Thứ Hai, 25/02/2019 17:36

Một ông lớn Trung Quốc bất ngờ vỡ nợ, nhà đầu tư sống trong nỗi lo âu

Trong ngày thứ Sáu (22/02), một công ty có sự hậu thuẫn của Chính phủ Trung Quốc vỡ nợ đối với trái phiếu bằng đồng USD. Điều này đã khiến nhà đầu tư lo ngại các quan chức sẽ không còn nhảy vào để ngăn chặn việc vỡ nợ của các công ty gắn kết chặt chẽ với các cơ quan chức trách.

Qinghai Provincial Investment Group Co. (QPIG) không thể trả nợ coupon đến hạn vào ngày 22/02/2019, dựa trên nguồn tin từ một quan chức tại QPIG. Đặc biệt là đối với các loại trái phiếu này, không hề có thời gian ân hạn, tức công ty QPIG đã vỡ nợ. Đây là một công ty sản xuất nhôm và được một số chuyên viên phân tích xem là công ty hàng đầu để đánh giá sự hỗ trợ của Chính phủ dành cho các công ty gặp khó khăn trong việc trả nợ bằng ngoại tệ trong năm 2018.

Ngay từ giữa tháng 12/2018, S&P Global Ratings đã loại bỏ QPIG ra khỏi CreditWatch, kết luận rằng Công ty này sẽ “tiếp tục nhận sự hỗ trợ từ Chính phủ và có khả năng đáp ứng các nghĩa vụ tài chính ngắn hạn trong vòng 12 tháng tới, mặc dù thanh khoản yếu ớt”. S&P Global Ratings đánh giá QPIG ở mức B+, dưới hạng đầu tư (investment grade) khoảng 4 bậc.

Mặc dù đã có những cuộc bàn luận để cứu vớt QPIG, nhưng việc không thể thanh toán khoản nợ coupon trong ngày thứ Sáu của QPIG cho thấy những giới hạn của các quan chức Chính phủ trong việc hỗ trợ các công ty có đòn bẩy cao trong các ngành có công suất dư thừa. Mặc dù các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt các biện pháp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong vài tháng gần đây, nhưng trong ngày thứ Sáu (22/02), các quan chức lãnh đạo cấp cao tại Trung Quốc vẫn khẳng định rằng giải quyết rủi ro tài chính là ưu tiên hàng đầu trong năm 2019.

Nhà đầu tư dường như không lường trước vụ vỡ nợ của QPIG, trong đó khoảng 300 triệu USD trái phiếu của QPIG đến hạn trong năm 2020 có giá khoảng 94 xu (đô la Mỹ). Giá trái phiếu này giảm kỷ lục 14 xu (tính bằng đồng USD) vào lúc 10h59 (giờ Hồng Kông), dựa trên dữ liệu từ Bloomberg.

Một số chuyên viên phân tích xem QPIG là cơ sở tài trợ của chính quyền địa phương (LGFV) và vụ vỡ nợ này có thể làm nảy sinh những suy đoán mới đối với các vụ vỡ nợ của LGFV – một điều mà mới tháng trước, các chuyên viên phân tích của HSBC Holdings Plc cho là khó mà xảy ra trong ngắn hạn.

“Việc không thể thanh toán nợ coupon của QPIG chắc chắn sẽ làm lay chuyển quan điểm về các LGFV tại Trung Quốc, vì cho tới nay Chính phủ nước này đã hỗ trợ cho lĩnh vực này bằng mọi giá”, Owen Gallimore, Trưởng bộ phận chiến lược tín dụng tại Australia & New Zealand Banking Group, nhận định. “Một vụ vỡ nợ của LGFV sẽ gây ra rủi ro hệ thống đáng sợ vì sẽ có rủi ro những công ty khác vỡ nợ theo”.

Thiếu vắng các nguồn thu thường xuyên bằng đồng USD, các công ty đi vay có gắn liền với các cơ quan chức trách địa phương từ lâu đã được xem là những “ứng cử viên” có khả năng vỡ nợ trên thị trường nước ngoài, mặc dù còn tùy thuộc vào sự hỗ trợ của các quan chức Chính phủ. Trái phiếu bằng đồng USD từ các LGFV thường được các nhà đầu tư Trung Quốc mua vào và lượng trái phiếu bán ra gia tăng trong mùa thu năm trước sau khi một số chuyên gia nhấn mạnh các nhà phát hành, bao gồm cả QPIG, thường thực hiện tốt các nghĩa vụ tài chính. Việc QPIG không thể thanh toán khoản nợ coupon có thể khiến nhà đầu tư định giá lại trái phiếu từ các công ty khác – và nhất là những công ty từ Thanh Hải.

“QPIG là nhà sản xuất nhôm lớn nhất ở tỉnh Thanh Hải” và được chính quyền địa phương sở hữu hơn 2/3 cổ phần, các chuyên viên phân tích tại S&P viết trong báo cáo vào tháng 12/2018. “Tình trạng tín dụng của QPIG là rất quan trọng đối với Chính phủ, vì một vụ vỡ nợ có thể gây ra tác động lan truyền tới chuỗi giá trị, bao gồm cả ngành điện và than đá”.

Ở thị trường Trung Quốc, trong giai đoạn 2017-2018, tổng giá trị vỡ nợ đã tăng gấp 4 lần lên mức kỷ lục 120 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 18 tỷ USD). Đối với nhà đầu tư nước ngoài – vốn đang tăng cường rót vốn vào thị trường Trung Quốc, vụ việc của QPIG có thể làm nổi bật lên rủi ro từ việc mua các trái phiếu bên ngoài trái phiếu của Ngân hàng Trung ương và các chứng khoán do 3 ngân hàng chính sách quan trọng.

Vậy vụ vỡ nợ của QPIG để lại bài học gì? Nhà đầu tư nên chú ý nhiều hơn tới tình hình của chính công ty vay nợ.

“Một số nhà đầu tư còn tính tới năng lực tài chính của chính quyền địa phương – như GDP và mức nợ”, Zhang Xu, Trưởng bộ phận phân tích tài sản có thu nhập cố định tại Everbright Securities Co., cho hay. “Thế nhưng, chỉ có chất lượng tài sản của công ty phát hành nợ mới quan trọng”.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi

Các tin tức khác

>   Nợ của Trung Quốc lại tăng mạnh, chiến dịch giảm bớt đòn bẩy đã tạm ngưng? (25/02/2019)

>   Chủ tịch Huawei ca ngợi đánh giá của ông Trump về 5G (25/02/2019)

>   Nhà đầu tư “nín thở” ngóng trông những sự kiện nóng trong tuần này (25/02/2019)

>   Ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ bị phạt hơn 5 tỷ USD vì giúp khách trốn thuế (25/02/2019)

>   Ông Trump: Sẽ lùi hạn chót nâng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc (25/02/2019)

>   Thỏa thuận Mỹ - Trung lại 'vướng' vì đồng nhân dân tệ (24/02/2019)

>   Triều Tiên có thể tham khảo gì từ mô hình kinh tế Việt Nam? (24/02/2019)

>   Các hãng xe Đức có thể mất 7 tỷ USD vì ông Trump (23/02/2019)

>   Phái đoàn Trung Quốc ở lại Washington thêm 2 ngày để đàm phán thương mại (23/02/2019)

>   Apple sẽ có một vụ thôn tính lớn trong năm nay? (23/02/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật