Thứ Ba, 11/02/2020 08:44

'Sương mù' phủ ngành thép, nỗi lo dịch bệnh khiến cổ phiếu Việt và giá hàng hóa lao đao

Giá cổ phiếu thép Việt Nam sụt giảm mạnh kể từ ngày mở cửa thị trường chứng khoán sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Đây có phải là phản ánh hợp lý cho việc các yếu tố cơ bản bị xáo trộn vì dịch bệnh virus corona lan rộng tại Trung Quốc?

Đối với ngành thép Việt, Bộ phận phân tích CTCK SSI (SSI Research) - trong báo cáo đánh giá tác động của dịch virus corona - đã ra quan điểm rằng nhu cầu thép tại Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, giá bán thép trong nước có thể chịu tác động gián tiếp bởi giá thép thế giới trong trường hợp hoạt động xây dựng ở Trung Quốc chững lại.

Còn CTCK VNDirect đánh giá, giao thương giữa dịch bệnh sẽ gặp khó khăn, một số ngành sản xuất tại Trung Quốc có thể bị đình trệ gây gián đoạn nguồn cung. Các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc hoặc có nguồn nguyên vật liệu phụ thuộc vào nước này có thể chịu nhiều ảnh hưởng, bao gồm ngành sản xuất thép dẹt (nhập khẩu thép cuộn cán nóng - HRC). Tuy nhiên, việc gián đoạn nguồn cung có thể chỉ mang tính tạm thời và hoạt động sản xuất tại Trung Quốc có thể sớm phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát.

Thậm chí, VNDirect cho rằng thép Việt Nam vẫn có thể hưởng lợi trong ngắn hạn, bởi đây là ngành nằm ở phân khúc hạ nguồn và lâu nay vốn chịu áp lực cạnh tranh từ Trung Quốc.

Quan điểm về tác động của dịch virus corona
lên ngành thép Việt Nam
Nguồn: Báo cáo của các CTCK, Vietstock tổng hợp

Việt Nam đang nhập hơn 8 triệu tấn thép cuộn cán nóng mỗi năm, trong đó 40% là từ Trung Quốc. Thép cán nóng là nguyên liệu chính để sản xuất tôn mạ.

Tuy nhiên, diễn biến trên thị trường chứng khoán lại tiêu cực hơn nhiều so với đánh giá từ bộ phận phân tích của các công ty chứng khoán. Điều này có lẽ bắt nguồn từ lo ngại của nhà đầu tư về việc Trung Quốc là nguồn nhập khẩu thép lớn nhất của Việt Nam trong những năm qua.

Vậy điều gì đang diễn ra đối với những nhà sản xuất thép tại Trung Quốc?

Diễn biến giá cổ phiếu thép
trước và sau dịch bệnh virus corona bùng phát

Làn sương mờ phủ lên ngành thép Trung Quốc

Trung Quốc, nhà sản xuất và cũng là nơi tiêu thụ lớn nhất của hầu hết các kim loại trên thế giới, đã kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và thực thi các biện pháp kiểm soát giao thông nhằm ngăn chặn dịch bệnh virus corona. Thành phố Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc - một trung tâm sản xuất thép lớn, là tâm chấn của dịch bệnh, đang bị giới nghiêm và đã kéo dài kỳ nghỉ lễ đến hết ngày 13/02.

Ảnh hưởng đối với nhu cầu và sản lượng thép hiện chưa rõ ràng bởi dịch bệnh bùng phát trùng với thời điểm mà nhu cầu thép yếu đi hàng năm.

Như bình thường mọi năm, hoạt động xây dựng tạm ngưng trong suốt kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tương ứng nhu cầu thép tại Trung Quốc sẽ giảm 15-20 triệu tấn/tuần, hãng nghiên cứu CRU Group cho biết. Tại Trung Quốc, lĩnh vực xây dựng cũng cầm chừng trong các tháng 1-2 hàng năm vì mùa đông, đặc biệt là ở khu vực miền Bắc.

Tất cả hoạt động xây dựng đã tạm ngưng tại các tỉnh Hà Nam, Cam Túc và thành phố Thiên Tân. Lĩnh vực xây dựng chiếm 2/3 nhu cầu thép tại Trung Quốc, theo thông tin từ hãng nghiên cứu Wood Mackenzie.

Sản lượng thép thô Trung Quốc thường giảm vào đầu năm
Đvt: Triệu tấn
Nguồn: Cục Thống kê Quốc gia – Trung Quốc (NBS)

Điều tương tự cũng diễn ra tại Việt Nam, hai kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Âm lịch ảnh hưởng đến nhu cầu của thị trường và sản lượng tiêu thụ của doanh nghiệp thép xây dựng. Sản lượng bán hàng thép xây dựng của Hòa Phát (HOSE: HPG) trong tháng 01/2020 đạt 175,800 tấn, giảm khoảng 40% so với tháng trước đó. Tại Việt Nam, tháng 3 - 4 thường là mùa cao điểm xây dựng và quý 2 mới là thời điểm bắt đầu ghi nhận doanh thu lớn đối với doanh nghiệp thép.

