OECD lại hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu
Nền kinh tế toàn cầu đang bị tổn thương nhiều hơn tưởng tượng của nhiều người, trong đó các yếu tố từ căng thẳng thương mại và bất ổn chính trị – nhất là ở châu Âu – đang gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu, dựa trên báo cáo từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Sau gần 4 tháng trôi qua, OECD lại đưa ra dự báo mới, một phần là để bắt kịp với diễn biến trên thị trường. Trong giai đoạn 4 tháng qua, các nền kinh tế lớn nhất thế giới dường như đang trật nhịp. Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Trung Quốc liên tục giảm tốc, tăng trưởng thương mại giảm tốc mạnh và bất ổn về Brexit ngày càng tăng.
“Tăng trưởng toàn cầu tiếp tục mất đà”, OECD cho biết khi họ hạ dự báo của gần như tất cả các quốc gia thuộc nhóm G20. “Kết quả tăng trưởng có thể yếu hơn nữa nếu các rủi ro suy giảm trở thành sự thật hoặc tác động lẫn nhau”.
Những con số dự báo của OECD có vẻ bi quan hơn cả dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhất là ở khu vực Eurozone và Anh, khi OECD cảnh báo tình hình có thể tồi tệ hơn thế.
Tuy nhiên, gần đây xuất hiện một số dấu hiệu nho nhỏ cho thấy nền kinh tế toàn cầu bắt đầu ổn định trở lại, trong khi Mỹ và Trung Quốc đạt nhiều bước tiến trong đàm phán thương mại. Chỉ số PMI tổng hợp toàn cầu tháng 2/2019 của JPMorgan tăng lần đầu tiên trong 3 tháng qua, trong khi các chỉ số thuộc Eurozone cũng tốt hơn dự báo.
“Việc nhìn nhận rõ ràng hơn về tăng trưởng toàn cầu là rất khó tại thời điểm này, nhưng ít nhất thì các chỉ số PMI mới nhất cũng tích cực phần nào”, Chuyên gia kinh tế tại HSBC, James Pomeroy cho biết trong một báo cáo ngày thứ Tư (06/03).
Trước tình cảnh đó, các ngân hàng trung ương, nhất là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đã đưa ra các động thái đối phó và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sớm làm theo. Trung Quốc đã triển khai các đợt cắt giảm thuế để kích thích nền kinh tế. Trước những thách thức ngày càng gia tăng, Bắc Kinh buộc phải hạ mục tiêu tăng trưởng năm 2019 xuống 6-6.5% trong tuần này.
Dự báo của OECD có lẽ đi ngược lại với các hy vọng cho rằng ngọn nguồn của đà suy yếu tại cuối năm 2018, bao gồm cả yếu tố niềm tin, có lẽ chỉ là tạm thời. Một lần nữa, các nhà hoạch định chính sách phải “đau đầu” suy ngẫm để tìm cách đối phó với đà giảm tốc bằng cả chính sách tiền tệ và tài khóa.
Trong lúc các ngân hàng trung ương vẫn còn trong chế độ nới lỏng chính sách, OECD kêu gọi thực hiện các cuộc cải cách cấu trúc và các gói kích thích kinh tế ở những quốc gia châu Âu (vốn có khả năng thực hiện kích thích). OECD cho rằng “chỉ chính sách tiền tệ thì không thể ngăn chặn đà giảm tốc ở châu Âu hoặc triển vọng tăng trưởng khiêm tốn trong trung hạn”.
OECD hạ dự báo tăng trưởng năm 2019 từ 1.8% xuống 1%. Các nhà hoạch định chính sách ECB sẽ họp mặt trong tuần này và OECD cho biết họ có thể quyết định trì hoãn nâng lãi suất và có khả năng triển khai các biện pháp mới để cải thiện nguồn vốn cho các ngân hàng.
Theo dự báo của OECD, tăng trưởng kinh tế của Mỹ chỉ giảm nhẹ, còn tăng trưởng của Anh lại giảm từ 1.4% xuống 0.8% và Đức giảm từ 1.6% xuống 0.7%.
OECD cũng chỉ ra Brexit là một trong những mối đe dọa đối với nền kinh tế toàn cầu. Nếu Anh không thể tiến tới một thỏa thuận thì có khả năng nước này rơi vào suy thoái trong ngắn hạn và các quốc gia khác cũng có thể bị vạ lây.
Trung Quốc cũng là vấn đề đáng lo ngại và nếu nước này giảm tốc mạnh hơn nữa thì sẽ gây ra các hậu quả khôn lường cho tăng trưởng và thương mại toàn cầu. Báo cáo từ OECD được chuẩn bị trước khi Trung Quốc hạ mục tiêu tăng trưởng năm 2019 xuống 6-6.5%. OECD dự báo Trung Quốc chỉ tăng trưởng 6% trong năm 2020, từ mức 6.2% của năm 2019.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|