Thuế thu nhập cá nhân quá tận thu: Thu nhập bình quân thấp, đóng thuế cao
Mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân của VN hiện cao hơn nhiều nước trong khu vực trong khi thu nhập bình quân đầu người thấp hơn.
* Thuế thu nhập cá nhân, bao giờ mới sửa?
* Thuế thu nhập cá nhân quá tận thu: Bán phở, xe ôm... bị 'vắt’
* Thuế thu nhập cá nhân quá... tận thu
Kê khai thuế tại Cục Thuế TP.HCM. Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Người Việt đóng thuế cao hơn người Singapore
Theo biểu thuế lũy tiến từng phần quy định tại luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện hành, thuế suất đối với người làm công ăn lương gồm 7 bậc, từ 5 - 35% tùy theo thu nhập (sau khi trừ đi phần chiết giảm gia cảnh 9 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 3,6 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc). Mức thuế suất lũy tiến cao nhất lên tới 35% đối với người có thu nhập từ 80 triệu đồng/tháng trở lên.
Đây là ngưỡng thuế rất cao so với nhiều nước trong khu vực. Đơn cử, Singapore hiện có 10 bậc thuế từ mức 0 - 22% với mức thu nhập từ dưới 20.000 đô la Singapore (SGD) tương đương 1.666 SGD/tháng (quy đổi khoảng 28,3 triệu đồng/tháng) áp dụng thuế suất 0%; từ 20.001 - 30.000 SGD/năm (tương đương khoảng 28,3 - 42,5 triệu đồng/tháng) thuế suất 2%...
Với chênh lệch mức thuế quá lớn, trường hợp cùng mức thu nhập chịu thuế 60.000 SGD/năm, tương đương 1,02 tỉ đồng/năm, tức 85 triệu đồng/tháng, người Việt Nam sẽ đóng thuế TNCN 19,9 triệu đồng/tháng (tỷ lệ thuế trên thu nhập chiếm 23,4%), trong khi người Singapore chỉ đóng 2,76 triệu đồng/tháng (tỷ lệ thuế trên thu nhập chịu thuế chiếm 3,25%). Tỷ trọng thuế trên thu nhập của Việt Nam cao quá so với Singapore trong khi thu nhập của người Singapore cao hơn người Việt rất nhiều. Ví dụ trên là chỉ so sánh mức thu nhập chịu thuế, chưa tính đến các mức giảm trừ gia cảnh. Nếu tính đầy đủ thì tỷ lệ thuế trên thu nhập của người Việt sẽ cao hơn rất nhiều bởi Singapore còn cho giảm trừ nhiều khoản thu nhập trước khi tính thuế. Sự chênh lệch thuế suất giữa các nước lớn sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút lao động chất xám đến Việt Nam.
Bất cập kéo dài nhiều năm
Cần sớm điều chỉnh mức thuế suất thuế TNCN
Luật sư Trần Xoa cho rằng nguồn thu thuế từ người làm công ăn lương chiếm tỷ trọng lớn trong số thu thuế TNCN. Do lương của người lao động được điều chỉnh tăng lên hằng năm nhưng với thuế suất TNCN cao, cộng với thu nhập giữa các bậc thuế thấp dẫn đến đóng thuế nhiều hơn. Vị luật sư này cũng cho rằng người làm công ăn lương hiện đang có mức thuế suất cao hơn so với cá nhân, hộ kinh doanh, tỷ lệ thuế trên doanh thu kinh doanh từ 1,5 - 7%. Vì vậy, cần sớm điều chỉnh mức thuế suất thuế TNCN cũng như giãn mức thu nhập chịu thuế giữa các bậc sao cho công bằng giữa các đối tượng chịu thuế.
|
Những bất cập mức thuế suất biểu thuế lũy tiến từng phần đã được phản ánh từ nhiều năm trước. Đến năm 2017, Bộ Tài chính đã thấy những bất cập này và trong đề xuất sửa đổi luật Thuế TNCN vì sự bất hợp lý này dẫn đến những vướng mắc như “Quá nhiều bậc, giãn cách giữa các bậc thấp quá hẹp dễ dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào cuối năm làm tăng số thuế phải nộp, số lượng phải quyết toán thuế tăng một cách không cần thiết trong khi số thuế phải nộp thêm không nhiều” và “Thu nhập tính thuế ở từng bậc theo số lẻ dẫn đến khó nhớ, người nộp thuế khó khăn trong việc tự xác định số thuế phải nộp”.
Căn cứ thực hiện Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011 - 2020, Bộ Tài chính lúc bấy giờ trình Chính phủ cho sửa đổi biểu thuế lũy tiến từng phần theo hướng giảm số bậc thuế chỉ còn 5 bậc, đồng thời quy định khoảng cách rộng ở các bậc thấp. Cụ thể, phần thu nhập tính thuế hằng tháng đến 10 triệu đồng (sau khi trừ đi chiết giảm gia cảnh) có thuế suất 5%, trên 10 - 30 triệu đồng thuế suất 10%, trên 30 - 50 triệu đồng thuế suất 20%, trên 50 - 80 triệu đồng thuế suất 28%, trên 80 triệu đồng thuế suất 35%. Đồng thời điều chỉnh thu nhập tính thuế ở từng bậc theo số chẵn. Sau khi tiếp thu góp ý, qua năm 2018, Bộ Tài chính có chỉnh sửa lại mức thu thu nhập chịu thuế giữa các bậc thuế suất nhưng vẫn giữ mức thuế suất cao nhất 35%.
Thế nhưng tại Nghị quyết số 549 ngày 30.7.2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 thì dự án luật Sửa đổi, bổ sung luật Thuế TNCN chưa có trong chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để báo cáo các cấp có thẩm quyền khi sửa đổi, bổ sung luật Thuế TNCN vào thời điểm thích hợp.
Trong khi chờ cơ quan chức năng sửa đổi, số thuế TNCN nộp ngân sách ngày càng gia tăng. Trong 11 tháng qua, mức đóng góp của sắc thuế này lên 97.800 tỉ đồng, gấp 4 lần so với năm 2010 cho dù mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế được điều chỉnh tăng lên vào năm 2013.
Thanh Xuân
Thanh niên