Trở lại với Trung Quốc, thực tế là những tác động lên nhu cầu thép của nước này vẫn tương đối hạn chế, nhưng nếu thời gian đình trệ kéo dài vì dịch bệnh thì ảnh hưởng sẽ lớn dần. Gần như tất cả các tỉnh tại Trung Quốc đã thông báo kéo dài kỳ nghỉ Tết đến hết ngày 09/02, bao gồm 2 trong số 3 tỉnh sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc là Giang Tô và Sơn Đông.

Việc các dự án xây dựng trì trệ sẽ khiến kho hàng thép ứ đọng, qua đó đè nặng lên giá thép. Nhu cầu đối với thép cây và thép cuộn có thể suy yếu, nhu cầu các sản phẩm thép hạ nguồn giảm, điều tương tự cũng sẽ xảy đến đối với thép thành phẩm.

Ngành công nghiệp ô tô nhiều khả năng cũng bị ảnh hưởng. Lĩnh vực sản xuất ô tô chiếm khoảng 6% tổng tiêu thụ thép tại Trung Quốc hàng năm, S&P Global Platts cho biết. Đáng nói, tỉnh Hồ Bắc là một trung tâm sản xuất ô tô lớn. Việc các hoạt động sản xuất công nghiệp suy giảm sẽ góp phần làm suy yếu nhu cầu thép hạ nguồn.

Một câu hỏi quan trọng là bao giờ người lao động có thể trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Chính phủ Trung Quốc đã thi hành các biện pháp kiểm soát giao thông và kiểm dịch tại nhiều thành phố để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Các dịch vụ giao thông công cộng chẳng hạn như xe buýt đường dài đã bị đình chỉ ở nhiều nơi và khả năng mở lại các tuyến xe vẫn chưa rõ ràng. Tại tỉnh Hà Bắc, 37 tuyến xe buýt đã đình chỉ hoạt động từ 28/01, bao gồm cả tuyến xe tại khu vực thành phố Đường Sơn - một trung tâm luyện thép lớn. Giao thông đường sắt cũng tạm ngưng ở một số vùng, bao gồm tỉnh Hồ Bắc.

Công nhân ngoại tỉnh ở hầu hết các khu vực của Trung Quốc sẽ trở lại làm việc vào ngày 10/02, nhưng có khả năng rằng họ phải cách ly thêm 14 ngày để ngăn ngừa dịch bệnh tại các nhà máy và công trường xây dựng. Điều này đồng nghĩa ngày trở lại làm việc thực tế có thể không sớm hơn 24/02. Thêm vào đó, một bộ phận lao động cũng trốn tránh trở lại các thành phố nơi số lượng người nhiễm bệnh đang gia tăng.

Dự báo lượng tiêu thụ thép mất đi nếu hoạt động xây dựng và sản xuất bắt đầu trở lại theo giả định từng ngày khác nhau
Đvt: Triệu tấn
Nguồn: S&P Global Platts

Các nhà máy thép sử dụng lò cao không thể ngưng hoạt động trong kỳ nghỉ và vẫn tiếp tục làm việc với lượng ít công nhân, như những gì họ vẫn thường làm trong các kỳ nghỉ bình thường khác. Điều này sẽ khiến hàng tồn kho tăng lên mức đỉnh thông thường vào khoảng cuối tháng 2 và đầu tháng 3. Dù vậy, những nhà máy này có thể giảm công suất nếu họ thấy một cú sụt mạnh đối với nhu cầu ngắn hạn.

Thành phố và các nhà máy tại những nơi mà việc nối lại sản xuất đang bị trì hoãn
Nguồn: S&P Global Platts

Không những thế, ngành thép Trung Quốc đối diện viễn cảnh thiếu hụt nguyên liệu thô. Hoạt động vận chuyển quặng sắt, than luyện kim và các hàng hóa khác hiện đang yếu đi, nhưng đây là diễn biến bình thường như mọi năm. Tuy nhiên, vì dịch bệnh bùng phát nên đã có thêm các hoạt động kiểm soát đối với những xe tải đi vào Đường Sơn và Thiên Tân, hai thành phố thuộc tỉnh Hà Bắc.

Việc nhập khẩu quặng sắt và xuất khẩu thép của Trung Quốc chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Hai cảng Jingtang và Caofeidian tại Đường Sơn đã đóng cửa kể từ ngày 28/01, chỉ những phương tiện vận chuyển trang thiết bị y tế được phép ra vào cảng.

