Tôm hùm Mỹ lao đao vì thuế của Trung Quốc
Ngành công nghiệp tôm hùm Mỹ đã tận hưởng vài năm tốt đẹp, với việc các nhà phân phối phát triển các mối quan hệ để tăng sự hiện diện ở Trung Quốc. Và rồi cuộc chiến thương mại nổ ra, ngày 06/ 07/2018, Trung Quốc bắt đầu áp thuế 25% với nhiều hàng hóa Mỹ, kể cả các loài giáp xác. Chỉ sau một đêm, thị trường này đã bị nhấn chìm và mở ra cánh cửa cạnh tranh cho Canada, quốc gia khác trong ngành kinh doanh đánh bắt và vận chuyển loại tôm hùm chỉ có ở vùng đông bắc của khu vực Bắc Mỹ.
"Trung Quốc đã thay thế tôm hùm Mỹ bằng tôm hùm Canada”, Usha Haley, chủ tịch nổi tiếng của trường Barton và là giáo sư ngành kinh doanh quốc tế tại Đại học Wichita State, nói. Xuất khẩu từ vùng biển nội địa đã giảm từ 12 triệu pound vào tháng 06/2018 xuống còn 2.2 triệu pound cùng thời điểm này trong năm nay.
Ngành công nghiệp tôm hùm có thể nhỏ so với ngành nông nghiệp, sản xuất hoặc các lĩnh vực khác của nền kinh tế Mỹ, nhưng không hề nhỏ đối với những người làm trong ngành này. Và họ đang cố gắng tìm mọi cách để duy trì hoạt động kinh doanh.
Sheila Adams, phó chủ tịch bán hàng và tiếp thị tại Maine Coast, một công ty bán sỉ tôm hùm cho biết: "Khoảng 80% những gì chúng tôi từng bán vào Trung Quốc đã bị ngừng lại sau khi thuế quan mới được đưa ra". Điều này khiến họ mất khoảng 8% tổng doanh thu. "Chúng tôi thường bán hàng trực tiếp hàng tuần vào Trung Quốc đại lục”, cô nói thêm. Giờ đây, họ chỉ có cơ hội kinh doanh khi người mua Trung Quốc không thể có được thứ họ cần từ Canada.
Tuy vậy, hiện vẫn còn những thương vụ bán hàng gián tiếp từ Mỹ cho Trung Quốc vì tính chất bất thường của việc kinh doanh tôm hùm. Annie Tselikis, giám đốc điều hành của Hiệp hội đại lý tôm hùm Maine, cho biết: "Trong 30 năm qua, ngành này đã xây dựng được hệ thống trong đó chúng tôi làm việc cùng nhau và cũng cạnh tranh nhau". Lý do là nguồn cung không thường xuyên. Canada có hơn 40 khu vực được chỉ định để khai thác tôm hùm nhưng có thời điểm, có vùng không thể khai thác được. Còn ở Mỹ, dù các tiểu bang khác cũng có thời điểm cấm khai thác, nhưng 2 bang Maine và New Hampshire lại cho phép thu hoạch quanh năm.
Kết quả là Mỹ thường có nhiều nguồn cung sẵn hơn và bán vào Canada để bổ sung khi khả năng cung cấp của Canada bị thiếu hụt. Một phần tôm hùm đó giờ đây hướng đến Trung Quốc vì Canada không phải chịu thuế. Tuy nhiên, việc bổ sung một trung gian khác có nghĩa là ít USD hơn cho mỗi bên.
Không phải “cú đấm” đầu tiên
Đây không phải vận đen duy nhất liên quan đến vấn đề thương mại của ngành công nghiệp này. Năm 2008, Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) từng khuyên người tiêu dùng đừng ăn tomalley – phần gạch màu xanh, mềm trong cơ thể tôm hùm - vì có khả năng tích tụ độc tố gây ngộ độc tê liệt. Thịt thì vẫn an toàn để ăn nhưng từ ngữ đã gây khó hiểu.
Bộ Y tế Nhật Bản đề nghị người mua kiểm tra tomalley, khiến doanh số sụt giảm mạnh. "Mỹ đủ khả năng cải chính điều đó. Người Canada đã khắc phục nó một cách nhanh chóng nhưng mười năm sau FDA vẫn chưa làm”, Adams nói.
"Chúng ta vẫn dậm chân tại chỗ”, Tselikis nói.
Sau đó là những vấn đề ở châu Âu. Canada đã ký một thỏa thuận thương mại mới với EU (điều mà Mỹ vẫn chưa làm) và có mức thuế mới thấp hơn đối với tôm hùm. Một lần nữa, các nhà bán buôn ở Mỹ gặp bất lợi về giá cả và mất nhiều cơ hội kinh doanh hơn.
Không giống như nông nghiệp, ngành công nghiệp tôm hùm tương đối nhỏ và ít được các chính trị gia chú ý. Để bù đắp cho những lợi nhuận bị mất đi, các nhà bán buôn đã tập trung vào việc tìm kiếm thị trường mới, một công việc tốn kém và mất thời gian. Giáo sư Haley nói: "Mất khoảng 6 tháng đến 1 năm để ngành công nghiệp tôm hùm Mỹ tìm được người mua thay thế". Tuy vậy, những khách hàng thay thế chưa hẳn sẽ mang lại giá trị như vậy.
Công ty tôm hùm Boston là một nhà bán sỉ khác đã bị mất doanh số đáng kể ở Trung Quốc. "Tôi nghĩ khoảng 70% việc kinh doanh của chúng tôi đã biến mất kể từ khi thuế quan được thông qua", Brent Lincoln, một nhân viên bán hàng tại công ty nói. "Chúng tôi phải tìm đến các khu vực khác".
Công ty tôm hùm Boston đã thử lách luật bằng cách chuyển hàng đến Hà Nội, sau đó vận chuyển qua biên giới sang Trung Quốc. Việc này kéo dài được 5 tháng đến khi chính quyền đóng cửa con đường đó. Lincoln hiện dành phần lớn thời gian để tìm kiếm thêm ngõ vào các thị trường nước ngoài khác, chẳng hạn như Singapore và Hàn Quốc.
Ngay cả khi cuộc chiến thương mại cuối cùng rồi sẽ kết thúc và Trung Quốc giảm thuế, thì cũng có thể có thiệt hại lâu dài. Mỹ đã tận hưởng lợi thế vận chuyển hàng không so với Canada, nhờ có số lượng sân bay lớn hơn và đường bay lớn ở nước ngoài. Nhưng Adams cho biết Canada đang "đầu tư rất nhiều để cố gắng cải thiện điều đó", có khả năng đánh dấu một sự dịch chuyển vĩnh viễn về phía Canada. "Khi bạn loại một đối thủ ra khỏi thị trường, điều đó sẽ cho những đối thủ khác cơ hội để xây dựng sức mạnh".
"Chúng tôi đang cố gắng giữ trạng thái tích cực”, Lincoln nói. Nếu thuế quan giảm và Canada có một mùa tồi tệ - một vấn đề có tính định kỳ trong ngành công nghiệp này - anh hy vọng sẽ nhận được email hoặc cuộc gọi từ một người ở Trung Quốc, nói rằng: "Bạn có sản phẩm nào cho chúng tôi không?".
Nhã Thanh (Theo Fortune)
FILI
|