Các 'ông lớn' FDI lo ngại sản xuất bị ảnh hưởng bởi dịch virus corona
Các vấn đề về lao động, nguồn nguyên liệu sản xuất trong thời gian dịch virus corona chủng mới (nCoV) được dự báo sẽ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp FDI lớn ở Vệt Nam.
* Người Sài Gòn ngại dịch Corona: Thành phố 'buồn' với quán ế; phố đi bộ, mua sắm vắng
* Trung Quốc chi hơn 10 tỉ USD chống dịch corona
* Các thương hiệu lớn tiếp tục điêu đứng vì virus corona
Theo báo cáo sơ bộ ảnh hưởng của dịch bệnh virus corona chủng mới (nCoV) đối với kinh tế-xã hội Việt Nam của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), cơ quan này đã đánh giá tác động đối với lao động, việc làm.
Bộ KH-ĐT cho biết trong số 50 địa phương có thông tin về người lao động Trung Quốc làm việc tại Việt Nam, các tỉnh có nhiều lao động Trung Quốc nhất là Bắc Ninh với 9.000 người, Hải Phòng có 4.308 người và TP HCM có 4.162 người.
Trong số đó, có 5.492 người lao động từ Trung Quốc quay trở lại Việt Nam vào thời gian bùng phát dịch, một số ít những người này đã quay trở lại làm việc còn đa số đang được cách ly theo quy định. "Vẫn còn hơn 11 ngàn người lao động Trung Quốc sẽ quay trở lại Việt Nam từ vùng có dịch để làm việc theo hợp đồng trong thời gian tới" - báo cáo Bộ KH-ĐT nêu rõ.
Dịch virus corona tác động đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (ảnh minh họa) - Ảnh: Minh Chiến
|
Để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, Bộ KH-ĐT cho biết các lao động Việt Nam tại các doanh nghiệp có lao động người Trung Quốc đang phải làm tăng ca để "gánh" thêm công việc của lao động Trung Quốc chưa quay trở lại làm việc.
Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài, Bộ KH-ĐT dự báo thị trường lao động Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Quy mô lao động, đặc biệt lao động trong khu vực du lịch, dịch vụ, kinh doanh ăn uống sẽ giảm mạnh. "Điều này sẽ tạo sức ép cho thị trường lao động khiến tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm tăng cao, có thể sẽ dẫn đến các vấn đề xã hội khác"- Bộ KH-ĐT đánh giá.
Về lĩnh vực đầu tư, Bộ KH-ĐT nhấn mạnh dịch đã ảnh hưởng trực tiếp tới nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, do đó khi khu vực sản xuất bị ảnh hưởng, hoạt động đầu tư sẽ ngay lập tức bị tác động làm giảm đầu tư của toàn nền kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt là đầu tư của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và khu vực ngoài nhà nước.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư tiềm năng của Trung Quốc nói riêng và các nước khác nói chung cũng có nhiều khả năng bị trì hoãn, bao gồm các hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư, các hội thảo, các diễn đàn doanh nghiệp, diễn đàn xúc tiến đầu tư…
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt đối với các mặt hàng không thiết yếu, sẽ giảm mạnh, làm cho sản xuất bị đình trệ, hàng tồn kho lớn. Các nhà đầu tư mới sẽ do dự chưa đưa ra các quyết định đầu tư ở thời điểm này. Đối với các dự án đã đầu tư, các nhà đầu tư có khả năng sẽ hoãn lại việc tăng vốn đầu tư.
Theo nhận định của Bộ KH-ĐT, khó khăn trong việc nhập khẩu đầu vào sản xuất cho rất nhiều dự án FDI từ Trung Quốc do tình trạng đóng cửa thông quan hàng hóa làm ảnh hưởng tới tiến độ, công tác chuẩn bị cũng như triển khai các dự án ở Việt Nam.
Bộ KH-ĐT cũng dẫn thông tin của LG Việt Nam cho thấy nếu dịch virus corona chủng mới (nCoV) không được ngăn trong vòng 2 tuần tới, sẽ không có nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, hàng trăm container nhập khẩu nguyên liệu đang bị ách tắc tại cửa khẩu Lạng Sơn, nếu không được thông quan có thể giảm tới 50% doanh số của Samsung trong năm 2020.
Đối với Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa (Hà Tĩnh), việc không thể nhập khẩu nguyên liệu thép từ Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hàng ngàn lao động Trung Quốc làm việc cho Dự án Formosa, dự kiến sau 15-2-2020 mới trở lại Việt Nam.
Ngoài ra, Apple dự kiến tăng xuất khẩu ở Việt Nam 30% trong năm 2020, tuy nhiên sản lượng của Apple lại phụ thuộc vào các công ty gia công (OEM) như Samsung, Foxconn, LG… Do đó, sản lượng của các công ty này giảm cũng sẽ ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu của Apple tại Việt Nam.
Minh Chiến
Người lao động