Năm 2018, thâm hụt thương mại Mỹ tăng lên 621 tỷ USD, đỉnh 10 năm
Trong năm 2018, thâm hụt thương mại của Mỹ tăng lên đỉnh 10 năm tại 621 tỷ USD, đi ngược lại với cam kết thu hẹp thâm hụt của Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi các đợt cắt giảm thuế làm tăng nhu cầu hàng nhập khẩu của người dân Mỹ, đồng thời đồng USD mạnh và các hàng rào thuế quan trả đũa từ những nước khác đè nặng lên kim ngạch xuất khẩu.
Trong ngày thứ Tư (06/03), dữ liệu từ Bộ Thương mại cho thấy thâm hụt về hàng hóa và dịch vụ tăng thêm 68.8 tỷ USD (tương đương 12.5%). Thậm hụt tháng 12/2018 tăng lên mức 59.8 tỷ USD so với cùng kỳ tháng trước, cũng là mức đỉnh 10 năm và cao hơn dự báo của các chuyên gia kinh tế. Tham hụt thương mại với Trung Quốc cũng chạm mức kỷ lục 419.2 tỷ USD trong năm 2018.
Thâm hụt thương mại của Mỹ chiếm 3% GDP, tăng từ mức 2.8% trong năm 2017, nhưng vẫn còn thấp hơn đáng kể so với mức của 10 năm trước, khi con số này lên tới 6%. Mặc dù ông Trump liên tục đề cập tới thâm hụt thương mại như là bằng chứng về những thất bại của các chính sách thương mại của các đời Tổng thống trước, nhưng thâm hụt này đã tăng thêm 119 tỷ USD trong 2 năm ông Trump làm Tổng thống. Các chuyên gia kinh tế không hề nhấn mạnh quá nhiều tới cán cân thương mại Mỹ. Xét chung, đây là một thước đo tính toán thường dịch chuyển ngược với tình hình kinh tế.
Ngay cả khi ông Trump hoàn tất một thỏa thuận để chấm dứt chiến tranh thương mại với Trung Quốc, việc thu hẹp đáng kể khoản thâm hụt thương mại có thể rất khó khăn khi đà giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu đè nặng lên hoạt động xuất khẩu, đồng thời nhu cầu của người dân Mỹ tiếp tục chi phối hoạt động nhập khẩu.
Chỉ xét riêng phần hàng hóa, thâm hụt thương mại của Mỹ với thế giới tăng lên mức kỷ lục 891.3 tỷ USD trong năm 2018, từ mức 807.5 tỷ USD của năm trước đó. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Mexico và Liên minh châu Âu (EU) cũng chạm mức kỷ lục. Trong khi đó, thặng dư về dịch vụ tiếp tục gia tăng, chạm mức kỷ lục 270.2 tỷ USD trong năm 2018.
Tính trong cả năm, kim ngạch xuất khẩu tăng 6.3% lên 2.5 ngàn tỷ USD khi hoạt động xuất khẩu hàng hóa, bao gồm cả dầu thô, sản phẩm dầu khí và động cơ máy bay, gia tăng. Kim ngạch nhập khẩu tăng 7.5% lên 3.12 ngàn tỷ USD vì hoạt động mua hàng từ dược phẩm cho tới máy tính, cùng với các dịch vụ như du lịch.
Trong tháng 12/2018, kim ngạch xuất khẩu giảm 1.9% so với tháng trước đó, mức giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2016, xuống mức 205.1 tỷ USD. Điều này là do hoạt động xuất khẩu máy bay dân dụng, sản phẩm dầu khí và bắp ngô suy giảm. Kim ngạch nhập khẩu tăng 2.1% lên 264.9 tỷ USD, nhờ sự gia tăng về thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng, máy tính và máy bay. Thâm hụt hàng hóa cũng lên mức kỷ lục.
Tuần trước, Chính phủ Mỹ vừa công bố số liệu sơ bộ về GDP quý 4/2018, trong đó cho thấy khoản xuất khẩu ròng đã tác động tiêu cực tới tăng trưởng lần thứ 4 trong 5 quý vừa qua.
Những người ủng hộ ông Trump khăng khăng cho rằng ông ấy đang giải quyết vấn đề này thông qua các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc và các đối tác thương mại khác. Họ cũng chỉ ra việc tái thương lượng thỏa thuận NAFTA sẽ giúp giảm bớt thâm hụt thương mại Mỹ trong dài hạn.
Thế nhưng, chính sách thương mại của Trump cũng góp phần dẫn tới sự gia tăng của thâm hụt thương mại trong năm 2018. Các hàng rào thuế quan đã áp lên hàng hóa Trung Quốc đã khiến các nhà nhập khẩu đổ xô nhập hàng trước khi hàng rào thuế quan có hiệu lực. Đánh trả lại, Trung Quốc áp thêm thuế lên hàng hóa Mỹ, trong đó đáng chú ý nhất là nông sản Mỹ, như đậu nành.
Hơn nữa, các lời lẽ tấn công và đe dọa áp thuế lên các đối tác thương mại từ Trung Quốc cho tới Liên minh châu Âu (EU) cũng góp phần dẫn tới sự giảm tốc ở những quốc gia đó và từ đó cũng làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa Mỹ.
Ông Trump và những người ủng hộ ông đổ lỗi một phần cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cho rằng quyết định nâng lãi suất trong năm 2018 đã thúc đẩy đồng USD. Ông Trump phàn nàn rằng đồng USD mạnh hơn đã làm giảm ưu thế của ông trong các cuộc chiến thương mại và gây tổn thương tới tăng trưởng tại Mỹ.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|