Thứ Sáu, 01/11/2019 13:36

Cuộc suy thoái của Hồng Kông đáng sợ hơn nhiều so với dự báo

Nhiều tháng biểu tình dữ dội ở Hồng Kông đã buộc các cửa hàng phải đóng cửa, làm tê liệt cả hệ thống phương tiện công cộng và khiến du khách phải sợ hãi. Từ đó, đẩy nền kinh tế này vào tình thế tồi tệ hơn những gì chuyên gia mường tượng trước đó.

Hồng Kông chìm đắm trong suy thoái trong quý 3/2019, theo dữ liệu chính thức công bố vào ngày thứ Năm (31/10). Nền kinh tế suy thoái 3.2% trong giai đoạn tháng 7-9/2019 so với quý trước, giảm mạnh hơn nhiều so với mức thu hẹp 0.5% của quý 2/2019 và tồi tệ hơn nhiều so với dự báo của các chuyên gia kinh tế.

Biểu tình ở Hồng Kông đẩy nền kinh tế này vào tình thế tồi tệ hơn những gì dự báo trước đó.

Khi chưa có dấu hiệu của một giải pháp tức thời cho cuộc khủng hoảng chính trị, cuộc suy thoái đầu tiên của Hồng Kông trong 1 thập kỷ có thể lấn sang tới năm sau. So với cùng kỳ năm trước, nền kinh tế sụt 2.9% trong quý 3/2019.

“Thành thực mà nói, chẳng có chỗ cho lạc quan”, nhà lãnh đạo Hồng Kông Carrie Lam cho biết tại một sự kiện trong ngày thứ Năm (31/10), trước khi các con số tăng trưởng sơ bộ được công bố. Hồng Kông sẽ tung ra các con số GDP điều chỉnh vào tháng tới.

Là một trung tâm thương mại lớn, Hồng Kông vốn đã chịu tổn thương từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và đà giảm tốc kinh tế của Trung Quốc. Trải qua 5 tháng biểu tình trên diện rộng, Hồng Kông nay đang đứng trước lằn ranh khủng hoảng kinh tế.

Phát ngôn viên Chính phủ cho biết trong ngày thứ Năm (31/10) rằng tăng trưởng kinh tế Hồng Kông đã trên đà tăng kể từ năm 2018 giữa lúc nền kinh tế toàn cầu giảm tốc và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, nhưng tình hình lại trở xấu đột ngột trong thời gian gần đây vì những tác động nghiêm trọng từ những sự cố xã hội tại Hồng Kông.

“Phần lớn áp lực giờ đến từ bất ổn chính trị. Cuộc chiến thương mại chỉ khiến tăng trưởng GDP của Hồng Kông chậm lại chứ không suy thoái, trong khi bất ổn chính trị thì có thể”, Tommy Wu, Chuyên gia kinh tế tại Oxford Economics ở Hồng Kông, cho hay.

Các chuyên gia kinh tế hiện dự báo Hồng Kông sẽ không đạt mục tiêu tăng trưởng 0-1% và nỗi đau có thể kéo dài đến năm sau.

“GDP của Hồng Kông có khả năng tăng trưởng âm trong cả năm 2019 cũng như năm 2020, tôi không thể mường tượng được các cuộc biểu tình sẽ kết thúc bằng cách nào”, Iris Pang, Chuyên gia kinh tế tại ING, cho hay.

Ông Wu dự báo kinh tế Hồng Kông sẽ thu hẹp 0.1% trong năm 2019 và chỉ tăng trưởng 0.6% trong năm 2020.

“Khả năng hạ dự báo tăng trưởng vẫn còn lớn. Nếu bất ổn chính trị kéo dài sang năm sau, tôi sẽ cho rằng GDP Hồng Kông sẽ tiếp tục thu hẹp trong năm 2020”, ông nói.

Các cuộc biểu tình trên diện rộng đã hủy hoại ngành du lịch của Hồng Kông. Số lượng du khách đến nước này giảm 37% so với cùng kỳ năm trước trong quý 3/2019.