Jingtang và Caofeidian cũng là những trung tâm nhập khẩu than cốc chính của Trung Quốc. Dù vậy, hơn 90% than cốc tại quốc gia này (dùng chủ yếu cho ngành công nghiệp chế tạo thép) được cung cấp bởi các mỏ khai khoáng nội địa. Việc giao thông bị kiểm soát sẽ khiến các mỏ khai thác rơi vào tình trạng thiếu lao động, để rồi dẫn đến việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu thô. Hai khu vực cung ứng than chủ chốt của Trung Quốc là tỉnh Sơn Tây và vùng Nội Mông đã thắt chặt giao thông.

Không như than cốc, ngành công nghiệp thép Trung Quốc phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu quặng sắt (80% tổng nhu cầu). Tuy nhiên, với hầu hết các nhà máy đã được bổ sung tồn kho quặng sắt trước kỳ nghỉ, sản lượng thép được cho là sẽ tạm thời không bị ảnh hưởng.

Một số cảng đã hạn chế công suất bốc dỡ và lưu trữ hàng hóa, điều này có thể khiến các tàu không thể xuống hàng được.Theo thông tin từ S&P Global Platts, cảng Tangshan, tại thành phố Đường Sơn, đã hoạt động gần như ở công suất tối đa mà vẫn chịu áp lực hàng chờ từ 5 – 10 tàu hàng.

Nếu đến quá thời điểm giữa tháng 2 mà các cảng vẫn tắc nghẽn và việc vận chuyển từ cảng đến nhà máy thép vẫn bị gián đoạn thì sản lượng sản xuất sẽ bị tác động đáng kể.

Hiệp hội Gang Thép Trung Quốc (CISA) vào thứ Năm, 06/02, đã đề nghị các hãng thép duy trì ổn định hoạt động giữa sự biến động của giá thép. Hiệp hội này kêu gọi các nhà sản xuất bình tĩnh, đánh giác kỹ càng xu hướng thị trường và “điều chỉnh nhịp độ sản xuất một cách hợp lý” dựa theo nhu cầu hạ nguồn, tránh tình trạng dồn ứ kho hàng và đảm bảo dòng tiền dồi dào.

CISA thừa nhận “không lạc quan” về hoạt động và sản lượng của ngành thép Trung Quốc trong quý 1/2020, nhưng nhu cầu được kỳ vọng sẽ tăng trong quý tiếp theo với các biện pháp kích thích thực hiện bởi chính phủ.

Thị trường hàng hóa âu lo bởi hàng đống giả định

Hoạt động giao dịch tại các thị trường thép và kim loại sắt toàn cầu đã bị đình trệ khi những người tham gia thị trường chờ đợi thêm thông tin. Giá hàng hóa có thể bị tác động tiêu cực trong quý 1/2020.

Wood Mackenzie nhận định nguyên nhân giá quặng sắt sụt giảm là do tâm lý sợ hãi, chủ yếu do người tham gia thị trường không chắc chắn về quy mô và tác động của dịch bệnh đối với nhu cầu quặng sắt.

Phía CRU Group thì cho rằng việc dự đoán tác động của virus corona vào thời điểm hiện tại là bất khả thi, bởi vì dịch bệnh vẫn chưa đến đỉnh. Bất kỳ tác động rõ ràng nào lên thị trường chỉ có thể xuất hiện khi kỳ nghỉ chính thức kết thúc tại, thông thường vào nửa sau của tháng 2 dương lịch.

Giá sắt thép nhiều khả năng sẽ giảm trong tháng 2 và đây thậm chí có thể là cơ hội mua vào cho các nhà giao dịch hàng hóa, với tầm nhìn rằng thị trường sẽ trở lại bình thường vào tháng 3 hay tháng 4, S&P Global Platts đánh giá. Nhưng hãy lưu ý rằng, dịch bệnh kéo dài càng lâu thì “lưỡi hái” treo trên các thị trường hàng hóa toàn cầu sẽ càng lớn.

Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thép Việt Nam trong quý 4/2019: 

Đvt: Tỷ đồng
(*): Quý 4/2019 là quý 1 niên độ tài chính 01/10/2019 - 30/09/2020 của HSG. Nguồn: VietstockFinance

Thừa Vân

FILI

Các tin tức khác

>   PVA: Giải trình kết quả kinh doanh Quý 4/2019 (10/02/2020)

>   XHC: Thông báo về việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 (10/02/2020)

>   PSC: CBTT chốt ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền tham dự ĐHĐCĐ 2020 (10/02/2020)

>   PSC: Ngày đăng ký cuối cùng Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 (10/02/2020)

>   NHA: Ngày đăng ký cuối cùng Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 (10/02/2020)

>   NNG: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông được thông qua bằng hình thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản (10/02/2020)

>   HBE: Thông báo ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền dự Đại hội cổ đông năm 2020 (10/02/2020)

>   EBA: Ngày đăng ký cuối cùng Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 (10/02/2020)

>   TPS: Nghị quyết Hội đồng quản trị (10/02/2020)

>   HBE: Nghị quyết HĐQT (10/02/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật