Đứt nguồn cung từ Trung Quốc, doanh nghiệp 'kêu cứu'
Các doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thiếu nguyên phụ liệu sản xuất từ Trung Quốc, các đơn hàng đình trệ, công nhân giảm, ngưng sản xuất... Đó là những hệ lụy mà các doanh nghiệp nơm nớp lo lắng và kiến nghị đến Thủ tướng.
Công nhân tại TP.HCM kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang khi vào nhà xưởng - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
|
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online vào chiều 10-2, ông Nguyễn Văn Bé, chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM (HBA), cho biết thực tế hiện nay "rất nghiêm trọng" bởi các biện pháp phòng, chống virus corona ảnh hưởng đến hàng ngàn doanh nghiệp TP.HCM ngay trong trung hạn.
Cụ thể, đường vận chuyển hàng hóa là nguyên phụ liệu cho sản xuất từ Trung Quốc vào Việt Nam như nguyên liệu, phụ liệu, máy móc, thiết bị, phụ tùng… bị ách tắc tại các cửa khẩu, nhất là cửa khẩu Hữu Nghị.
Bên cạnh đó, việc vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không cũng đã cắt đứt do các hãng hủy chuyến theo chỉ thị số 362 của Cục Hàng không Việt Nam.
Do đó, các doanh nghiệp sản xuất đang "đứng ngồi không yên" khi nguồn cung dần cạn kiệt.
Trước thực trạng trên, ngay trong ngày 10-2, Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM đã gửi văn bản "hỏa tốc" đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành kiến nghị cần có giải pháp cấp bách đảm bảo lưu thông cho riêng hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Theo đó, hiện nay tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và Khu công nghệ cao tại TP.HCM với gần 2.000 nhà máy đang cần nguyên phụ liệu cho sản xuất mà phần lớn đến từ Trung Quốc và hiện chưa có nguồn khác thay thế.
Do đó, ông Bé cho biết rất nhiều doanh nghiệp chắc chắn đối diện với thực trạng thiếu nguồn nguyên phụ liệu, công nhân có thể buộc phải ngưng hoặc giảm sản xuất. Theo ông, đây là vấn đề "khẩn thiết" và những ngày qua hiệp hội cũng đã nhận các văn bản "kêu cứu" của các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao TP.HCM.
Cụ thể, nhiều doanh nghiệp tại Khu công nghệ cao TP.HCM đã ký văn bản kiến nghị, trong đó cho rằng việc tạm dừng khai thác các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc từ ngày 1-2-2020 là cần thiết đối với vận chuyển hành khách trong việc kiểm soát tốt hơn tình hình dịch bệnh do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) gây ra.
Tuy vậy, riêng với vận chuyển hàng hóa, các doanh nghiệp này cho rằng doanh nghiệp vẫn có nhu cầu vận chuyển hàng hóa, bao gồm cả nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, phụ tùng giữa Việt Nam và Trung Quốc nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo các doanh nghiệp này, việc thiếu hụt nguyên vật liệu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, các đơn hàng đã lên kế hoạch trong quý 1 sẽ bị đình trệ, số lượng lớn người lao động sẽ thiếu việc làm trong tháng 2 và 3-2020…
Các doanh nghiệp này kiến nghị cần đảm bảo việc lưu thông hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc, đảm bảo tuân thủ các yêu cầu phòng chống dịch bệnh.
Công nhân đeo khẩu trang sản xuất tại một nhà xưởng ở TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
|
Về giải pháp trước mắt, ông Bé cho biết các cơ quan cần bàn giải pháp tăng cường năng lực kiểm dịch để cho riêng hàng hóa được thông thương.
Đối với giải pháp chuyển đổi vùng nguyên liệu, ông Bé cho hay các doanh nghiệp đã ký hợp đồng nên không dễ thay đổi vùng nguyên liệu ngay trước mắt.
Ngoài ra, có doanh nghiệp về công nghệ cao đã phải tính đến phương án trung chuyển thiết bị công nghệ phục vụ cho sản xuất đến một nước thứ 3 mới đưa trở về Việt Nam để đáp ứng việc sản xuất nếu việc thông thương này vẫn ách tắc trong thời gian dài.
Nhiều biện pháp đảm bảo an toàn cho công nhân
Theo ông Nguyễn Văn Bé, theo quy luật sau tết thường số lượng công nhân trở lại các nhà xưởng có giảm. Tuy nhiên, đến nay số lượng công nhân đã trở lại các nhà xưởng đảm bảo đến 90%, không gây ảnh hưởng đến nguồn cung nhân lực cho các khu công nghiệp. Theo ông Bé, nhiều nhà xưởng, doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đã áp dụng các biện pháp phòng dịch cho công nhân như cho công nhân đeo khẩu trang, đo thân nhiệt ngay tại cổng và trang bị nước rửa tay sát khuẩn tại nhà xưởng...
|
NGỌC HIỂN
Tuổi trẻ