Cố vấn Nhà Trắng nói gì sau khi ông Trump cho phép Huawei mua hàng hóa Mỹ?
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định cho phép công ty Mỹ tiếp tục bán hàng cho “gã khổng lồ" viễn thông Huawei của Trung Quốc sẽ chỉ áp dụng cho những sản phẩm đã sẵn có rộng rãi trên khắp thế giới và vẫn cấm bán các thiết bị nhạy cảm, Cố vấn hàng đầu của Nhà Trắng cho biết trong ngày Chủ nhật (30/06).
* Ông Trump: "Chúng tôi đã tạo ra một nền kinh tế nếu là số 2 thì không ai số 1"
* Ông Trump cho phép Huawei mua hàng hóa Mỹ
Larry Kudlow, Cố vấn Kinh tế hàng đầu của ông Trump
|
Trong ngày thứ Bảy (29/06), Tổng thống Mỹ Donald Trump đột nhiên cho biết, sẽ tiếp tục cho phép các công ty Mỹ bán hàng cho Huawei như là một phần trong thỏa thuận đình chiến thương mại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản vào cuối tuần trước.
Động thái trên của ông Trump lại hứng chịu quá nhiều chỉ trích ở quê nhà. Tại Mỹ, nhiều thành viên của Quốc hội tỏ ra đồng tình với quan điểm cho rằng Huawei là một mối đe dọa tới an ninh quốc gia và họ không muốn dùng Huawei để tạo lợi thế trong cuộc đàm phán. Trong tháng 5/2019, Bộ Thương mại Mỹ đã thêm Huawei vào danh sách đen về thương mại, tức cắt đứt nguồn cung ứng thiết bị từ các công ty Mỹ cho Huawei.
Larry Kudlow – Cố vấn Kinh tế hàng đầu của ông Trump – cho biết, Mỹ không loại bỏ Huawei ra khỏi danh sách đen. Thay vào đó, Bộ Thương mại Mỹ chỉ đơn thuần cấp thêm giấy phép để các công ty Mỹ bán hàng hóa cho Huawei miễn là các sản phẩm đó không tạo ra mối đe dọa tới an ninh quốc gia, ông Kudlow cho hay.
“Đây không phải sự ân xá toàn diện”, ông Kudlow cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Fox News trong ngày Chủ nhật (30/06). “Huawei vẫn sẽ nằm trong danh sách thực thể, trong đó những công ty sẽ bị kiểm soát xuất khẩu nghiêm trọng và có tác động tới an ninh quốc gia hoặc sẽ không được cấp phép”.
Ông Trump cho biết, ông ra quyết định cho phép Huawei mua sản phẩm Mỹ theo yêu cầu của các công ty công nghệ cao của Mỹ. Tổng thống Mỹ cho biết, chính quyền của ông sẽ họp để bàn luận đầy đủ hơn về kế hoạch này.
“Chúng tôi đã đề cập tới Huawei. Tôi nói, ‘chúng ta sẽ buộc phải giữ điều đó tới cuối cùng'”, ông Trump cho biết tại cuộc họp báo sau hội nghị với ông Tập. “Tuy vậy, một trong những điều tôi cho phép là việc Mỹ sẽ gửi và bán cho Huawei một lượng hàng hóa khổng lồ, đó là các loại sản phẩm mà chúng tôi sản xuất (khá nhiều người đã bất ngờ vì điều này). Và tôi nói rằng điều đó ổn và chúng tôi sẽ tiếp tục bán các sản phẩm đó”.
Quyết định của ông Trump đã bị các đảng viên Cộng hòa chỉ trích thậm tệ. Thượng nghị sĩ Marco Rubio của Đảng Cộng hòa cho biết, Quốc hội Mỹ nên áp lại lệnh giới hạn lên Huawei bằng cách phủ quyết quyết định của ông Trump nếu ông muốn rút lại các lệnh giới hạn này.
Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA) – đại diện cho 95% ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ bao gồm các công ty sản xuất chip như Broadcom, Qualcomm và Intel – đã phản ứng tích cực với thỏa thuận đình chiến thương mại của ông Trump với ông Tập, nhưng cho biết họ muốn biết thêm thông tin chi tiết về kế hoạch liên quan đến Huawei.
John Neuffer, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA), cho biết: “Chúng tôi cảm thấy phấn khích khi các cuộc đàm phán được khởi động lại và các hàng rào thuế bổ sung bị trì hoãn. Chúng tôi mong muốn có thêm thông tin chi tiết về nhận định của Tổng thống Mỹ về Huawei”.
Quyết định đưa Huawei vào danh sách đen được cho là đã buộc các công ty bán dẫn cắt đứt quan hệ với “gã khổng lồ” viễn thông Trung Quốc và gây ra làn sóng bán tháo cổ phiếu của các công ty sản xuất chip. Tất cả (chỉ trừ một cổ phiếu) của quỹ VanEck Vectors Semiconductor ETF đều trong phạm vi điều chỉnh hoặc tệ hơn và gần một nửa trong số 25 cổ phiếu đang trong thị trường gấu trong tuần sau khi Mỹ quyết định thêm Huawei vào danh sách đen.
Chứng chỉ quỹ VanEck Vectors Semiconductor ETF đã phục hồi trở lại và hiện tăng hơn 10% trong tháng 6/2019 khi xuất hiện thông tin chính quyền Trump sẽ nới lỏng ràng buộc đối với Huawei.
Việc bị thêm vào danh sách đen rõ ràng đã gây tổn thương cho Huawei. CEO kiêm nhà sáng lập Nhậm Chính Phi cho biết, Huawei đang cắt giảm sản xuất và doanh thu trong 2 năm tới có khả năng giảm 30 tỷ USD vì lệnh cấm này. Ngoài ra, Huawei cũng thông báo họ ngừng cho ra mắt loại máy tính xách tay mới.
Vào ngày 15/05/2019, ông Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì mối đe dọa về công nghệ và không lâu sau đó, Bộ Thương mại Mỹ đã thêm Huawei vào danh sách đen, tức cấm các công ty Mỹ bán hoặc chuyển công nghệ cho Huawei trừ khi có giấy phép từ Chính phủ.
Washington cũng đang tìm cách dẫn độ CFO Mạnh Văn Chu của Huawei từ Canada vì các cáo buộc gian lận ngân hàng liên quan đến các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Bà Mạnh Văn Chu là con gái của nhà sáng lập và CEO của Huawei, Nhậm Chính Phi.
Mỹ đã cáo buộc Huawei là một công ty tình báo của Trung Quốc và đã tìm cách gây áp lực để các nước khác hạn chế kinh doanh với công ty này.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|