Người Việt mua ô tô đắt đến bao giờ?: Thuế, phí 'đè' giá xe
Do gánh nặng thuế, phí... cùng một loại xe, người Việt phải mua đắt hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Ô tô tại VN gánh chịu quá nhiều loại thuế, phí
Ảnh: Ngọc Dương - Đồ họa: Hồng Sơn
|
Người Việt mua xe đắt nhất
Trên thị trường, giá xe niêm yết tại Việt Nam đang cao hơn giá xe cùng loại tại một số nước trong khu vực khoảng 50%. Với các dòng xe hơi phổ thông dưới 9 chỗ, giá lăn bánh tại Việt Nam cao gấp đôi xe các nước.
Chẳng hạn, mẫu Fortuner G (của Toyota) sử dụng động cơ dầu, truyền động một cầu, dung tích 2.4L giá niêm yết tại Việt Nam là 1,029 tỉ đồng. Tuy nhiên, ở Indonesia (quốc gia đang xuất khẩu dòng Fortuner vào Việt Nam) giá niêm yết 451 triệu rupiah (khoảng 726 triệu đồng), thấp hơn giá ở Việt Nam 300 triệu đồng. Tương tự, phiên bản Fortuner V nhập khẩu, sử dụng động cơ xăng, dung tích 2.7L và truyền động một cầu giá niêm yết tại Việt Nam 1,236 tỉ đồng, giá tại Indonesia khoảng 503 triệu rupiah (810 triệu đồng), thấp hơn ở Việt Nam hơn 400 triệu đồng.
Mẫu xe lắp ráp trong nước là Mazda CX-5 hiện cũng đang có giá cao hơn nhiều quốc gia lân cận, ngay cả với các quốc gia nhập dòng xe này. Bảng giá xe niêm yết tháng 11 của các dòng Mazda CX-5 từ 899 triệu đồng đến 1,149 tỉ đồng trong khi tại Malaysia giá từ 137,379 RM đến 181,770 RM (khoảng 760 triệu đồng đến 1 tỉ đồng). Giá xe niêm yết tại Malaysia và Việt Nam chênh nhau trên dưới 100 triệu đồng. Tuy nhiên, giá lăn bánh của Việt Nam lại đội thêm hơn 100 - 180 triệu đồng trong khi tại Malaysia, giá niêm yết cũng là giá lăn bánh, do đã được cộng các khoản phí bảo hiểm, kiểm định trên giá niêm yết.
Hoặc như tại thị trường sát bên hông Việt Nam là Lào, giá xe ô tô cũng đang thấp hơn Việt Nam nhiều. Chẳng hạn với mẫu xe sedan có giá thấp nhất là Toyota Corolla Altis 2019 1.8E tại Việt Nam 697 triệu đồng, tại Lào cùng thời điểm là 25.200 USD (tương đương gần 590 triệu đồng), vẫn thấp hơn Việt Nam hơn 100 triệu đồng.
Thu thuế, phí kiểu nhà giàu
Giá ô tô tại Việt Nam cao hơn một số nước trong khu vực chủ yếu do chính sách thuế, phí quá nhiều và quá cao. Cụ thể, hiện thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong khu vực ASEAN về Việt Nam là 0% nhưng ngoài khu vực trung bình 70%; thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với các dòng xe dưới 9 chỗ, từ 40 - 150%. Trong khi tại Indonesia thuế nhập khẩu ô tô ngoài khu vực là 40%, thuế TTĐB từ 10 - 125% tùy kích cỡ động cơ; Ấn Độ có thuế nhập khẩu 60% và thuế TTĐB từ 12,5 - 30%; Thái Lan có thuế nhập khẩu ngoài khu vực 80% và thuế TTĐB từ 3 - 50%; Malaysia có thuế nhập khẩu ngoài khu vực 30%, thuế TTĐB từ 60 - 105%... Có thể thấy, ngưỡng thuế của Việt Nam là "quán quân" so với các nước nói trên.
TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nhận định với mức thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam hiện vào loại trung bình thấp của thế giới (năm 2018 là 2.584 USD/người) thì mức thuế, phí đánh trên một chiếc ô tô là quá cao. Đặc biệt, “món” thuế TTĐB áp với xe hơi đã quá lỗi thời vì nó không thể gọi là mặt hàng xa xỉ nữa.
“Một số nước trong khu vực vẫn còn thuế TTĐB trên xe hơi nhưng luôn ở mức thấp hơn Việt Nam, thậm chí thấp chỉ bằng 1/2 - 1/3 so với mức thuế TTĐB Việt Nam đang đánh vào mỗi chiếc ô tô. Mới đây, Bộ Tài chính lại tiếp tục kiến nghị giảm thuế TTĐB cho linh kiện nhà sản xuất lắp ráp ô tô trong nước nội địa hóa được. Theo tôi, đó là đòi hỏi chính đáng”, ông Long nói và nhấn mạnh, theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia thì thuế nhập khẩu ô tô sẽ giảm dần, nhưng thuế TTĐB vẫn được giữ lại ở mức cao, thuế VAT lại đánh kiểu thuế chồng thuế nữa thì người tiêu dùng Việt khó sở hữu được chiếc xe hơi giá rẻ.
PGS-TS Phạm Thế Hiện, Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam, phân tích: Giá thành ô tô ở Việt Nam cao hơn Thái Lan và Indonesia do công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa phát triển. Các linh kiện, phụ tùng để sản xuất, lắp ráp ô tô phần lớn phải nhập khẩu từ nước ngoài, phải chịu thêm các chi phí đóng gói, vận chuyển, lưu kho, bảo hiểm... ảnh hưởng đến giá thành của xe sản xuất, lắp ráp trong nước. “Chi phí sản xuất của ta so với các nước vì thế đã cao hơn 10 - 20%”, PGS-TS Phạm Thế Hiện nói.
Mai Phương
Thanh niên