Thu ngân sách liên tục tăng cao, vì sao tỉ lệ điều tiết cho TP.HCM lại giảm phân nửa?
Từ khi Luật ngân sách có hiệu lực vào năm 2002, việc phân bổ ngân sách của Việt Nam dường như vẫn còn đó những trục trặc khiến cho các nguyên tắc về công bằng và hiệu quả chưa hài hòa với nhau.
Toàn cảnh dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM” tại khu vực cống Mương Chuối, huyện Nhà Bè đã từng rơi vào việc bị chậm giải ngân vốn - Ảnh: QUANG ĐỊNH
|
Vì sao ngân sách của TP.HCM luôn bị "ngắt" đi quá nhiều? Nên phân bổ như thế nào?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Huỳnh Thế Du - giảng viên chính sách công Trường ĐH Fulbright VN - nói:
- Việc phân bổ và chuyển giao ngân sách cần theo hai nguyên tắc cơ bản là hiệu quả và công bằng. Hiệu quả, hiểu một cách đơn giản là ai làm ra hiệu quả hơn thì được nhiều hơn. Còn công bằng là những địa phương có tình trạng như nhau nên được phân bổ ngân sách giống nhau (công bằng ngang) và địa phương bất lợi hơn nên được ưu tiên hơn (công bằng dọc). Tuy nhiên, thế nào là công bằng luôn gây tranh cãi.
Đừng làm mất động lực
* Cứ lấy của người giàu chia cho người nghèo mãi sẽ khiến cho người giàu không giàu thêm mà người nghèo có khi chỉ trông chờ vào nơi khác?
- Hiện có nhiều trường phái về công bằng, trong đó có nơi cho rằng phúc lợi xã hội đơn giản chỉ là phúc lợi của người có phúc lợi thấp nhất. Giải pháp đơn giản chỉ là "lấy của nhà giàu chia cho người nghèo" cho đến khi tất cả có phúc lợi như nhau. Ví dụ, nếu giảm nghèo là mục tiêu, Việt Nam cứ lấy ngân sách của TP.HCM, nơi không có người nghèo (theo thống kê chính thức), chia cho Lai Châu, tỉnh có tỉ lệ nghèo cao nhất nước, cho đến khi tỉ lệ nghèo của hai địa phương bằng nhau.
Nhưng theo tôi, cần tạo ra cơ chế phân bổ và chuyển giao ngân sách không làm mất động lực của những địa phương có lợi thế và tạo ra tâm lý dựa dẫm của những địa phương được hỗ trợ. Thậm chí cần tránh việc tính toán, họ thấy rằng công sức bỏ ra cho chuyện "xin cho" ngân sách lại hiệu quả hơn, nhiều hơn là công sức của chuyện tự vươn lên làm giàu.
Nhưng nếu có "ngắt bớt" thêm của TP.HCM thì chỉ làm phật lòng một nơi, còn chia cho hàng chục tỉnh thành khác lại được lòng của nhiều địa phương khác. Đó chính là yếu tố kinh tế chính trị học.
* Quan sát của ông về thu chi ngân sách dưới sự ảnh hưởng của yếu tố kinh tế chính trị học này trong thời gian qua như thế nào?
- Nếu so Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương có ngân sách lớn nhất, phần thu được của Hà Nội được giữ lại nhiều hơn, vì đó là thủ đô, có nhiều lý do để đầu tư, trong khi tỉ lệ giữ lại của TP.HCM ngày càng ít.
Một tính toán của tôi cho thấy các địa phương có khoảng cách địa lý càng xa Hà Nội thì chi tiêu ngân sách bình quân đầu tư đầu người càng thấp. Giai đoạn 2004-2016, thứ tự từ cao đến thấp là miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đồng bằng sông Hồng cao hơn Đông Nam Bộ 26% và miền núi phía Bắc cao hơn ĐBSCL 80%.
Đó quả thực là một điều kỳ lạ vì nếu chiếu theo hai nguyên tắc phân bổ ngân sách công bằng thì lẽ ra, nếu chọn tập trung phát triển vùng khó khăn nhất hỗ trợ, ĐBSCL phải được đầu tư nhiều nhất. Còn nếu chọn nguyên tắc hiệu quả để làm cho chiếc bánh lớn hơn thì đáng lý phải đầu tư vào Đông Nam Bộ - vùng phát triển mạnh nhất, tạo ra nhiều giá trị, công ăn việc làm nhất.
Sẽ rất khó nếu chúng ta đụng đến phần phân bổ cũ. Thay vào đó, ta hãy quan tâm cải cách ở phần tăng thu 10% hằng năm.
TS Huỳnh Thế Du
|
Nâng tối đa phần địa phương tự quyết
* Vậy theo ông, làm sao để vừa bảo đảm công bằng khi lấy của TP.HCM chia cho các địa phương khác nhưng vẫn phải hiệu quả và tạo ra động lực cho cả hai?
- Có một giải pháp như cách mà Trung Quốc áp dụng thời phó thủ tướng Chu Dung Cơ năm 1993 về cải cách tài chính công theo nguyên tắc không đụng chạm đến ai, không ai bị cắt hay thấp hơn năm trước.
Chẳng hạn tăng trưởng kinh tế năm nay ở mức 6-7%, lạm phát khoảng 3-4%, GDP danh nghĩa tăng 10%, vậy ngân sách cũng tăng mức tương ứng. Sẽ rất khó nếu chúng ta đụng đến phần phân bổ cũ. Thay vào đó, ta hãy quan tâm cải cách ở phần 10% tăng thêm hằng năm mà thôi. Thoạt tiên, con số này nghe khá ít ỏi, nhưng chỉ cần 7 năm là cái mới bằng cái cũ. Điều này là khả thi.
