Đằng sau cái bắt tay giữa ông Trump và ông Tập là sự ngờ vực tột cùng về thương mại
Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc ở Osaka đã “bấm nút tạm dừng” cuộc chiến thương mại, nhưng các chuyên gia từ cả hai bên đều nghi ngờ không biết việc “đình chiến” giữa hai siêu cường kinh tế này sẽ kéo dài được bao lâu.
Cuộc họp mang tính quyết định diễn ra vào ngày thứ Bảy (29/06) vừa qua giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình đã chiếm hết “hào quang” của hội nghị thượng đỉnh G20. Trong buổi gặp mặt này, ông Trump đã đồng ý với với ông Tập sẽ tái khởi động các vòng đàm phán thương mại, đồng thời tạm hoãn việc áp khoản thuế quan mới lên hàng hóa Trung Quốc.
Ngoài ra, ông Trump còn thể hiện thêm một hành động nhượng bộ khác đối với Trung Quốc trong buổi họp báo sau cuộc họp dài 80 phút với ông Tập. Trong đó, Tổng thống Mỹ đã đưa ra một thông báo gây sốc về việc rút lại lệnh cấm xuất khẩu từ các công ty Mỹ sang Huawei – công ty viễn thông hàng đầu của Trung Quốc.
Bài báo của Tân Hoa Xã về diễn biến cuộc họp Trump-Tập trước khi ông Trump tổ chức họp báo lại không đề cập một chút gì đến tình hình của Huawei. Vấn đề liên quan đến Huawei vốn là yêu cầu đứng đầu danh sách của Bắc Kinh trước khi các cuộc đàm phán thương mại bị đổ vỡ vào đầu tháng 5/2019.
Trong giới chuyên gia và cựu chuyên gia ngoại giao, bỗng xuất hiện một cảm giác nhẹ nhõm khi biết rằng Bắc Kinh và Washington lại một lần nữa cố gắng giải quyết tranh chấp để ngăn chặn tình trạng thuế quan leo thang chuyển thành cuộc chiến tranh lạnh toàn diện về kinh tế. Hai bên đã tiến tới một thỏa thuận tương tự như kết quả của cuộc họp Trump-Tập diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina từ 7 tháng trước.
Nhưng họ cũng tỏ ra nghi ngờ về khả năng hai bên tiến tới một bản thỏa thuận để chấm dứt cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vốn đã kéo dài gần một năm này. Họ cho rằng, mặc dù cuộc họp mặt lần thứ năm của hai vị lãnh đạo diễn ra tốt đẹp hơn kỳ vọng, nhưng có vẻ sự hòa hoãn giữa hai quốc gia mang tính biểu tượng nhiều hơn là thành công thật sự trong việc giải quyết sự thiếu hụt niềm tin ngày càng sâu sắc và cả những vấn đề khó nhằn khác của cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung.
Zhu Feng, Chuyên gia về Mỹ tại Đại học Nanjing, nói rằng việc tạm ngưng áp hàng rào thuế quan mới cho thấy cả hai bên đang cố gắng giữ cho cuộc chiến thương mại không leo thang thêm nữa, khi mà mối quan hệ giữa hai quốc gia đã chạm đến mức thấp kỷ lục trong lịch sử tranh chấp về công nghệ và địa chính trị của hai nước.
“Xét theo quan điểm của Trung Quốc, kết quả của cuộc gặp mặt, nhất là quyết định ‘tha’ cho Huawei của ông Trump, có thể xem là một dấu hiệu tích cực và mang tính khích lệ, mặc dù việc đó có thể không liên quan gì nhiều đến những thay đổi thật sự trong tính toán chiến lược của cả hai bên”, ông Zhu cho biết.
Không giống như thỏa thuận “đình chiến” 90 ngày mà ông Tập và ông Trump đã lập ra vào ngày 01/12/2018 ở Buenos Aires (Argentina), lần này họ không đặt thời hạn đình chiến, ông Zhu nói.
“Điều đó cho thấy cả hai bên đã có cái nhìn sâu sắc hơn về những thách thức lớn đang đợi trước khi họ có thể đạt được thỏa thuận chính thức và họ sẵn sàng thể hiện sự linh hoạt hơn – điều đó mang lại khoảng trống để hai bên giải quyết những mặt khác biệt lớn về thương mại và kinh tế”.
Gal Luft, Đồng Giám đốc của Viện Phân tích An ninh Toàn cầu có trụ sở tại Washington, đã diễn tả cuộc họp giữa ông Tập và ông Trump là “một cuộc họp nhằm duy trì các mối quan hệ cá nhân hơn là sửa chữa các vấn đề”.