Tính trung bình, khách sạn chỉ đầy khách khoảng hai phần ba, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước. Tập đoàn khách sạn InterContinental cho biết hồi đầu tháng này rằng doanh thu trên mỗi phòng ở Trung Quốc đại lục đã giảm 36% trong quý trước, với lý do "tình trạng bất ổn đang diễn ra ở Hồng Kông". Công ty này điều hành một số khách sạn hạng sang nằm trong khu vực thường xuyên bị người biểu tình nhắm đến.

Các số liệu bán lẻ cũng ảm đạm vì một số cửa hàng đã buộc phải đóng cửa sớm hoặc đóng cửa cả ngày nhiều lần trong vài tháng qua.

Một số người biểu tình đã nhắm vào các cửa hàng, nhà hàng và ngân hàng được coi là không thông cảm với lý do chính đáng của họ, đập vỡ cửa sổ, phá hoại mặt tiền cửa hàng bằng các bức vẽ graffiti và thậm chí đốt cháy một số tài sản.

Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Hồng Kông Paul Chan đã công bố một loạt các biện pháp kinh tế mới để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi tình trạng bất ổn đang diễn ra, bao gồm giảm một nửa tiền thuê nhà tại các khu bất động sản của Chính phủ Hồng Kông, cung cấp trợ cấp nhiên liệu cho tài xế taxi và trợ cấp phí cho phà địa phương. Các kế hoạch này tuân theo các sáng kiến trước đó, bao gồm việc phân bổ 2 tỷ đô la Hồng Kông (tương đương 255 triệu USD) để hỗ trợ các công ty nhỏ và gói kích thích 19 tỷ đô la Hồng Kông (tương đương 2.4 tỷ USD) để giúp bảo vệ công ăn việc làm và giảm bớt gánh nặng tài chính cho người dân.

Mặc cho nền kinh tế Hồng Kông gặp khó khăn, thị trường tài chính vẫn đứng vững. Chỉ số chứng khoán Hang Seng vẫn tăng 4% trong năm 2019 và cuộc khủng hoảng chính trị chưa phải là yếu tố quyết định đối với các nhà đầu tư, nhiều người vẫn coi thành phố này là cửa ngõ quan trọng của châu Á.

Thị trường IPO cũng trông có vẻ vững chãi: Trong tháng 9, Anheuser-Busch InBev (BUD) đã niêm yết doanh nghiệp châu Á trên Sở giao dịch Chứng khoán Hồng Kông (HKXCF), huy động 5 tỷ USD trong đợt IPO lớn thứ hai trong năm 2019 chỉ sau Uber.

Thỏa thuận đó đã đẩy số tiền vốn huy động được trên sàn giao dịch Hồng Kông lên mức cao thứ ba trên thế giới trong năm 2019, chỉ sau Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) và Nasdaq, theo Deloitte.

Vương Đông (Theo CNN)

FiLi

Các tin tức khác

>   Trung Quốc hoài nghi về khả năng tiến tới thỏa thuận thương mại dài hạn với Mỹ (01/11/2019)

>   Lợi nhuận Samsung giảm mạnh (31/10/2019)

>   Trung tâm tài chính Trung Quốc yêu cầu đóng cửa hoạt động cho vay ngang hàng (31/10/2019)

>   Chủ tịch Powell: Chỉ khi lạm phát tăng thực sự mạnh thì Fed mới nâng lãi suất (31/10/2019)

>   Hội nghị APEC – nơi ông Trump và ông Tập định ký thỏa thuận – đột nhiên bị hủy bỏ (31/10/2019)

>   Đàm phán bế tắc khi Mỹ ép Trung Quốc mua nông sản số lượng quá lớn (31/10/2019)

>   Fed hạ lãi suất lần thứ ba trong năm 2019, báo hiệu tạm ngưng nới lỏng chính sách (31/10/2019)

>   Bị Mỹ trừng phạt, Huawei chiếm thị phần smartphone kỷ lục ở Trung Quốc (31/10/2019)

>   Kinh tế Mỹ giảm tốc, nhưng vẫn tốt hơn dự báo (31/10/2019)

>   Di dân làm việc ở nước ngoài gửi tiền về nhiều gấp 3 ODA và FDI (30/10/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật