Trung Quốc: Vẫn còn chặng đường rất dài trước khi tiến tới thỏa thuận Mỹ-Trung
Mỹ và Trung Quốc sẽ phải “đi qua chặng đường rất dài” trước khi tiến tới thỏa thuận để kết thúc cuộc chiến thương mại ngày càng căng thẳng này, trong đó có khả năng xuất hiện thêm nhiều cuộc chiến khác, giới truyền thông Trung Quốc cho biết sau khi hai nhà lãnh đạo quyết định nối lại đàm phán tại hội nghị thượng đỉnh G20.
Hiện Mỹ và Trung Quốc đang vướng vào cuộc chiến thương mại ngày càng căng thẳng. Hồi đầu tháng 5/2019, đàm phán thương mại Mỹ-Trung đã đổ vỡ sau khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc "trở mặt" và rút lại các cam kết đã nhất trí trước đó. Kéo theo đó, Mỹ đã quyết định nâng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25%. Cho tới nay, Mỹ đã áp thêm thuế 25% lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Đáp trả lại, Trung Quốc cũng áp hàng rào thuế quan lên 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị G20
|
Trong dấu hiệu tiến triển về mối quan hệ Mỹ-Trung vào ngày thứ Bảy (29/06), Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý đình chiến thương mại và trở lại bàn đàm phán bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka (Nhật Bản).
Tuy nhiên, China Daily – một tờ nhật báo bằng tiếng Anh thường được Bắc Kinh sử dụng để truyền tải thông điệp ra khắp thế giới – cảnh báo, mặc dù hiện tại khả năng đạt được thỏa thuận đã gia tăng, nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ có một thỏa thuận.
“Mặc dù Washington đã đồng ý tạm ngưng áp thuế quan bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc để nhường chỗ cho các cuộc đàm phán, và ông Trump thậm chí cho biết sẽ giữ lại vấn đề về Huawei cho đến khi kết thúc đàm phán. Mọi thứ vẫn còn rất nhiều bất ổn”, trích từ bài báo của China Daily. “Dù thỏa thuận thương mại đã đạt 90% nhưng điều đó là chưa đủ, khi 10% còn lại là những vấn đề gai góc và khó giải quyết. Sẽ không dễ để đạt 100% đồng thuận, vì tại thời điểm này, họ vẫn còn xa cách ngay cả trên cấp độ khái niệm”.
Ông Trump cũng đưa ra “phao cứu sinh” cho Huawei Technologies, công ty sản xuất thiết bị kết nối viễn thông lớn nhất thế giới. Chính quyền Trump cho biết, Huawei tạo ra mối đe dọa tới an ninh quốc gia vì Công ty này có quan hệ thân thiết với Chính phủ Trung Quốc. Từ đó, họ đưa Huawei vào danh sách đen về thương mại và vận động các đồng minh không cho Huawei tiếp cận tới cơ sở hạ tầng viễn thông 5G.
Trong một tuyên bố dài về hội nghị G20 do Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra sau khi phái đoàn quay trở lại Bắc Kinh, nhà ngoại giao hàng đầu của Chính phủ Trung Quốc, Ủy viên Nhà nước Wang Yi, cho biết cuộc họp Trump-Tập đã gửi tín hiệu tích cực đến thế giới.
Dẫu rằng mâu thuẫn giữa hai bên vẫn còn đó, nhưng Trung Quốc tự tin họ có thể giải quyết vấn đề dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, miễn là họ làm theo những gì hai nhà lãnh đạo đã nhất trí, ông Wang cho biết trong tuyên bố vào cuối ngày thứ Bảy (29/06).
Những nhận định của ông Trump về Huawei tại một cuộc họp báo kéo dài hơn một giờ ở Osaka chỉ tạo ra một sự chào đón có phần thận trọng từ Trung Quốc. Từ “Huawei” không được đề cập trong phần đánh giá của nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc về G20.
Wang Xiaolong, Đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về các vấn đề G20 và là người đứng đầu bộ phận phụ trách vấn đề kinh tế quốc tế, cho biết nếu Mỹ làm đúng như những gì họ đã nói về Huawei thì Trung Quốc tất nhiên sẽ hoan nghênh điều đó.
“Việc áp các ràng buộc trong các lĩnh vực vượt ra ngoài các yếu tố công nghệ và kinh tế chắc chắn sẽ dẫn đến tình huống cả hai cùng bị thiệt. Vì vậy, nếu phía Mỹ có thể làm những gì họ nói thì chắc chắn chúng tôi sẽ hoan nghênh điều đó”, ông Wang nói với các phóng viên.
Việc tạm ngưng leo thang căng thẳng có thể sẽ được cộng đồng doanh nghiệp và các thị trường hoan nghênh. Trước đó, các thị trường thuộc hai bên Thái Bình Dương đều bị tác động nặng nề vì thương chiến Mỹ-Trung.
Jacob Parker, Phó Chủ tịch phụ trách hoạt động Trung Quốc tại Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Trung, cho biết việc quay trở lại đàm phán là tin tốt cho cộng đồng doanh nghiệp và bổ sung thêm sự chắc chắn cần thiết cho mối quan hệ “đang dần dần xấu di”.
Ông nói: “Giờ là đến phần khó khăn, hai bên phải đạt được sự đồng nhất trong những vấn đề khó nhằn nhất, nhưng với sự cam kết từ hai nhà lãnh đạo hàng đầu, chúng tôi hy vọng điều này sẽ đặt hai bên trên con đường tiến tới một giải pháp bền vững”.
Khi cuộc chiến thương mại tiếp diễn, quan điểm của Trung Quốc cũng dần trở nên gay gắt hơn, cho rằng họ sẽ không bị bắt nạt, sẽ không cúi đầu trước những áp lực và sẽ chiến đấu đến cùng.
Taoran Notes, một tài khoản WeChat có sức ảnh hưởng do tờ Economic Daily của Trung Quốc điều hành, cho biết Mỹ hiện đã biết rằng Trung Quốc sẽ không nhượng bộ và các hàng rào thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc bị phản đối ngày càng nhiều ở Mỹ.
“Chúng tôi đã nói trước về điều đó - Giao tiếp và xích mích giữa Trung Quốc và Mỹ là một điều khó khăn, phức tạp và lâu dài. Chiến tranh rồi nói chuyện, chiến tranh rồi lại nói chuyện là chuyện bình thường”, Taoran Notes cho biết.
Vũ Hạo (Theo Reuters)
FiLi
|