“Thật khó để biết được bằng cách nào mà trong một thời gian ngắn như vậy hai vị lãnh đạo lại có thể đi sâu vào nhiều vấn đề phức tạp có trong chương trình nghị sự”, ông Luft cho biết. Cuộc họp Trump-Tập chỉ kéo dài 80 phút.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay tại hội nghị G20 ở Osaka
|
Với việc đồng ý nối lại các cuộc đàm phán không hồi kết, ông Luft nói rằng cả hai bên chỉ đơn giản là đang né tránh vấn đề.
“Các thị trường đã quen dần với sự bất ổn miễn là họ vẫn còn có hy vọng, và sự ảnh hưởng của thuế quan đến sự ủng hộ dành cho ông Trump là điều vẫn có thể kiểm soát được”, ông nói.
Cuộc họp diễn ra vào ngày thứ Bảy (29/06) đã đem lại cho ông Tập sự hòa hoãn mà ông cần, đặc biệt là sau khi ông phải nhờ đến chủ nghĩa dân tộc để chống lại việc Mỹ bắt nạt về mặt thương mại trong bối cảnh kinh tế trì trệ và các mối quan hệ đầy “chua chát” giữa Mỹ và châu Âu, Steve Tsang, Giám đốc Viên SOAS Trung Quốc tại Đại học Luân Đôn, cho biết.
“Thỏa thuận đình chiến là thứ mà ông Tập đã lập kế hoạch để đạt được và nếu như ông không có được điều đó thì đó sẽ là thất bại to lớn”, ông Tsang nói.
“Ông ấy chắc hẳn muốn Mỹ tiếp tục cấm Huawei lâu hơn, nhưng việc đó rõ ràng đã không xảy ra. Vậy nên dù sao thì đây cũng là một thành công của ông Tập và việc này cũng rất quan trọng đối với vị trí của ông ở Trung Quốc và đối với việc ổn định hóa nền kinh tế Trung Quốc”.
Các nhà phân tích nói rằng vụ đình chiến mới đây là một phần của mẫu hình quan hệ Mỹ-Trung vốn đã bị hủy hoại bởi việc mất niềm tin sâu sắc và sự cạnh tranh dữ dội, khiến cho lãnh đạo hai nước phải đích thân vào cuộc.
Cả ông Trump và ông Tập đều công khai gọi nhau là “bạn”, ông Trump đã từng phát biểu tại Osaka rằng ông ấy và ông Tập “là những bằng hữu rất tốt, mối quan hệ giữa hai chúng tôi rất, rất tốt đẹp”.
“Là những vị lãnh đạo có tính cách mạnh mẽ, rõ ràng cả hai ông đều đóng một vai trò quan trọng trong chuyện này. Nhưng đến cuối cùng thì lại là những người đại diện hai ông ra nói chuyện (như ông Trump nói) và họ sẽ là người làm công việc dàn xếp”, Philippe Le Corre, Thành viên cấp cao không thường trú trong các chương trình ở châu Âu và châu Á tại Tổ chức vì Hòa bình Thế giới Carneige, chia sẻ.
Hình ảnh các quan chức Mỹ-Trung tại bàn đàm phán ở hội nghị G20
|
“Và về phương diện đó, có rất ít dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ nới lỏng trong việc đàm phán, vì các cố vấn hàng đầu của ông Trump và Quốc hội khá nhất quán trong phương án thỏa thuận với Trung Quốc”.
Yun Sun, Thành viên cấp cao tại Stimson Centre ở Washington, nói rằng mặc dù việc các lãnh đạo tham gia vào là rất quan trọng – từ hội nghị thượng đỉnh đầu tiên tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago năm 2017 cho đến hội nghị thượng đỉnh ở Argentina, nhưng “không ai trong số họ ngăn chặn việc mối quan hệ giữa hai quốc gia xấu đi đến như tình trạng hiện tại”.
“Vậy nên việc này có thể sẽ khiến mọi thứ về bề nổi trông có vẻ suôn sẻ hơn một chút, nhưng tranh chấp và bất đồng là việc không thể tránh khỏi trong mỗi lần đàm phán, và nó kéo mối quan hệ giữa hai nước về lại tình trạng tồi tệ”, bà Yun nói.
Mặc dù hội nghị thượng đỉnh ở Osaka gần như chắc chắn được coi là chiến thắng dành cho Bắc Kinh, nhưng cựu Đại sứ Trung Quốc ở Anh, Ma Zhengang, lại nói rằng các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc vẫn hoài nghi về việc liệu ông Trump có thực hiện cam kết mà ông đưa ra hay không, bởi vì họ phát hiện có sự không đồng nhất trong quá khứ.
“Ông Trump nói rất nhiều về tình bạn với ông Tập, nhưng ông ấy cũng dần dần khẳng định lập trường của mình đối với Trung Quốc kể từ khi nhậm chức hai năm trước và xem Bắc Kinh là đối thủ lớn nhất của Mỹ. Vì vậy vẫn phải xem thử việc làm của ông Trump có giống với lời mà ông nói hay không”, ông Ma, cựu Chủ tịch của Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, cho biết.
