Mảng tối không nhỏ trong bức tranh sáng về xuất nhập khẩu
Năm 2019 xuất khẩu đạt 263,4 tỉ đô la, tăng 8,1% so với năm 2018, nhập khẩu 253,5 tỉ đô la, cũng tăng nhưng thấp hơn mức tăng của xuất khẩu (7%), đưa đến cán cân thương mại Việt Nam xuất siêu 9,9 tỉ đô la, là năm xuất siêu thứ tư liên tiếp. Bức tranh tổng thể như vậy là rất sáng, nhưng nếu “soi” vào hoạt động xuất nhập khẩu của từng khối doanh nghiệp thì “mảng tối” cũng không nhỏ.
* Xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam với Trung Quốc giảm mạnh
* Những 'bí mật' trong bức tranh xuất nhập khẩu 2019
* Kỷ lục xuất nhập khẩu 517 tỉ USD, người dân được gì?
Vẫn còn đó những điểm tối trong bức tranh có gam màu sáng của xuất nhập khẩu năm 2019. Ảnh minh họa: VOV
|
Trong tổng kim ngạch xuất khẩu của năm 2019, khối doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 82,1 tỉ đô la, nhưng nhập khẩu lại lên đến 108 tỉ đô la. Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xuất khẩu 181,3 tỉ đô la nhưng chỉ nhập khẩu 145,5 tỉ đô la. Từ đó có thể thấy cán cân thương mại của hai khối trái chiều: doanh nghiệp FDI xuất siêu 35,8 tỉ đô la; doanh nghiệp trong nước nhập siêu 25,9 tỉ đô la. Tình trạng này đã diễn ra trong nhiều năm và khoảng cách cũng ngày càng mở rộng, nó cũng phần nào nói lên sự yếu kém và lệ thuộc của khối doanh nghiệp trong nước.
Khu vực trong nước nhập siêu là đương nhiên, vì...
Hàng nông thủy sản vốn là thế mạnh của một nước nông nghiệp như Việt Nam, nhưng kim ngạch xuất khẩu năm 2019 lại giảm 4,5% với 7/9 mặt hàng của nhóm này giảm so với năm 2018. Xuất khẩu gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều tuy vẫn nằm trong nhóm đầu thế giới song chẳng còn mấy ý nghĩa. Cà phê giảm sâu nhất 21,2%; gạo giảm 9,9%; hồ tiêu giảm 4,4%. Hạt điều số lượng tăng 21,5% nhưng kim ngạch giảm 2,6%.
Trong khi đó, nhập khẩu nông phẩm và các thứ liên quan đến nông nghiệp trong năm qua cũng không ít, nhiều thứ tốn cả tỉ đô la, như: thủy sản nguyên liệu 1,7 tỉ đô la; hạt điều nguyên liệu 2,1 tỉ đô la; bắp 2,3 tỉ đô la; sữa và sản phẩm từ sữa 1 tỉ đô la; thức ăn gia súc và nguyên liệu 3,7 tỉ đô la...
Với hạt bắp, chúng ta đã có giống mới, phương pháp canh tác cũng mới, năng suất cao hơn song năm 2019 vẫn “rước về” 11,6 triệu tấn. Ngày nay, nhà nông “phải lòng” hóa chất ngày càng nhiều, nên chỉ riêng năm ngoái phải nhập cả tỉ đô la phân hóa học và 870 triệu đô la thuốc trừ sâu.
Nhóm tài nguyên khoáng sản lâu nay chỉ xuất khẩu, nay nhập khẩu khá nặng. Xuất khẩu than đá năm 2019 chỉ đạt 1,2 triệu tấn, thu 176 triệu đô la (so với năm 2018 giảm 49,8% về lượng, 45,2% về kim ngạch) thì nhập tới 43,85 triệu tấn, ngốn 3,79 tỉ đô la (so với năm 2018 tăng 91,8% về lượng, 48,3% về kim ngạch).
Dầu thô cũng vậy, năm 2019 xuất khẩu được 4,1 triệu tấn thu 2 tỉ đô la thì phải nhập khẩu 7,6 triệu tấn, ngốn 3,6 tỉ đô la.
Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, dù cho nội địa hay xuất khẩu, hầu như cũng phải nhập nguyên, phụ liệu. Có thể ví việc nhập khẩu nguyên liệu gắn với sản xuất như hình với bóng, muốn làm ra càng nhiều hàng thì càng phải nhập. Vấn nạn này được bị buộc bởi công nghiệp phụ trợ mãi không chịu lớn; máy móc, thiết bị hầu hết phải nhập với đặc điểm “tuổi cao”, “phàm ăn, tục uống” nguyên, nhiên, vật liệu. Chừng nào sản xuất thực ra chỉ là gá lắp, siết ốc, sơn phủ, đóng thùng...; xuất khẩu phải dựa vào nhập khẩu thì kinh tế - thương mại nước ta còn phụ thuộc.
