Chứng khoán châu Á trồi sụt vì căng thẳng thương mại Mỹ-Trung
Các thị trường chứng khoán chính ở châu Á rơi vào trạng thái trái chiều vào ngày thứ Tư (23/01), giữa lúc nhà đầu tư lo ngại về tình hình đàm phán thương mại Mỹ-Trung, sau khi xuất hiện thông tin cho biết Nhà Trắng đã hủy bỏ cuộc họp đã lên kế hoạch từ trước với Bắc Kinh trong tuần này.
Khép lại phiên giao dịch ngày thứ Tư (23/01), thị trường chứng khoán Trung Quốc – vốn được theo dõi sát sao vì cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung – tăng lúc đầu phiên nhưng rồi cũng đánh mất đà. Cụ thể, chỉ số Shanghai Composite tăng nhẹ lên 2,581 điểm, còn Shenzhen Component cũng tiến nhẹ lên 7,523.77 điểm. Bên cạnh đó, Shenzhen Composite cộng 0.129% và đóng cửa ở mức 1,316.28 điểm.
Ngoài ra, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tiến 0.01% lên 27,008.2 điểm.
Trong ngày thứ Tư (23/01), các quan chức từ Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ tăng chi tiêu tài khóa trong năm 2019 để thúc đẩy nền kinh tế.
Trung Quốc đã thực hiện giảm thuế và phí (trị giá 1.3 tỷ Nhân dân tệ) trong năm 2018 nhằm ngăn chặn đà giảm tốc ở nước mình, khi Bắc Kinh bị mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại với Washington.
Trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 0.14% xuống 20,593.72 điểm, còn Topix lùi 0.6% xuống 1,547.03 điểm. Cổ phiếu của nhà cung cấp thiết bị cho Apple, Japan Display, vọt 18.75%, sau khi có thông tin cho biết Công ty đang cần tới một gói cứu trợ sau doanh số bán iPhone XR đáng thất vọng. Japan Display cung cấp màn hình tinh thể lỏng được sử dụng trong chiếc iPhone XR.
Trong khi đó, cổ phiếu của nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản, Subaru, lao dốc 3.44%. Diễn biến này diễn ra sau khi Subaru tuyên bố tạm ngưng hoạt động sản xuất tại nhà máy ở Nhật Bản vì một bộ phận bị lỗi
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã giữ nguyên chính sách tiền tệ như dự báo trước đó. Ngoài ra, BoJ còn giữ nguyên phần định hướng thị trường tiền tệ (forward guidance).
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc khép phiên ngày 23/01
Nguồn: CNBC
|
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0.47% lên 2,127.78 điểm.
Ở Australia, chỉ số ASX 200 hạ 0.26% xuống 5,843.70 điểm. Lĩnh vực năng lượng suy giảm 1.53% khi nhóm cổ phiếu dầu khí phần lớn đều suy yếu sau khi giá dầu thô rớt mạnh trong ngày thứ Ba (22/01). Cổ phiếu Santos hạ 1.49%, Oil Search lùi 1.06% và Woodside Petroleum mất 1.34%.
Giá dầu đã cố gắng phục hồi phần nào trong ngày thứ Tư (23/01) sau khi giảm mạnh trong phiên trước. Trong đó, giá dầu Brent tương lai tiến 0.52% lên 61.82 USD/thùng và giá dầu WTI tương lai cộng 0.43% lên 53.24 USD/thùng.
Thỏa thuận đình chiến Mỹ-Trung
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tiên trong tuần, khi dữ liệu từ Trung Quốc và dự báo tăng trưởng toàn cầu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lại làm dấy lên lo ngại về đà giảm tốc kinh tế toàn cầu.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones sụt 301.87 điểm xuống 24,404.48 điểm, dẫn đầu là đà giảm điểm của Goldman Sachs và Caterpillar. Chỉ số S&P 500 lùi 1.4% xuống 2,632.90 điểm, khi lĩnh vực dịch vụ truyền thông và công nghiệp có thành quả yếu kém. Chỉ số Nasdaq Composite mất 1.9% còn 7,020.36 điểm.
Chứng khoán đã rớt xuống đáy trong phiên sau khi Financial Times đưa tin Mỹ đã hủy bỏ cuộc đàm phán thương mại với các quan chức Trung Quốc. CNBC sau đó đã xác nhận thông tin này qua một nguồn. Cố vấn kinh tế Nhà Trắng, Larry Kudlow, đã phủ nhận thông tin trên, cho biết cuộc họp không bị hủy bỏ, qua đó giúp chứng khoán xóa bớt đà sụt giảm vào cuối phiên. Được biết, Trung Quốc và Mỹ đang cố gắng đạt được một thỏa thuận thương mại lâu dài.
“Tôi nghĩ cả hai bên có nhiều động lực để thực hiện một chiến thắng cho đôi bên, nhưng sự khó khăn sẽ phụ thuộc vào việc Trung Quốc có thể thực hiện đủ để thỏa mãn yêu cầu thay đổi cấu trúc từ phía Mỹ hay không”, Nelson Dong, đối tác cấp cao tại công ty luật Dorsey & Whitney, cho hay.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|