Một chiếc ô tô nhập khẩu về Việt Nam 'cõng' 14 loại thuế, phí
Hàng loạt thuế phí khiến số tiền bỏ ra mua xe ô tô tại Việt Nam có thể lên gấp đôi giá trị thực.
Xe ô tô tại Việt Nam có giá bán rất cao. Ảnh: Ngọc Dương
|
Để có thể lăn bánh một chiếc ô tô trên đường, người dùng phải hoàn thành nhiều thủ tục. Trong đó, các loại thuế, phí kèm theo rất nhiều khiến giá xe tăng khủng.
Ông Phạm Quang Thông - Giám đốc kinh doanh đại lý xe Nhật tại thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) nhận xét, các loại thuế, phí đội lên quá cao khiến người tiêu dùng mua xe nhập khẩu hay lắp ráp trong nước đều chịu thiệt. Giá niêm yết tại đại lý đã bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT.
“Ngay giai đoạn từ cảng về các đại lý, giá xe dù đã miễn thuế nhập khẩu từ ASEAN thì vẫn đã cộng thêm 80% so với giá vốn rồi. Trong đó, bao gồm 60% thuế tiêu thụ đặc biệt, 10% thuế VAT và 10% chi phí bán hàng. Giai đoạn 2 là từ đại lý đến khi xe được lăn bánh cộng thêm 8 - 9 loại phí nữa, trong đó, cao nhất là phí trước bạ, với các xe có giá đại lý 3 tỉ đồng, phí trước bạ cũng ngốn hết 300 triệu đồng. Các loại thuế, phí nhiều quá sức và mức thu nhập của người dân tại quốc gia đang phát triển như Việt Nam”, ông Thông cho biết.
Khách hàng mua xe sẽ phải đóng thêm nhiều loại thuế, phí. Ảnh: Ngọc Dương
|
Thuế, phí đè giá xe ô tô
Giá bán ô tô ở các đại lý đã bao gồm một số loại thuế, phí cơ bản mà người dân cần phải đóng. Có 3 loại thuế chính đánh vào giá xe mà doanh nghiệp phải chịu là thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng.
Thuế nhập khẩu áp dụng cho xe ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống đang ở mức 70-80% đối với xe nhập từ châu Âu và Mỹ cũng như các nước khác. Riêng thuế nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước trong khối ASEAN đã được giảm từ 30% về 0%. Tuy nhiên mức thuế này chỉ áp dụng với xe có tỷ lệ nội địa hóa trong khối từ 40% trở lên.
Thứ hai là thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ phụ thuộc vào dung tích xi lanh với mức thuế từ 35 - 150%. Thứ ba là thuế giá trị gia tăng 10% đều áp dụng chung cho tất cả loại xe.
Ngoài ra, khách hàng mua xe sẽ phải gánh thêm nhiều chi phí khác trước khi lưu thông cũng như trong quá trình sử dụng. Cụ thể, khách hàng phải đóng phí trước bạ 12% nếu ở TP.HCM và Hà Nội (phí này là 10% ở các tỉnh, thành phố còn lại). Bên cạnh đó, phí cấp mới giấy đăng ký kèm biển số với ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống tại TP.HCM là 20 triệu đồng/xe (mức phí mới tăng lên từ ngày 17.10 vừa qua, thay cho mức 11 triệu đồng/xe trước đó).
Đồng thời, một số loại phí dành cho xe ô tô dưới 10 chỗ bao gồm phí đăng kiểm xe ô tô 240.000 đồng/năm (cộng thêm phí cấp giấy chứng nhận kiểm định 100.000 đồng); Phí cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn kỹ thuật 100.000 đồng/lần cấp; Phí bảo trì đường bộ 130.000 đồng/tháng hay 1,56 triệu đồng/năm; Phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe ô tô từ 6 - 11 chỗ ngồi là 794.000 đồng/năm; Phí bảo hiểm vật chất xe ô tô (không bắt buộc); Phí xăng dầu; Phí thử nghiệm khí thải; Phí thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu (không bắt buộc); Phí dán nhãn năng lượng…
Lấy ví dụ dòng xe sedan hạng D với chiếc Honda Accord 2.4L, hiện giá niêm yết tại đại lý là 1,203 tỉ đồng. Tuy nhiên, tham khảo giá từ một số nhà nhập khẩu, giá từ các nước trong khu vực chưa tới 23.900 USD (khoảng 550 triệu đồng). Như vậy, theo nhân viên tên Thắng (đại lý trên đường Võ Văn Kiệt, Q.Bình Tân, TP.HCM), chi phí bán hàng của các dòng xe nhập phổ thông thường được đưa ra tầm 30 - 50 triệu đồng mỗi chiếc, nhưng thật ra có thể cao gấp đôi con số đó. Như vậy, để lăn bánh chiếc Honda Accord 2.4L, người mua phải đóng thêm 12% phí trước bạ (125 triệu đồng), phí ra biển số xe 20 triệu đồng, phí đăng kiểm 240.000 đồng, phí bảo hiểm vật chất xe gần 20 triệu đồng, phí đường bộ 1 năm 1,56 triệu đồng, phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự khoảng 900.000 đồng… tổng các loại phí này khoảng 180 triệu đồng.
* Người Việt mua ô tô đắt đến bao giờ?: Thuế, phí 'đè' giá xe
* Thuế thu nhập cá nhân, bao giờ mới sửa?
Nguyên Nga
Thanh niên