“Chúng ta đều chứng kiến vài thay đổi cơ bản trong mối quan hệ Mỹ-Trung trong vài tháng qua, trong đó cả hai đảng của Mỹ đều đồng thuận trong việc phải kiềm hãm sự phát triển của Trung Quốc”, ông Ma nói. “Tôi hoàn toàn không lạc quan chút nào về các cuộc đàm phán thương mại hay mối quan hệ giữa hai nước”.
Các nhà phân tích khác cũng đồng ý rằng cuộc họp ở Osaka đã có tác động một chút đến bức tranh toàn cảnh về mối quan hệ Mỹ-Trung, mối quan hệ này có lẽ đã vượt qua điểm không thể quay đầu (point of no return) sau bốn mươi năm cố gắng hợp tác kinh tế và chính trị.
Họ cũng cảnh báo rằng phía Bắc Kinh không nên đánh giá quá cao thành công mà họ đạt được tại hội nghị diễn ra vào cuối tuần trước, vì vốn dĩ đó chỉ là thành công nho nhỏ và không đem lại bất kỳ tiến triển đáng kể nào.
“Mặc dù Bắc Kinh vẫn hy vọng rằng Washington có thể thay đổi cách tiếp cận đầy thù địch và thường xuyên đối đầu với Trung Quốc, nhưng tôi vẫn phải nói rằng suy nghĩ đặt hy vọng lên ông Trump là khá viển vông”, ông Zhu nói.
Shi Yinhong, Giáo sư chuyên ngành Quan hệ quốc tế đặc biệt nghiên cứu về vấn đề Mỹ-Trung tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, nói rằng lịch sử của các cuộc đàm phán thương mại cho thấy sự nhượng bộ của Mỹ chưa chắc là lời đảm bảo sẽ có thỏa thuận chung, chứ đừng nói đến việc Trung Quốc sẽ được lợi.
“Rõ ràng, các quan điểm về những điều khoản để có một thỏa thuận tốt của Bắc Kinh và Washington hầu như đều mâu thuẫn với nhau”, ông Shi nói. “Tôi không hề thấy bất cứ dấu hiệu tích cực nào cho thấy cả hai bên có khả năng tiến tới một thỏa thuận có thể chấp nhận được tại thời điểm Mỹ và Trung Quốc đình chiến”.
Theo bà Yun, trong khi các tính toán về chiến tranh thương mại của ông Trump nhiều khả năng dính dáng đến việc tái tranh cử Tổng thống Mỹ, thì ông Tập lại nhìn xa hơn một bản thỏa thuận thương mại, cái mà ông nhắm đến là định nghĩa của mối quan hệ Mỹ-Trung trong tương lai.
“Nói cách khác, Trung Quốc quan tâm nhiều hơn về định hướng chiến lược của mối quan hệ hai nước trong khi Mỹ lại tập trung vào các vấn đề cụ thể nhiều hơn. Và mối quan tâm của ông Tập về những sự chỉ trích trong nước đã ngăn ông không đưa ra quá nhiều sự nhượng bộ đối với vấn đề thương mại”, bà Yun nói.
Ông Luft cũng cho rằng việc diễn thuyết công khai ở Mỹ đã trở thành lời nói từ một phía khi đề cập đến mối quan hệ Mỹ-Trung.
“Ở đây chỉ có thể là ‘diều hâu’ hoặc ‘siêu diều hâu’ mà thôi. Còn ‘bồ câu’ đều đã bị bịt miệng hoặc bị đuổi đi hết rồi”, ông Luft nói.
“Đã không còn chỗ cho những người mang quan điểm ‘bồ câu’ nữa, những người có thể cân bằng sự chống đối nhiệt thành với Trung Quốc. Đã không còn những cuộc nói chuyện thông minh và cân bằng về những việc cần phải làm đối với Trung Quốc nữa. Kết quả là mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc bị đẩy đến một con dốc trơn trượt và đáng buồn là không còn đường quay lại nữa”.
Ông Tsang nói rằng việc hai nền kinh tế Mỹ-Trung bị chia tách – vốn còn nghiêm trọng hơn cả những vấn đề về thương mại và công nghệ – đã bắt đầu và sẽ tiếp tục.
Ông nói: “Thỏa thuận thương mại không phải là không thể có, nhưng thậm chí nếu như có đạt được thỏa thuận đi chăng nữa, thì nó cũng sẽ không gỡ bỏ được những nguồn cơn cơ bản đang đẩy hai nền kinh tế ra xa, vì vậy quá trình chia tách sẽ còn tiếp tục”.
Vũ Hạo (Theo SCMP)
FiLi
|