Cơ hội nào cho kinh tế Việt Nam trong dịch virus corona?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng dịch virus corona không chỉ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Việt Nam mà ở đó còn có cả những cơ hội.
* Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời corona: Thấp hơn mục tiêu đề ra
* Thái Lan lo cứu kinh tế khỏi virus corona
* Kinh tế toàn cầu 'sốt' theo viêm phổi Vũ Hán
Trong buổi trả lời phỏng vấn ngắn với chúng tôi, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng chia sẻ ông đã phải hủy một số chuyến công tác do ảnh hưởng của dịch virus corona. Ông nhấn mạnh rất nhiều lĩnh vực kinh tế đang bị ảnh hưởng của dịch bệnh này.
Ngay đầu tháng 2, Bộ KHĐT đã nhanh chóng xây dựng một báo cáo gửi Chính phủ, phục vụ cho phiên họp thường kỳ tháng 1 để đánh giá các tác động của dịch virus corona đến kinh tế Việt Nam.
Báo cáo này chỉ ra một số vấn đề thách thức, nhưng cũng tham mưu nhiều biện pháp giúp phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch, bám sát mục tiêu tăng trưởng trong năm nay.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
|
Phải thực hiện nhiệm vụ kép
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nhiều lĩnh vực kinh tế đang bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ dịch viêm phổi cấp cho virus corona gây ra. Ảnh hưởng trực tiếp có thể kể đến là nông nghiệp và du lịch.
Hiện khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam chiếm khoảng trên 30% tổng lượng khách quốc tế. Không chỉ vậy, khách du lịch từ các nước khác, khách nội địa cũng giảm do ảnh hưởng của dịch.
Nhiều tour, tuyến du lịch đang bị hủy. Ông nhấn mạnh đến những tác động liên hoàn khi du lịch là ngành tổng hợp, ảnh hưởng tới nhiều ngành khác nhau.
Theo đó, nhiều tour du lịch được cấu thành bởi nhiều ngành như vận chuyển, lưu trú, ăn uống, bán lẻ… Do đó, khách du lịch giảm, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến những ngành nghề này.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ngoài nông nghiệp, các ngành tài chính, ngân hàng, thị trường chứng khoán… cũng bị ảnh hưởng theo. Có thể dịch ở Trung Quốc ảnh hưởng đến một đất nước thứ ba, thứ tư, sau đó rồi mới ảnh hưởng đến Việt Nam.
Tuy nhiên, ông cũng nhắc đến những ảnh hưởng gián tiếp đến nền kinh tế mà chưa thể đo đếm được ngay. Ông lấy ví dụ có một số ngành kinh tế phụ thuộc khá lớn vào phụ tùng, nguyên liệu đầu vào, máy móc thiết bị từ Trung Quốc.
Không chỉ doanh nghiệp Việt Nam mà còn cả các doanh nghiệp FDI cũng phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc.
“Trong một chuỗi giá trị, người này cung cấp cho người kia, người kia cho cung cấp cho người này. Nhưng một mắt xích bị đình trệ thì sẽ làm đứt đoạn cả chuỗi giá trị. Dịch virus corona đang làm ảnh hưởng đến những người tham gia chuỗi giá trị”, ông phân tích.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng lấy ví dụ như Samsung, đây là doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu Việt Nam nhưng phải nhập nguyên liệu, linh kiện khá lớn từ Trung Quốc. Trong dịch, các mắt xích cung ứng của Samsung bị ảnh hưởng sẽ gây ra khó khăn cho dây chuyền sản xuất ở Việt Nam.
“Chúng tôi đang tính toán ảnh hưởng gián tiếp của dịch virus corona đến kinh tế Việt Nam. Có thể dịch ở Trung Quốc ảnh hưởng đến một đất nước thứ ba, thứ tư, sau đó rồi mới gián tiếp ảnh hưởng đến Việt Nam. Chúng ta phải nhận diện để có biện pháp tháo gỡ”, ông chia sẻ.
