Đôi lúc, những cú đổ đèo trên thị trường là do… lỡ tay bấm nhầm nút
Sau cú rớt giá 83% gây chấn động của cổ phiếu Jardine Matheson Holdings (niêm yết ở Singapore) trong ngày thứ Năm (24/01), các trader cho rằng “thủ phạm” rất có thể là do… lỡ tay bấm nhầm nút (fat finger).
Cổ phiếu của tập đoàn đa ngành 186 tuổi bỗng rớt mạnh trong giờ giao dịch trước khi mở cửa (pre-market), nhưng sau đó đã lập tức tăng vọt trở lại. Một phát ngôn viên của Jardine Matheson Holdings cho rằng họ nhận thấy lỗi trong phiên giao dịch điện tử, còn Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore cho biết họ đang xem xét kỹ đà giảm của cổ phiếu này.
Tình trạng trên là lời cảnh tỉnh dành cho nhà đầu tư: Ngay cả khi hệ thống tài chính đã hoạt động nhanh hơn và trở nên phức tạp hơn, nhưng đôi lúc cũng diễn ra sai sót không đáng có từ con người.
Sau đây, Bloomberg cũng dẫn lại một vài ví dụ cho thấy sai sót của con người đôi lúc sẽ dẫn tới những hậu quả khó lường:
Deutsche Bank: Chuyển nhầm 35 tỷ USD
Deutsche Bank AG vô tình chuyển nhầm 28 tỷ Euro (tương đương 35 tỷ USD) tới một tài khoản bên ngoài, Bloomberg News lần đầu ghi nhận về thông tin này vào tháng 4/2018.
Việc chuyển nhầm tài khoản diễn ra khi Deutsche Bank AG đang thực hiện các thương vụ phái sinh hàng ngày, dựa trên nguồn thông tin thân cận. Số tiền này vượt xa số tiền mà họ phải trả và được chuyển vào một tài khoản ở trung tâm thanh toán bù trừ Eurex, làm gia tăng lượng tài sản thế chấp của trung tâm thanh toán bù trừ này thêm hơn 50%.
Vụ nhầm lẫn tai hại trên diễn ra ngay lúc Deutsche Bank đang rơi vào thế rối rắm về bộ máy lãnh đạo. Khi đó, CEO John Cryan cùng với hai vị điều hành cấp cao đã rời đi.
Samsung Securities: Phát hành nhầm 105 tỷ USD cổ phiếu ma
Một ai đó tại công ty Samsung Securities – một trong những công ty môi giới chứng khoán lớn nhất ở Hàn Quốc – đang cố gắng trả cổ tức cho nhân viên ở mức 1,000 Won/cp (tương ứng 93 xu Mỹ) theo kế hoạch trả thù lao của Công ty. Tuy nhiên, họ lại nhầm lẫn và phân phát tới 1,000 cổ phiếu Samsung Securities trên mỗi cổ phiếu mà nhân viên sở hữu. Tính tổng cộng, Công ty này đã phân phát 2.83 tỷ cổ phiếu với giá trị trên giấy tờ khoảng 112.6 ngàn tỷ Won, cao gấp 30 lần giá trị vốn hóa của Samsung Securities.
Sự thật là những cổ phiếu này không hề tồn tại, nhưng điều đó cũng không thể cản bước những nhân viên Công ty bán đổ bán tháo cổ phiếu này. Chính tình trạng bán đổ bán tháo đã dẫn tới sự sụt giá mạnh của cổ phiếu Samsung Securities. Cổ phiếu này có lúc lao dốc tới 12% chỉ trong vòng vài phút trong ngày 06/04/2018, mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009. Sau sự cố trên, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đã thua lỗ nặng nề.
Vàng cũng chẳng an toàn như vẫn tưởng
Trong tháng 6/2017, các trader vàng “thất kinh bát đảo” trước tình trạng khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai tăng mạnh, khi 1.8 triệu ounce vàng được sang tay chỉ trong vòng 1 phút – còn lớn hơn cả lượng vàng dự trữ của Phần Lan. Khi đó, hợp đồng vàng tương lai giảm tới 1.6% trên sàn Comex. Một lời giải thích khả dĩ có thể là: Một ai đó đã giao dịch nhầm 18,149 lô hợp đồng tương lai.
“Chẳng ai biết gì cả, ngoại trừ một cá nhân xui xẻo nào đó đã bấm nhầm nút”, David Govett, Trưởng bộ phận giao dịch kim loại quý tại Marex Spectron Group ở Luân Đôn, cho biết vào lúc đó.
Disney
Khối lượng giao dịch cổ phiếu Walt Disney bỗng tăng vọt trong một khoảnh khắc trong tháng 2/2015, khi hơn 131 triệu cổ phiếu dường như được “sang tay” trong chốc lát trên Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE). Thế nhưng, hóa ra, giao dịch đó chẳng bao giờ xảy ra, khi vụ giao dịch 131.66 triệu cổ phiếu giảm 100 lần xuống chỉ còn 1.3166 triệu cổ phiếu. Quy mô của lệnh đặt trên được ghi nhận sai vào lúc đầu, dựa trên nguồn tin thân cận.
Sai lầm 345 triệu USD của Mizuho
Trong tháng 12/2005, Mizuho Securities lầm lẫn trong việc đề xuất bán 610,000 cổ phiếu của công ty tuyển dụng J-Com với giá 1 Yên/cp, thay vì mức giá 610,000 Yên/cp. Tuy nhiên, việc xảy ra trục trặc với hệ thống máy tính của Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo (TSE) khiến Mizuho Securities không thể hủy lệnh bán. Sau đó, Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản (JFSA) đã yêu cầu Mizuho cải thiện mức độ tuân thủ và nâng cấp hệ thống nhằm không để tình trạng trên tái diễn. Ngoài ra, JFSA cho rằng Mizuho cũng thất bại trong việc đào tạo trader một cách đầy đủ và không giao cho các nhân viên cấp cao có trình độ giám sát hoạt động.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|