Đàm phán bế tắc khi Mỹ ép Trung Quốc mua nông sản số lượng quá lớn
Việc ông Trump yêu cầu Trung Quốc phải mua nông sản Mỹ với tổng giá trị 50 tỷ USD (gấp đôi lượng mua trung bình hằng năm) chính là điểm khó gỡ đáng kể khiến thương chiến Mỹ - Trung bế tắc.
* Nhà xưởng Trung Quốc bị bỏ không vì chiến tranh thương mại
* Hai quan điểm đối lập ở Trung Quốc về chiến tranh thương mại
* Căng thẳng với Trung Quốc, Mỹ "ngấm đòn" chiến tranh thương mại?
Lượng nông sản Mỹ vào Trung Quốc là điểm khó gỡ đáng kể khiến thương chiến Mỹ - Trung bế tắc - Ảnh: AFP
|
Hãng tin Reuters dẫn thông tin từ những người được cho biết về diễn biến các cuộc đàm phán thương mại cho biết việc Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu Trung Quốc phải cam kết mua nông sản Mỹ số lượng lớn đã trở thành vấn đề đáng kể giữa hai bên trong quá trình thương thảo nhằm tìm lối thoát cho thương chiến Mỹ - Trung.
Ông Trump từng công khai nói rằng Trung Quốc có thể mua tới 50 tỷ USD nông sản Mỹ, nhiều hơn gấp đôi lượng mua thường niên của họ ở giai đoạn trước khi thương chiến nổ ra.
Giới quan chức Mỹ vẫn tiếp tục thúc đẩy vấn đề này trong các cuộc đàm phán, trong khi đó Bắc Kinh từ chối cam kết mua số lượng lớn và một khung thời gian cụ thể. Các doanh nghiệp nhập khẩu nông sản của Trung Quốc muốn được tự chủ quyết định việc mua hàng căn cứ theo tình hình cụ thể của thị trường.
Một quan chức thuộc Công ty Sở hữu nhà nước Trung Quốc giải thích: "Trung Quốc không muốn mua nhiều sản phẩm mà người dân ở đây không cần hoặc mua một thứ gì đó vào thời điểm thứ ấy không có nhu cầu".
"Nếu hàng nông sản Mỹ vào Trung Quốc theo kiểu ồ ạt, sẽ rất khó tiêu thụ trong thị trường nội địa", vị quan chức Trung Quốc nói thêm.
Cũng theo vị này, việc cung cấp quá nhiều hàng nông sản ở Trung Quốc cũng sẽ khiến giá cả giảm mạnh và phá vỡ thế cân bằng cung - cầu.
Bên cạnh đó, dịch tả heo châu Phi lan rộng thời gian qua cũng đã làm giảm đáng kể số lượng đàn heo tại Trung Quốc, kéo theo đó là sự sụt giảm của nhu cầu mua đậu nành, một thành phần thức ăn chính cho heo và cũng là mặt hàng nông sản lớn nhất Trung Quốc vẫn thường nhập từ Mỹ.
Các bên mua vào nông sản Trung Quốc (đại diện cho cả doanh nghiệp nhà nước lẫn tư nhân) vẫn thường nhập khẩu nguồn hàng có giá rẻ nhất. Tuy nhiên với việc Mỹ yêu cầu Trung Quốc phải mua số lượng hàng lớn, bất kể giá cả hay nhu cầu hàng sẽ buộc nhà nước phải can thiệp mới có thể thực hiện.
Đây là thực tế khá "trớ trêu", bởi nó mâu thuẫn với yêu cầu cốt lõi của Mỹ đang đặt ra với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại hiện nay, đó là đòi Trung Quốc phải trở thành một nền kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường và dừng trợ giá cho các doanh nghiệp nhà nước.
Trước đó, ngày 17-10, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng cho biết Trung Quốc sẽ "tăng mua nông sản Mỹ dựa trên nhu cầu trong nước và các nguyên tắc thị trường, trong khi phía Mỹ phải cung cấp những điều kiện thiện chí".
Trong diễn biến liên quan, một quan chức Mỹ ngày 29-10 cho biết hai bên (Mỹ, Trung Quốc) có thể không đạt được một thỏa thuận "Giai đoạn 1" tại diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương ở Chile vào giữa tháng 11.
|
D. KIM THOA
Tuổi trẻ