NHTW châu Âu lùi kế hoạch nâng lãi suất, công bố gói kích thích mới
Trong ngày thứ Năm (07/03), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) thông báo một chương trình mới để kích thích hoạt động cho vay của ngân hàng ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đồng thời lùi lại thời điểm nâng lãi suất lần đầu.
“Một loạt nghiệp vụ tái cấp vốn dài hạn theo mục tiêu hàng quý (TLTRO-III) sẽ được khởi động từ tháng 9/2019 và kết thúc vào tháng 3/2021, mỗi nghiệp vụ sẽ có thời gian đáo hạn là 2 năm”, ECB cho biết trong một tuyên bố.
TLTRO là các khoản cho vay do ECB cung cấp tới các ngân hàng châu Âu ở mức lãi suất thấp, tạo điều kiện thuận lợi để các ngân hàng này cho vay tới người tiêu dùng và nhờ đó sẽ kích thích nền kinh tế.
Đây là lần thứ ba mà ECB đưa ra chương trình kích thích dạng này. Nếu các ngân hàng thương mại cho vay lượng tiền này tới nền kinh tế thực thì họ sau đó sẽ nhận được tiền mặt thay vì phải trả lãi trên khoản cho vay này.
Cơ chế này được đưa ra lần đầu tiên trong năm 2014 và lần thứ hai trong tháng 3/2016. ECB đưa ra các quyết định trên trong bối cảnh nhà đầu tư ngày càng lo ngại về tăng trưởng ở khu vực Eurozone. Trong 3 tháng cuối năm 2018, nền kinh tế ở khu vực này tiếp tục tăng trưởng ở mức yếu nhất trong 4 năm, dữ liệu trong tháng 1/2019 cho thấy.
Chủ tịch ECB cũng đề cập tới một loạt rủi ro từ bên ngoài như là lý do đằng sau của các biện pháp mới này.
“Sự tiếp diễn của các bất ổn liên quan tới các yếu tố địa chính trị, mối đe dọa từ chủ nghĩa bảo hộ thương mại và sự dễ tổn thương từ các thị trường mới nổi dường như đang gây ảnh hưởng tới cái nhìn về kinh tế”, ông Draghi nói với các phóng viên trong ngày thứ Năm (07/03).
Lùi thời điểm nâng lãi suất
Ngoài ra, ECB cũng giữ nguyên lãi suất trong ngày thứ Năm (07/03) nhưng cập nhật lại dự báo về đợt nâng lãi suất. Lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi vẫn giữ nguyên tương ứng ở mức 0.25% và -0.4%. ECB đã giảm lãi suất xuống thấp kỷ lục trong nhiều năm qua sau cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực đồng tiền chung châu Âu trong năm 2011 trong một nỗ lực để thúc đẩy lạm phát và kích thích tăng trưởng. Trước đó, ECB cho biết mức lãi suất này sẽ giữ nguyên cho tới cuối mùa hè năm nay. Thế nhưng, trong ngày thứ Năm (07/03), họ dự báo lãi suất chuẩn của họ “sẽ giữ ở mức hiện tại cho tới cuối năm 2019”.
ECB đã chấm dứt chương trình mua trái phiếu khổng lồ trong tháng 12/2018, nhưng giờ lại công bố thêm gói kích thích mới khi đối mặt với tình trạng giảm tốc và nhiều rủi ro từ bên ngoài.
Lợi suất trái phiếu châu Âu suy giảm sau tuyên bố trên. Đồng Euro cũng giảm so với đồng USD, xuống mức 1.1251 USD vào lúc 14h giờ Luân Đôn ngày thứ Năm (07/03). Cổ phiếu của các ngân hàng châu Âu đảo chiều sang sác xanh sau thông tin trên.
Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết, NHTW hạ dự báo tăng trưởng năm 2019 xuống 1.1%, giảm từ mức dự báo 1.7% trong tháng 12/2018.
Dấu hiệu hoảng loạn?
Carsten Brzeski, Chuyên gia kinh tế trưởng tại ING Germany, tự hỏi liệu động thái của ECB có phải là một dấu hiệu của sự hoảng sợ hay chỉ là muốn đi trước đón đầu?
“ECB khiến hầu hết mọi người kinh ngạc khi đưa ra các biện pháp mới, cố gắng tránh chắt chặt lập trường tiền tệ”, ông cho biết trong báo cáo nghiên cứu.
Brzeski cho biết chương trình tái cấp vốn dài hạn theo mục tiêu mới (TLTRO) và sự thay đổi trong lộ trình lãi suất thể hiện ECB đang cố gắng đi trước một bước. “Các biện pháp này thể hiện quyết tâm của ECB nhưng chẳng thể giải quyết các vấn đề dẫn tới đà giảm tốc hiện nay”, ông nhận định.
Karen Ward, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường EMEA tại J.P. Morgan Asset Management, cho biết ECB giờ đã theo chân Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bằng sự thay đổi trong chính sách.
“Điều này có thể giúp ổn định tâm lý và hoạt động ở Eurozone. Thế nhưng để có sự xoay chiều ở châu Âu, chúng ta cần phải xem xét thêm về những gì đang diễn ra ở Bắc Kinh. Theo quan điểm của chúng tôi, cần phải có sự hồi phục đáng kể trong hoạt động kinh tế ở Trung Quốc thì kinh tế châu Âu mới tăng trưởng nhanh trở lại trong năm nay”, cô cho biết trong một báo cáo.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|