Nếu tính thêm phần vốn ODA tăng thêm của dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo khoảng 14.000 tỷ đồng thì mức vay nợ của Tp. Hà Nội tại thời điểm năm 2021 là khoảng 66.207,55 tỷ đồng.
Thông tin được đưa ra tại tờ trình mà UBND Tp. Hà Nội gửi HĐND Thành phố về việc đưa dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo chạy cạnh hồ Gươm vào danh mục dự án đầu tư từ vốn vay của chính quyền địa phương (sử dụng từ nguồn vay ODA và vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài).
UBND Tp. Hà Nội cho biết trong giai đoạn hiện nay, việc sử dụng nguồn vốn vay ODA và ưu đãi của JICA để thực hiện dự án là phù hợp do nguồn vốn này có thời gian hoàn trả 30 năm, ân hạn 10 năm, lãi vay từ 0,1-0,2%/năm, thấp hơn nhiều so với huy động từ trái phiếu chính quyền địa phương khoảng 7-7%/năm.
Tổng vốn đầu tư cho dự án đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo hơn 35,6 nghìn tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án 2021-2025.
"Room" nợ vay còn lớn
Hà Nội cho biết, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 và Nghị định số 63/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội, mức dư nợ vay của ngân sách thành phố Hà Nội không vượt quá 70% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp.
Cụ thể, mức dư nợ vay tối đa của Tp. Hà Nội năm 2018 là 65.611 tỷ đồng, năm 2019 là 70.379 tỷ đồng, năm 2020 dự kiến là 73.281 tỷ đồng. Mức dư nợ hiện nay của Hà Nội năm 2018 là 11.886,55 tỷ đồng, năm 2019 là 10.692,55 tỷ đồng, năm 2020 dự kiến là 11.737,55 tỷ đồng.
Trong năm 2020, Hà Nội dự kiến sẽ ký với Bộ Tài chính hợp đồng vay lại cho dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông với giá trị khoảng 2.306 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2021-2025, Tp. Hà Nội tiếp tục thực hiện giải ngân đối với các dự án đang triển khai có phần vốn ODA thực hiện theo cơ chế vay lại với tổng giá trị dự kiến khoảng 38.077 tỷ đồng (bao gồm: Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm Tp. phố Hà Nội, đoạn Nhổn-ga Hà Nội ước giá trị giải ngân khoảng 2.633 tỷ đồng; Dự án hỗ trợ chủ đầu tư quản lý dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn –ga Hà Nội ước giá trị giải ngân khoảng 48 tỷ đồng; Dự án tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm Tp. Hà Nội, đoạn Nhổn – ga Hà Nội ước giá trị giải ngân khoảng 1.100 tỷ đồng và Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai là 34.296 tỷ đồng).
UBND Tp. Hà Nội cho biết, nếu tính thêm phần vốn ODA tăng thêm của dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo là 14.087 tỷ đồng (tương đương 56.778 triệu yên) thì mức vay nợ của Thành phố tại thời điểm năm 2021 là khoảng 66.207,55 tỷ đồng nhỏ hơn 73.281 tỷ đồng (là hạn mức Tp. Hà Nội có thể huy động vay tối đa tại thời điểm năm 2020, tại thời điểm năm 2021 hạn mức vay nợ của Thành phố còn được tăng thêm vì hạn mức vay dựa trên số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp theo quy định đã nêu ở trên).
Đảm bảo không vượt quá 70% ngân sách địa phương
Về khả năng cân đối nguồn vốn, tờ trình của UBND Tp. Hà Nội cho biết, nguồn vốn ODA của dự án dự kiến 167.226 triệu Yên, trong đó phần giá trị tăng thêm là 56.778 triệu Yên. Ngày 14/2/2017, JICA đã có thư số 161.2017/JICA-YL trả lời ý kiến về nguồn vốn cho dự án, theo đó dự án tuyến 2 là ưu tiên hàng đầu và JICA sẽ cử đoàn thẩm định nhu cầu vốn sang xem xét nhu cầu vốn bổ sung sau khi tổng mức đầu tư điều chỉnh được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt. Các hiệp định vay vốn bổ sung sẽ được ký kết theo tiến độ thực hiện của dự án.
Nguồn vốn đối ứng cho dự án dự kiến là 5.109 tỷ đồng, trong đó phần giả trị tăng thêm là 2.037 tỷ đồng: Tại Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 04/12/2017, Hội đồng nhân dân Tp. Hà Nội đã bố trí vốn đối ứng 1.900,7 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020 cho dự án; phần vốn đối ứng này là đủ phục vụ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và các nhu cầu đối ứng khác.
Theo dự báo tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025 là 1.766 - 1.792 nghìn tỷ đồng, trung bình 353-358 nghìn tỷ đồng/năm và tăng 7%/năm. Để đảm bảo GRDP giai đoạn 2021-2025 tăng từ 7,5 7,8%/năm, tổng vốn đầu tư xã hội cần huy động khoảng 2,84-2,9 triệu tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư khu vực Nhà nước chiếm khoảng 15%, vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước khoảng 77%, vốn đầu tư nước ngoài khoảng 8%.
Trong khi đó chi đầu tư phát triển dự kiến từ 388-410 nghìn tỷ đồng (tương đương 50-52% tổng chi ngân sách), trong đó ngân sách Thành phố chi khoảng 250-260 nghìn tỷ đồng (dự kiến bố trí cho các dự án XDCB tập trung khoảng 65-70% với giá trị 162-182 nghìn tỷ đồng, trong đó 45-48% dành cho công trình trọng điểm với giá trị khoảng 112-125 nghìn tỷ đồng). Như vậy ngân sách Thành phố giai đoạn 2021-2025 đảm bảo bố trí vốn đối ứng cho Dự án.
Nguồn vốn đối ứng cho dự án sẽ được cập nhật vào kế hoạch tài chính 3 năm và kế hoạch trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025 để báo cáo HĐND Thành phố thông qua.
Về phương án vay, trả nợ dự kiến phần vốn ODA vay lại của dự án, UBND Hà Nội cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, tổng số nợ phải trả của phần vay lại là 0 đồng do đang trong thời gian ân hạn (dự kiến điều kiện vay áp dụng tương tự theo Hiệp định vay vốn số VNXVI-1 ngày 31/3/2009 với thời gian trả nợ trong vòng 30 năm sau 10 năm ân hạn; mức lãi suất 0,2%/năm; phí cam kết 0% vì kể từ năm 2013, JICA không áp dụng phí cam kết đối với các khoản vay của Chính phủ Nhật Bản đối với Chính phủ Việt Nam).
Các nguồn vay và trả nợ gốc trong giai đoạn 2021-2025 và các giai đoạn tiếp theo sẽ được cân đối để đảm bảo việc vay vốn cho dự án không làm cho tổng dư nợ vay của thành phố Hà Nội vượt quá 70% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp theo quy định tại Nghị định số 63/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ.
"Các phương án về vay vốn và trả nợ sẽ được tính toán cụ thể trong giai đoạn tiếp theo sau khi Dự án được phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư và các Hiệp định vay vốn được ký kết chính thức", tờ trình của UBND Tp. Hà Nội nhấn mạnh.