Vốn hóa công ty "bốc hơi" gần hết vì bị... call margin khoản cổ phiếu thế chấp
Vấn đề thế chấp cổ phiếu lại trở thành tâm điểm chú ý ở Hồng Kông một lần nữa.
Cú đổ đèo tới 89% của cổ phiếu Jiayuan International Group trong ngày thứ Năm tuần trước (17/01) hóa ra là do bị “call margin” đối với lượng cổ phiếu được Chủ tịch công ty sử dụng như là khoản thế chấp để có thêm vốn. Đà tụt dốc bất ngờ của Jiayuan – mức giảm mạnh nhất trên thế giới của một công ty trị giá hơn 1 tỷ USD – là ví dụ điển hình mới nhất cho thấy một doanh nghiệp niêm yết trên sàn Hồng Kông có thể mất gần như toàn bộ vốn hóa chỉ trong vài phút và sau đó tiết lộ rằng một người nội bộ đã thế chấp một lượng lớn cổ phần để vay nợ.
Không may thay cho nhà đầu tư ở Hồng Kông khi phải đối mặt với mối nguy cơ đến từ khoản cổ phiếu thế chấp, trong đó Jiayuan nối tiếp các trường hợp bị bán mạnh trước đó vì thế chấp cổ phiếu như China Huishan Dairy Holdings Co., Digital Hollywood Interactive Ltd. và hàng loạt doanh nghiệp khác trong vài năm gần đây. Để giảm bớt rủi ro cho các cổ đông, các cơ quan chức trách cần phải tìm một sự cân bằng hợp lý giữa việc cung cấp thêm thông tin và bảo vệ sự riêng tư của các giám đốc điều hành, Gary Cheung, Chủ tịch của Hiệp hội Chứng khoán Hồng Kông, nhận định.
Theo quy định của sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông, một cổ đông kiểm soát có thể vay mượn dựa trên khoản thế chấp là chứng khoán và không tiết lộ khoản vay này miễn là vì lý do tài chính cá nhân thay vì cho vay, bảo lãnh hay các hình thức hỗ trợ khác dành cho công ty. Sử dụng cổ phiếu như là một khoản thế chấp để vay nợ đã trở thành công cụ huy động vốn phổ biến trong vài năm gần đây, nhất là đối với các công ty nhỏ hơn – những công ty có ít tài sản thay thế để thế chấp.
Vốn hóa của Jiayuan đã “bốc hơi” 3.4 tỷ USD trong vòng vài phút vào ngày 17/01/2019 mà chẳng hề có thông tin gì mới liên quan tới công ty. Trong một hồ sơ pháp lý trong ngày hôm đó – có chữ ký của Chủ tịch Shum Tin Ching, công ty cho biết họ không hề biết tại sao cổ phiếu lại đổ đèo. Vào buổi sáng ngày thứ Tư (23/01), Jiayuan cho biết một công ty do ông Shum sở hữu đã bán đổ bán tháo 93.6 triệu cổ phiếu Jiayuan. Đây là đợt bán tháo do bị các công ty môi giới chứng khoán call margin vì “tình trạng giá cổ phiếu giảm nhanh chóng và bất thường”. Theo tuyên bố này, Jiayuan đã yêu cầu thêm thông tin về cách sử dụng cổ phần công ty làm khoản thế chấp vay nợ.
Đợt bán tháo trên có thể đã gây ra tác động cực kỳ lớn vì cổ phiếu của các công ty vừa và nhỏ ở Hồng Kông có thanh khoản thấp. Trong trường hợp của Jiayuan, số lượng cổ phiếu bán tháo trong ngày 17/01/2018 (dựa trên danh nghĩa ông Shum) cao gấp 25 lần khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày của cổ phiếu này trong 12 tháng trước. Nếu nhà đầu tư biết trước về mối nguy cơ bán tháo nhanh chóng vì thế chấp cổ phiếu thì có lẽ họ đã định giá công ty khác đi.
Cổ phiếu Jiayuan đã lao dốc 23% trong ngày thứ Ba (22/01) trước khi cổ phiếu này bị đình chỉ giao dịch. Cổ phiếu này sẽ tiếp tục bị tạm ngưng giao dịch cho đến khi có thông báo, theo tuyên bố từ sàn giao dịch Hồng Kông trong ngày thứ Tư (23/01) – vốn được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Jiayuan cho biết giao dịch sẽ tiếp tục.
Phát ngôn viên của Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng tương lai (SFC) từ chối nhận định về vấn đề trên. SFC đã từng cố gắng kêu gọi tăng cường tiết lộ khoản cổ phiếu thế chấp, khi đó CEO tại vị là Martin Wheatley – người đã rời SFC trong năm 2011. Nỗ lực này thất bại trước sự phản đối dữ dội từ các ngân hàng và các công ty môi giới.
“Chúng tôi đang xem xét” vấn đề cổ phiếu đột ngột tụt dốc, Charles Li, Giám đốc điều hành tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông (HKEX), cho biết trong một cuộc phỏng vấn bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos trong ngày thứ Ba (22/01). Ông Li nói thêm, ông ủng hộ việc để thị trường tự đối phó với diễn biến giá cổ phiếu. “Chúng tôi chưa từng thấy một vấn đề phổ biến nào mà cần phải được giải quyết”.
Jiayuan gia nhập vào danh sách công ty gây chấn động trên thị trường bằng đà giảm mạnh trước khi công bố về khoản cổ phiếu thế chấp của các nhà lãnh đạo công ty. Cổ phiếu Digital Hollywood có lúc rớt tới 76% trong tháng 11/2018 và sau này, công ty cho biết một số cổ đông đã bán phần cổ phiếu thế chấp để trả nợ vay.
Tương tự, cổ phiếu Huishan Dairy đã từng rớt 85% trong một ngày hồi tháng 3/2017, nhưng khoản thế chấp cổ phiếu của Chủ tịch Yang Kai không hề được công bố cho tới sau này. Trong năm 2016, ngành công nghiệp nhân sâm Bắc Mỹ đã bị đe dọa khi cổ phiếu Hang Fat Ginseng (niêm yết ở Hồng Kông) đã rớt 91% trong vòng 1 ngày. Sau này, các nhà sáng lập tiết lộ họ đã thế chấp cổ phiếu để vay nợ.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|