mục tiêu 250 nghìn tỷ đồng cho cả năm. Dự báo khả năng cuối năm tổng tài sản sẽ tăng vượt xa kế hoạch. Một chỉ tiêu quan trọng nữa cũng gần về đích cả năm là tổng huy động. Tính đến cuối tháng 6, TPBank huy động được hơn 217 nghìn tỷ đồng, tăng 17.46% so với cuối năm 2020 và tương đương 98.3% kế hoạch năm.
Tốc độ tăng trưởng nhanh về tổng tài sản và huy động đã củng cố thêm nền tảng vốn cho ngân hàng và tạo điều kiện cho các hoạt động kinh doanh mở rộng. Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng trong nửa đầu năm khoảng 11%, gần chạm mức trần được Ngân hàng Nhà nước cho phép. TPBank cũng đã trích lập đủ dự phòng rủi ro theo quy định, đồng thời cũng đã trích đủ phần dự phòng bổ sung cho dư nợ được tái cơ cấu theo thông tư 03 mới ban hành.
Tính đến cuối tháng 6/2021, tổng thu nhập hoạt động của TPBank đạt 6,233 tỷ đồng, tăng 27.74% so với quý 2/2020. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng hơn 3,007 tỷ đồng, tăng 47.80% so với cùng kỳ năm trước và tương đương 54% kế hoạch cả năm.
Một trong những nguyên nhân chính giúp tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của TPBank cao là do ngân hàng thực hiện một loạt các giải pháp tiết giảm chi phí và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động. Điều này có thể nhìn thấy rõ ở chi phí hoạt động, chỉ tăng có 6.91% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn rất nhiều mức tăng của doanh thu. Chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) cũng đã giảm rất mạnh từ 43% cuối tháng 6 năm 2020 xuống chỉ còn 36% ở thời điểm kết thúc quý II năm nay.
Một điểm sáng khác trong bức tranh toàn cảnh về TPBank 6 tháng đầu năm là sự đa dạng hóa nguồn thu của ngân hàng. Thu nhập thuần từ dịch vụ của TPBank, bao gồm hoạt động thanh toán, ngân quỹ, dịch vụ bảo hiểm và tư vấn, trong 6 tháng đầu năm tăng tới 117% so với cùng kỳ năm trước.
Trong bản báo cáo phân tích được đưa ra cuối tháng 5 vừa qua, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVS) đã chỉ ra rằng cơ sở khách hàng, cả cá nhân và doanh nghiệp, tăng mạnh trong thời gian qua mang lại lợi ích cho ngân hàng trong việc tạo ra thu nhập phí. Chẳng hạn như dịch vụ thanh toán, bảo hiểm và dịch vụ quản lý tiền mặt.
Đây chính là kết quả ngân hàng gặt hái được sau khi đẩy mạnh các hoạt động số hóa trong mọi quy trình vận hành nội bộ, cũng như áp dụng các kênh số hóa để mở rộng thị phần kinh doanh. Nhờ đó, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) của ngân hàng đạt 2.15%, trong khi đó tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 26%, cho thấy TPBank là một trong những ngân hàng hoạt động hiệu quả nhất trong hệ thống.
Chính sự hiệu quả trong hoạt động đó, dựa trên nền tảng số đã dày công xây dựng nhiều năm qua, đã tạo nên thành công của TPBank trong nửa đầu năm nay, dù nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn do làn sóng thứ 3 và thứ 4 của dịch bệnh.
Và cũng nhờ duy trì được sự hiệu quả, sự phát triển bền vững, TPBank mới có thể tiếp tục thực hiện song song cả hai mục tiêu phát triển kinh doanh và hỗ trợ khách hàng. Trong thời gian qua, ngân hàng tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ khách hàng khó khăn theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, với tổng số tiền miễn, giảm, hạ lãi suất cho khách hàng là 542 tỷ đồng. Mới đây, TPBank cũng đã đóng góp thêm 15 tỷ đồng vào Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 của Chính phủ, nâng tổng số tiền mà ngân hàng cùng với Tập đoàn DOJI ủng hộ hoạt động chống Covid-19 lên hơn 55 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh ấn tượng đạt được trong quý 2 vừa qua của TPBank sẽ tạo ra một sức bật mạnh giúp ngân hàng hoàn thành được mục tiêu 5,800 tỷ đồng đề ra trong năm 2021. Cuối tháng trước, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chấp thuận cho TPBank tăng thêm 1,000 tỷ đồng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Nguồn vốn bổ sung sẽ giúp ngân hàng tăng thêm hệ số an toàn vốn, cải thiện năng lực tài chính và mở rộng hoạt động kinh doanh.
Hoạt động hiệu quả của ngân hàng thời gian qua đã chiếm được niềm tin của nhiều nhà đầu tư. Cổ phiếu của TPBank liên tục tăng trong hai tháng qua và hiện ở mức 37,750 đ/cp (ngày 2/7/2021).
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố nâng hạn mức tài trợ thương mại cho TPBank lên 175 triệu USD, trong đó 25 triệu USD là hạn mức tín dụng tuần hoàn.
TPBank bắt đầu tham gia Chương trình Tài trợ thương mại của ADB từ tháng 5/2017 mới hạn mức khởi điểm là 30 triệu USD. Sau 4 năm, hạn mức này tăng gấp gần 6 lần, giúp TPBank nâng cao sức mạnh trong lĩnh vực thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại, từ đó tiếp cận và thiết lập quan hệ giao dịch với thêm nhiều ngân hàng trên phạm vi toàn cầu.
Động thái của ADB thể hiện sự đánh giá cao về uy tín, sự minh bạch cũng như hiệu quả sử dụng vốn của TPBank thời gian qua, hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai, tăng khả năng cạnh tranh và vị thế của nhà băng này trên trường quốc tế.
FILI
|