Tác nhân gián tiếp
Năng suất lao động thấp: Năng suất lao động (NSLĐ) trong nước dù đã được cải thiện đáng kể, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực Asean, song vẫn thấp so với mặt bằng của khu vực. Tính theo sức mua tương đương (PPP) 2011, NSLĐ Việt Nam năm 2018 đạt 11.142 đô la, chỉ bằng 7,3% Singapore, 19% của Malaysia, 37% của Thái Lan, 44,8% của Indonesia và 55,9% của Philippines. Trong đó, NSLĐ của nông, lâm nghiệp và thủy sản thấp nhất trong các ngành kinh tế của ta, năm 2018 theo giá hiện hành đạt 39,8 triệu đồng/lao động, chỉ bằng 38,9% của toàn nền kinh tế, bằng 30,4% của công nghiệp, xây dựng, bằng 33,7% dịch vụ... NSLĐ của doanh nghiệp trong nước không sánh được với của doanh nghiệp FDI.
Dịch vụ logistics vẫn đuối: Hầu hết các nhà xuất khẩu của Việt Nam khi bán hàng đều theo điều kiện FOB (giao hàng tại cảng xuất) nên quyền định đoạt về vận tải đều do người mua chỉ định, dĩ nhiên người mua sẽ giành cho công ty nước họ. Phần lớn doanh nghiệp trong nước đều gia công hoặc xuất hàng cho những khách hàng lớn đã có những hợp đồng dài hạn với các tập đoàn logistics toàn cầu. Các công ty logistics của Việt Nam không dễ chen chân vào thị trường cung ứng dịch vụ này. Còn các nhà nhập khẩu Việt Nam hầu hết phải theo điều kiện CIF (nhận hàng tại cảng nhập) nên không thể dùng các doanh nghiệp logistics của Việt Nam vì phần lớn thị trường này vẫn nằm trong tay các hãng logisitics nước ngoài.
Chi phí logistics của Việt Nam được ước tính bằng khoảng 25% GDP (theo Ngân hàng Thế giới), cao hơn rất nhiều so với các nước phát triển, đã làm giảm hiệu quả khi xuất khẩu, tăng giá thành hàng nhập khẩu. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do cơ sở hạ tầng vận tải của ta quá cũ kỹ cộng với các cửa thủ tục phức tạp. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, dịch vụ logistics của Việt Nam đứng thứ 53/ 150 quốc gia được đưa vào bảng xếp hạng
Neo buộc vào thị trường Trung Quốc: Việt Nam và Trung Quốc cam kết đưa kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 100 tỉ đô la vào năm 2020, nhưng năm 2018 đã lên đến 106,8 tỉ đô la và năm 2019 lên tới 116,6 tỉ đô la. Năm 2019, hai bên chuyển từ buôn bán tiểu ngạch (còn gọi là biên mậu) sang chính ngạch. Hay đâu chưa thấy, chỉ biết là xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ tăng 0,2% so với năm 2018, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc tăng tới 14%. Trung Quốc là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam, thị trường này đồng thời cũng là “mỏ nhập siêu” lớn nhất của nước ta.
Bệnh sính dùng hàng ngoại: Xu hướng sính dùng hàng ngoại xuất phát từ thời bao cấp, do chất lượng hàng hóa sản xuất nội địa quá kém. Đến thời mở cửa, dù chất lượng hàng sản xuất trong nước đã tốt hơn, nhưng xu hướng sính ngoại vẫn không giảm.
Xu hướng sính hàng ngoại phần nào đó cũng phản ánh nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Trong khi đó, dù đã tiến bộ song mặt bằng chất lượng chung của hàng hóa sản xuất trong nước vẫn còn khoảng cách so với thế giới, đó là chưa kể đến yếu tố an toàn đối với sức khỏe của sản phẩm chưa được nhiều nhà sản xuất coi trọng, khiến cho nhiều người Việt vẫn ngoảnh mặt với hàng Việt. Điều đó đã “động viên” hàng ngoại tràn vào, nhất là khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ. Nguy cơ hàng nội thua hàng ngoại ngay trên sân nhà vẫn đang là mối lo thường trực.
Nguyễn Duy Nghĩa
TBKTSG