* Theo ông, còn có cách nào lý tưởng hơn để phân bổ tốt hơn tỉ lệ 10% đó không?
- Không có tỉ lệ phân bổ ngân sách nào gọi là lý tưởng cả. Cách thức phân bổ theo cơ chế kiểu "đồng mua mắm, đồng mua dưa", tức là ngân sách dành cho dự án này địa phương không được chuyển sang làm dự án khác có thể hạn chế được sự tràn lan ở địa phương nhưng lại gặp nguy cơ các tỉnh đua nhau lên kế hoạch những công trình không hiệu quả.
Tôi cho rằng cần nâng tối đa phần các địa phương tự quyết và giảm thiểu tối đa phần phân chia. Chẳng hạn như 90% địa phương tự quyết, 10% còn lại là do trung ương phân chia. Dĩ nhiên, cần phải có các cơ chế giám sát chặt chẽ, kể cả sự tham gia thực chất của cộng đồng, người dân chứ đừng để cơ chế "cha chung không ai khóc".
Tăng điều tiết ngân sách rất quan trọng để phát triển TP.HCM
Ngày 9-12, phát biểu tại kỳ họp HĐND TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết số thu ngân sách thực tế mà TP.HCM được hưởng ngày càng giảm sút. Nguyên nhân do tỉ lệ điều tiết từ trung ương cho ngân sách TP.HCM có xu hướng giảm qua từng thời kỳ ổn định ngân sách.
Cụ thể, năm 2003 tỉ lệ điều tiết cho TP.HCM là 33%. Đến thời kỳ 2017-2020 thì tỉ lệ chỉ còn 18%. "Đây là thời kỳ có tỉ lệ điều tiết giảm mạnh so với các giai đoạn trước" - ông Phong nói.
Theo ông Phong, vì nguyên nhân trên, mặc dù số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP.HCM liên tục tăng cao qua các năm và chiếm tỉ trọng hơn 27% tổng thu ngân sách cả nước, nhưng ngân sách TP.HCM được hưởng lại không tăng tương ứng. Tổng chi ngân sách địa phương được hưởng theo tỉ lệ điều tiết chỉ chiếm tỉ trọng hơn 4% tổng chi cả nước.
Trước thực tế đó, ông Phong cho biết TP.HCM đã có động thái xây dựng đề án đề xuất điều chỉnh tỉ lệ phần trăm các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. "Đây là một đề xuất rất quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của TP" - ông Phong chia sẻ.
Ông Phong thông tin thêm khảo sát và nghiên cứu về các quốc gia và TP lớn trên thế giới, tỉ lệ ngân sách được giữ lại của các đơn vị hành chính có trên 10 triệu dân (tương tự như TP.HCM) ở mức bình quân là 46,43%, nơi thấp nhất là 33,09% - cao gần gấp đôi tỉ lệ mà TP.HCM đang được hưởng.
Ông Phong cho biết trong đề án đề xuất của TP.HCM có đề nghị trung ương nghiên cứu tỉ lệ điều tiết hợp lý cho ngân sách địa phương của TP.HCM nói riêng cũng như các tỉnh, TP khác trong cả nước nói chung. Tiến độ điều chỉnh tỉ lệ điều tiết cũng có lộ trình từng bước trong vòng 10 năm, từ năm 2020 - 2030.
Cụ thể, mức điều tiết ngân sách đề xuất cho TP.HCM là từ 18% lên 24% rồi 33% trong vòng 10 năm. Việc này nhằm đảm bảo TP có đủ nguồn lực, điều kiện phát triển bền vững. Đó cũng là cơ sở để TP giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, tiếp tục đóng góp nhiều nhất cho cả nước.
M.Hương - T.Long - T.Lê
|
Ông Nguyễn Minh Tân (phó vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính):
Đề xuất của TP.HCM không có gì quá nhưng hơi khó
Hiện Bộ Tài chính đang nghiên cứu dự toán năm 2021, khung cân đối ngân sách 5 năm 2021-2025, qua đó sẽ tính cụ thể tỉ lệ điều tiết ngân sách cho các địa phương. Tất nhiên, với các địa phương là động lực phát triển, tỉ lệ điều tiết sẽ tính đến yếu tố ưu đãi để tăng thêm nguồn lực cho địa phương để phát triển, tiếp tục kéo các tỉnh lân cận đi lên. Song, không thể tính đến tỉ lệ tăng điều tiết ở mức cao so với hiện nay.
Thực tế, đề xuất của TP.HCM không có gì quá nhưng cân đối cả nước là hơi khó. Vì việc tính toán tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TP phải tính trên cân đối chung của cả quốc gia đảm bảo mục tiêu chung của đất nước chứ không phải chỉ xét trên góc độ một địa phương. Ngân sách nhà nước phải lo cho các tỉnh, các địa phương ở vùng sâu vùng xa, tuyến đầu tỉnh miền núi phía Bắc, hải đảo để giữ đất, giữ dân. Do đó, việc xem xét tỉ lệ điều tiết ngân sách cho các địa phương là cân đối hài hòa tổng thể.
Cũng phải nói thêm việc xác định tỉ lệ ngân sách để lại cho TP.HCM không chỉ là 18%. Bên cạnh những khoản để lại cho TP theo chế độ hằng năm, ngân sách trung ương còn bổ sung nhiều kinh phí cho TP thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia hay những khoản hỗ trợ qua ODA, vay ưu đãi. Nếu tính đủ thì tỉ lệ để lại cho ngân sách TP khoảng 21-22%. Như trong kế hoạch 5 năm vừa rồi, trung ương có dành cho TP 10.000 tỉ đồng để chống ngập. Rõ ràng đây là khoản đầu tư cho TP.
L.Thanh ghi
|