Do đó, Bộ trưởng KHĐT cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, cần thực hiện nhiệm vụ kép, vừa chú ý phòng chống dịch, vừa ổn định sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng.
“Nếu chỉ tập trung vào dịch thì không những ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, mà còn làm kìm hãm tăng trưởng. Cần ổn định sản xuất thúc đẩy tăng trưởng nhưng vẫn phải tập trung chống dịch. Hai việc này phải song hành với nhau”, người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư nói.
Cơ hội cho Việt Nam
Trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng vẫn lạc quan cho rằng không phải là không có cơ hội. Ông nhấn mạnh dịch bệnh là cơ hội để Việt Nam nhìn lại chính mình, thấy được các điểm yếu của nền kinh tế.
Đó chính là cơ hội để sắp xếp, cơ cấu lại, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. “Cái chựng lại không tốt, nhưng nó sẽ giúp mình thấy được đi đúng hay đi sai, đó là cơ hội”, ông nhấn mạnh.
Người đúng đầu ngành kế hoạch và đầu tư cho rằng đây là lúc nhìn lại các cơ cấu kinh tế, sau đó phải đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu từng lĩnh vực, từng ngành một. Làm sao phải xây dựng được một nền kinh tế độc lập tự chủ, ít phụ thuộc hơn, khả năng chống và thích ứng với các biến động nhiều hơn.
Dịch bệnh là cơ hội để Việt Nam nhìn lại điểm yếu của nền kinh tế, từ đó có những biện pháp khắc phục. Ảnh: Hoàng Hà.
|
“Bệnh dịch sẽ giúp chúng ta nhận ra điểm yếu của nền kinh tế. Các yếu tố bên ngoài luôn bất định, khó lường, có thể hôm nay thế này, ngày mai thế kia. Nếu mình không có khả năng tự chủ động thì sẽ phải đi luôn chống đỡ, không chủ động được”, ông chia sẻ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nền kinh tế ngày càng phải đi theo hướng sản xuất thông minh, bền vững, hiệu quả. Hiện Chính phủ đã có đề án tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng ông cho rằng phải đẩy nhanh hơn nữa quá trình này. Ngoài ra cần phải làm được việc này một cách thực chất. Cần khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam phát triển, khuyến khích hàng hóa do người Việt Nam sản xuất, bởi người Việt Nam và tại Việt Nam.
“Chúng ta phải coi đó là một nhiệm vụ chính trị quan trọng. Hiện nay ở một số nơi việc tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm, chưa thực chất, chưa được quan tâm đúng mức. Cái đó các bộ, các ngành phải quan tâm và đi đầu”, ông chia sẻ.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh cần khơi dậy nội lực trong nước, lấy đây là yếu tố quan trọng để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức chống chịu với các biến động bên ngoài.
Theo ông, cần khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam phát triển, khuyến khích hàng hóa do người Việt Nam sản xuất, bởi người Việt Nam và tại Việt Nam.
Theo đánh giá sơ bộ và dự báo của Bộ KHĐT, dịch virus corona sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam và chỉ số giá tiêu dùng. Về tăng trưởng kinh tế, bộ dự kiến có 2 kịch bản. |
Theo kịch bản 1, nếu dịch virus corona được khống chế kịp thời trong quý I, ước tính GDP năm nay tăng 6,27%, thấp hơn 0,53% so với Nghị quyết 01. Trong đó quý I tăng 3,8%; quý II tăng 6,55%; quý III tăng 7,07% và quý IV tăng 6,81%. |
Với kịch bản 2, nếu dịch virus corona được khống chế trong quý II, ước tính GDP tăng 6,09% so với năm trước (thấp hơn 0,71% so với Nghị quyết 01). Trong đó quý I, GDP tăng 3,8%; quý II tăng 5,81%; quý III tăng 7,05% và quý IV tăng 6,81%. |
Hiếu Công
Zing.vn