Thứ Ba, 26/02/2019 20:30

Vì sao các doanh nghiệp lớn chuyển trụ sở chính đi khắp thế giới?

Kể từ cuộc trưng cầu dân ý rời Liên minh châu Âu (EU) của Anh hồi năm 2016, các công ty nổi tiếng đã công bố quyết định chuyển trụ sở ra ngoài Vương quốc Anh. Panasonic, gã khổng lồ trong ngành điện tử, đã tới Amsterdam, nơi mà Sony sẽ sớm theo chân đến đây. Công ty phà P&O sẽ chuyển việc đăng ký cho các con tàu của họ sang Cyprus, trong khi công ty kỹ thuật Dyson đang chuyển trụ sở công ty sang Singapore.

Không có gì mới về chuyện các doanh nghiệp lớn di dời trụ sở công ty của họ. Năm 2003, hội nghị về thương mại và phát triển của Liên hiệp quốc đã ca ngợi sự xuất hiện của một thị trường thế giới vì những khả năng như vậy. Thậm chí, những công ty mang tính biểu tượng của Mỹ cũng đã quyết định chuyển đi, như Burger King đến Canada, Budweiser tới Bỉ và Lucky Strike tới Vương quốc Anh. Vậy tại sao họ làm điều đó? Và những lợi ích của việc chuyển trụ sở là gì?

Một trong những lý do rõ ràng và hấp dẫn nhất để chuyển đi là mong muốn tăng lợi nhuận. Có thể có những khoản giảm thuế lớn liên quan đến việc trở thành một thực thể hợp pháp được đăng ký tại một “thiên đường” thuế. Ireland, Thụy Sĩ và Panama đều đã thu hút được nhiều công ty bằng loại hình đầu tư này.

Tuy nhiên, một động thái như thế này đi kèm với những chi phí tiềm năng. Các công ty có nguy cơ bị tổn hại danh tiếng - gồm những cáo buộc về trốn thuế và hành vi phi đạo đức - trong khi các quốc gia mà họ chuyển sang phải đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng.

Một lý do khác để di dời là họ muốn đặt doanh nghiệp tại một trung tâm tài chính lớn như London, New York, Frankfurt hoặc Hồng Kông. Các công ty làm điều này có thể được thúc đẩy bởi các cơ hội tốt hơn để huy động vốn và có cơ hội tiếp cận với những người tài năng, chuyên môn cao. Kiểu di chuyển này đặc biệt phổ biến với những doanh nghiệp từ các nền kinh tế mới nổi vì nó cho thấy một cam kết đối với các tiêu chuẩn pháp lý và cách kinh doanh lành mạnh. Điều này có thể nâng cao danh tiếng của họ (và theo đó là hiệu suất).

Cuối cùng, các doanh nghiệp đôi khi phải dời trụ sở vì đó là kết quả của việc mua lại. Khi một công ty được mua bởi một công ty khác, địa điểm của họ có thể chuyển sang vị trí của người mua - đây là điều đã xảy ra khi Budweiser chuyển đến Bỉ, sau khi được InBev mua lại.

Tuy nhiên, bất chấp tất cả những động cơ để di dời này, đối với nhiều công ty đa quốc gia, không có nơi nào là “nhà” của họ cả. Điều này có thể là vì đó là quê hương của người sáng lập và là nơi họ tìm được cách để cung cấp giải pháp cho một vấn đề kinh doanh tồn tại ở quốc gia đó - nơi mà toàn bộ hệ sinh thái quan trọng để thiết lập doanh nghiệp tồn tại và nơi có các cổ đông chính.

Vì vậy, khi việc di dời trụ sở công ty xảy ra, như trong trường hợp của Dyson và P&O, các yếu tố “đẩy đi” cũng có thể có liên quan. Một số tập đoàn quyết định di dời khi hệ sinh thái ở quê nhà, vốn giúp họ có khả năng cạnh tranh lúc đầu, bị phá hỏng và những thuận lợi của một thị trường mới tốt hơn so với ở đất nước ban đầu.

Đây là điều cho thấy Brexit rõ ràng quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp có trụ sở công ty ở Anh. Khi bất ổn xảy ra, khi có những lo lắng về việc thu hút nhân tài, khi chế độ lập pháp không rõ ràng và chất lượng dịch vụ sẵn có bị đe dọa, thì vấn đề nên đặt trụ sở ở đâu sẽ trở nên đáng chú ý.

Tại sao phải lo lắng?

