Kinh tế giảm tốc, Trung Quốc hạ mục tiêu tăng trưởng và giảm mạnh thuế
Trung Quốc hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế và thông báo một đợt giảm thuế lớn, khi các nhà hoạch định chính sách muốn ngăn chặn đà giảm tốc kinh tế, đồng thời chật vật với núi nợ cao ngất ngưởng và cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Trong báo cáo thường niên của Thủ tướng Trung Quốc công bố vào sáng ngày thứ Ba (05/03), mục tiêu tăng trưởng được xác lập ở phạm vi 6-6.5% trong năm 2019. Sự chuyển dịch từ việc sử dụng một con số tăng trưởng cụ thể sang phạm vi tăng trưởng mang lại khoảng trống để các nhà hoạch định chính sách linh hoạt hơn và có vẻ thấp hơn mức mục tiêu 6.5% của năm 2018.
Mức dưới của phạm vi mục tiêu GDP sẽ là mức tăng trưởng chậm nhất trong gần 3 thập kỷ, là kết quả của chuỗi giảm tốc dài dăng dẳng của Trung Quốc khi các nhà hoạch định chính sách ưu tiên giải quyết rủi ro từ núi nợ, dọn dẹp môi trường và xóa bỏ nghèo đói. Cảnh báo về “một cuộc chiến kinh tế gian truân ở phía trước”, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thông báo cắt giảm thuế với tổng giá trị 2 ngàn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 298 tỷ USD) trong năm 2019.
“Những mục tiêu này là để cho phù hợp với sự giảm tốc mang tính cấu trúc chứ không phải mang tính chu kỳ. Điều này có nghĩa các nhà hoạch định chính sách cần phải nỗ lực hết sức để kích thích nền kinh tế”, Alicia Garcia Herrero, Trưởng bộ phận kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tại Natixis SA ở Hồng Kông, nhận định. “Đây là thông tin tốt lành cho thị trường trong ngắn hạn; nhưng lại là tin xấu đối với Trung Quốc trong trung hạn khi họ phải cần tới nhiều đòn bẩy hơn”.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc rung lắc vào đầu ngày thứ Ba (05/02) sau khi tăng lên cao nhất kể từ tháng 6/2018 trong ngày thứ Hai (04/03) khi tín hiệu tiến triển trong các cuộc đàm phán thương mại làm nhà đầu tư phấn khích. Trong đó, chỉ số Shanghai Composite đột phá ngưỡng 3,000 điểm, vốn hóa tăng thêm 1.5 ngàn tỷ USD so với mức đáy ngày 03/01/2019.
Các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Bloomberg nhận thấy tăng trưởng GDP Trung Quốc giảm xuống 6.2% trong năm nay, từ mức 6.6% trong năm 2018. Thậm chí, tăng trưởng có thể còn giảm thêm trong năm 2020 và 2021. Trong báo cáo này, Trung Quốc cam kết giữ tỷ lệ đòn bẩy “ổn định về cơ bản” trong năm 2019. Các nhà hoạch định chính sách đang cố gắng thúc đẩy hoạt động cho vay tới khu vực tư nhân, đồng thời tránh làm nợ tăng mạnh. Tổng lượng nợ hiện tại của Trung Quốc giờ đã lên tới 300% GDP nước này.
Việc giảm 3 điểm phần trăm tới khung trên cùng của thuế giá trị gia tăng (VAT) được đưa ra trong một động thái nhằm thúc đẩy lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Kế hoạch này đã được Bloomberg News ghi nhận trong ngày thứ Hai (04/03). Bên cạnh đó, một đợt cắt giảm 1 điểm phần trăm đối với khung thuế VAT 10% cũng được đưa ra. Tính chung, các đợt giảm thuế VAT có giá trị tương đương tới 800 tỷ Nhân dân tệ và sẽ thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp, theo Morgan Stanley.
Thâm hụt ngân sách mục tiêu của năm 2019 được ấn định ở mức 2.8% GDP, cao hơn mục tiêu của năm 2018 là 2.6%. Trung Quốc cam kết “giảm đáng kể” phần gánh nặng thuế đối với các ngành công nghiệp chính, trong đó các khoản giảm thuế và phí an sinh xã hội có giá trị tới 2 ngàn tỷ Nhân dân tệ.
Mục tiêu tăng trưởng có phần khiêm tốn hơn cùng với các biện pháp kích thích thể hiện phần nào khao khát ổn định nền kinh tế của Chính phủ Trung Quốc sau một năm 2018 tàn khốc và đánh dấu sự thay đổi so với năm trước – khi họ nhấn mạnh tới việc kiểm soát rủi ro tài chính và gảm bớt chi tiêu ngân sách. Duy trì công ăn việc làm được đặt ưu tiên cao hơn so với năm ngoái.
Trong báo cáo này, Trung Quốc lặp lại quan điểm chính sách tiền tệ sẽ vẫn mang thiên hướng “thận trọng”, còn chính sách tài khóa sẽ “chủ động, mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn”. Các đợt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng nhỏ đang được lên kế hoạch.
Mỹ và Trung Quốc gần tiến tới một thỏa thuận thương mại có thể gỡ bỏ phần lớn hoặc tất cả hàng rào thuế quan của Mỹ miễn là Bắc Kinh tuân thủ theo các cam kết từ việc bảo vệ tốt hơn cho quyền sở hữu trí tuệ cho tới tăng cường mua hàng hóa Mỹ.
“Trung Quốc sẽ đối mặt với môi trường đáng báo động và phức tạp hơn cũng như rủi ro và thách thức sẽ lớn hơn cả về số lượng lẫn quy mô”, ông Li cho biết. “Trung Quốc phải chuẩn bị sẵn sàng hoàn toàn cho một giai đoạn khó khăn và chật vật”.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|