Tác động kinh tế của việc dời trụ sở thay đổi theo từng trường hợp. Một số trụ sở công ty có chức năng rất hạn chế và chỉ có một số lượng nhân viên không đáng kể, trong khi những trụ sở khác lại sử dụng lượng nhân viên lớn hơn, do đó, số người mất việc là khác nhau tùy theo từng trường hợp. Tuy nhiên, các công việc được di dời thường là những công việc có tay nghề cao, có chuyên môn, được trả lương rất cao và thường bị đánh thuế cao. Những khoản doanh thu thuế doanh nghiệp bị mất đi cũng có thể là đáng kể.

Ngoài ra, tác động kinh tế là vượt xa khỏi phạm vi của chính công ty đó. Một trường hợp chuyển trụ sở có thể làm giảm nhu cầu đối với các dịch vụ chuyên môn cao như tư vấn pháp lý, ngân hàng và hậu cần - tất cả những điều đó đều có tác động tiêu cực đến hệ sinh thái kinh tế của đất nước quê nhà và khả năng thu hút các nhà đầu tư trong tương lai.

Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng là việc di dời mang tính biểu tượng cao. Trong khi một số doanh nghiệp chọn cách chuyển trụ sở để thể hiện cam kết với một khu vực mới (nơi được cho là có khách hàng và đối thủ quan trọng nhất của họ) thì động thái này chắc chắn gửi đi thông điệp ngược lại đến đất nước trước đó của họ - một quốc gia không còn đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhà đầu tư với những tham vọng toàn cầu.

Niềm tin của nhà đầu tư là rất quan trọng để tạo nên hoặc phá vỡ một điểm đến đầu tư, và các nhà đầu tư thường làm theo quyết định của những nhà đầu tư khác. Với sự bất ổn liên tục của Brexit, có khả năng nhiều công ty sẽ quyết định di dời. Những công ty lập trụ sở vùng của họ ở Anh như một bước đệm để mở rộng hơn nữa ở EU chắc chắn đang nghĩ đến một sự thay đổi, trong khi nhiều chính phủ thuộc khối EU đang cố hết sức để “quyến rũ” họ.

Amsterdam đã “chộp lấy” Sony và Panasonic bằng vị trí, khả năng cạnh tranh và chất lượng cuộc sống tuyệt vời của họ. Dublin đang hy vọng sẽ thu hút các nhà đầu tư Mỹ nhờ ngôn ngữ chung, các mối liên kết mang tính lịch sử giữa hai nước, môi trường đầu tư hấp dẫn và các mức giảm thuế. Berlin, thủ đô khởi nghiệp mới của châu Âu, đang cố gắng thu hút các doanh nhân Anh với chi phí thành lập thấp, các viện giáo dục đại học và cơ sở hạ tầng tốt, cũng như một đội ngũ nhân tài trẻ và đa dạng. Paris đang nhắm đến việc thu hút các ngân hàng quốc tế rời khỏi thành phố London bằng cách nới lỏng quy định.

Ngay sau cuộc trưng cầu dân ý rời EU của Anh, một cuộc khảo sát của KPMG cho thấy 76% trong số 1,300 CEO được khảo sát trên toàn thế giới đang tìm cách chuyển trụ sở của các công ty của họ. Mặc dù một số ý kiến ​​của các CEO có thể đã thay đổi kể từ thời điểm đó, nhưng chắc chắn đã có một xu hướng gần đây trong việc chuyển trụ sở ra khỏi Vương quốc Anh. Nếu quá nhiều công ty quyết định tham gia cùng họ, sẽ có những thời điểm đáng lo ngại cho những ai bị bỏ lại phía sau.

Nhã Thanh (Theo IBTimes)

FILI

Các tin tức khác

>   Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung cũng không thể cản đà giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu? (26/02/2019)

>   Ông Trump và ông Kim Jong Un sẽ bàn gì ở thượng đỉnh Hà Nội? (26/02/2019)

>   Apple không còn là công ty sáng tạo nhất thế giới (26/02/2019)

>   Ông Trump: Sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh với ông Tập để ký kết thỏa thuận (26/02/2019)

>   Một ông lớn Trung Quốc bất ngờ vỡ nợ, nhà đầu tư sống trong nỗi lo âu (25/02/2019)

>   Nợ của Trung Quốc lại tăng mạnh, chiến dịch giảm bớt đòn bẩy đã tạm ngưng? (25/02/2019)

>   Chủ tịch Huawei ca ngợi đánh giá của ông Trump về 5G (25/02/2019)

>   Nhà đầu tư “nín thở” ngóng trông những sự kiện nóng trong tuần này (25/02/2019)

>   Ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ bị phạt hơn 5 tỷ USD vì giúp khách trốn thuế (25/02/2019)

>   Ông Trump: Sẽ lùi hạn chót nâng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc (25/02/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật