Trung Quốc chuẩn bị thanh trừng thị trường vay nợ 176 tỷ đô?
Trung Quốc chuẩn bị thực hiện thanh trừng thị trường cho vay ngang hàng (P2P) trị giá 176 tỷ USD.
Hoảng hồn trước tình trạng doanh nghiệp vỡ nợ, lừa đảo và sự phẫn nộ từ phía nhà đầu tư, các cơ quan chức trách Trung quốc đang lên kế hoạch dần dần thu hẹp các nền tảng cho vay P2P vừa và nhỏ trên toàn quốc, dựa trên nguồn tin thân cận. Các cơ quan điều hành cũng có thể yêu cầu các nền tảng lớn nhất giới hạn dư nợ ở mức hiện tại và khuyến khích họ giảm bớt cho vay theo thời gian.
Kế hoạch tăng cường kiểm soát kể trên – mở rộng thành một cuộc thanh trừng cấp thành phố ở trung tâm P2P Hàng Châu – là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn mạnh tay thu hẹp một thị trường đã sản sinh ra kế hoạch lừa đảo Ponzi lớn nhất của Trung Quốc, dẫn tới các cuộc biểu tình ở các thành phố lớn và hủy hoại cuộc đời của hàng ngàn người tiết kiệm. Điều này cũng thể hiện rằng chính quyền của ông Tập Cận Bình vẫn chưa hoàn tất chiến dịch đàn áp ngành ngân hàng ngầm trị giá 9 ngàn tỷ USD, bất chấp mối lo ngại rằng các quy định hà khắc hơn sẽ ngăn chặn dòng tín dụng vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
* Sự sụp đổ của công ty cho vay ngang hàng đang hủy hoại đời sống người dân Trung Quốc như thế nào?
“Các nhà điều hành đang khiến các nền tảng P2P khó sống hơn, nhất là những nền tảng nhỏ, để dân chúng không còn gánh thêm thua lỗ nữa”, Yu Baicheng, Trưởng Bộ phận nghiên cứu tại 01Caijing có trụ sở ở Thượng Hải – một công ty nghiên cứu tài chính Internet độc lập, cho hay.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) không lập tức phản hồi về thông tin trên.
Được mô tả là một cách thức đầy sáng tạo để kết nối người tiết kiệm với những người đi vay, các nền tảng P2P trên toàn cầu đã trải qua khoảng thời gian vô cùng khó khăn. Cổ phiếu của công ty LendingClub Corp. ở Mỹ – vốn vướng vào một vụ bê bối quản trị doanh nghiệp và bị nhà đầu tư rút vốn liên tục – rớt 77% so với thời điểm niêm yết lên sàn New York trong năm 2014.
Tại Trung Quốc, các nền tảng P2P là một trong những mảng rủi ro cao nhất và ít bị quản lý nhất trong cả hệ thống ngân hàng ngầm (shadow banking). Thiếu đi sự giám sát, các nền tảng P2P tăng trưởng tới mức chóng mặt, dư nợ vay P2P từ mức gần như không có gì trong năm 2012 tăng lên mức 1.22 ngàn Nhân dân tệ (176 tỷ USD) vào tháng 12/2017.
Lúc đầu, phần lớn nền tảng đều hoạt động như dự định. Nhiều người tiết kiệm tận hướng mức sinh lời hai con số và có rất ít vụ vỡ nợ, trong khi các doanh nghiệp nhỏ kiếm được tiền mặt để tài trợ để thúc đẩy tăng trưởng. Khoảng 50 triệu nhà đầu tư đã đăng ký cho vay P2P – nhiều hơn cả dân số của cả bang New York và Texas cộng lại. .
Vấn đề bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và các điều kiện thanh khoản ngày càng thắt chặt. Một trong những tín hiệu rắc rối đầu tiên bắt đầu xuất hiện vào đầu năm 2016. Tại thời điểm đó, các cơ quan chức trách phát hiện một nền tảng cho vay P2P rất giống với kế hoạch lừa đảo kiểu Ponzi trị giá 7.6 tỷ USD và có tới 900,000 người bị lừa đảo trong thương vụ này.
Không lâu sau đó, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã khởi động một chiến dịch “dọn dẹp” hệ thống ngân hàng ngầm trong nước. Các đợt tăng cường giám sát đã giới hạn khả năng tiếp cận tới tín dụng và châm ngòi cho sự sụp đổ của hàng loạt nền tảng P2P. Hồi tháng 6/2018, Guo Shuqing, Chủ tịch của Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC), lên tiếng cảnh báo rằng những người tiết kiệm nên chuẩn bị tinh thần mất hết tiền khi đầu tư vào các sản phẩm mang lại lợi suất cao, qua đó thể hiện rằng Chính phủ Trung Quốc muốn né tránh thực hiện cứu trợ và các rủi ro đạo đức có liên quan.
Hơn 80% trong số 6,200 nền tảng P2P của Trung Quốc đã phá sản hoặc đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng, vì các yếu tố từ các kế hoạch lấy tiền và bỏ chạy cho tới các khoản đầu tư không hiệu quả, theo công ty nghiên cứu Yingcan Group. Các nền tảng này có hơn 1.5 triệu khách hàng và dư nợ lên tới 112 tỷ Nhân dân tệ.
Hàng trăm người có đầu tư vào hoạt động P2P đã tổ chức biểu tình ở các thành phố lớn, bao gồm cả Thượng Hải, nhưng sau đó đã bị cảnh sát đẩy lùi. Ít nhất một nạn nhân của vụ lừa đảo P2P – một người phụ nữ 31 tuổi từ tỉnh Chiết Giang – được ghi nhận là đã tự sát sau khi mất gần 40,000 USD.
Ở Hàng Châu, một trung tâm fintech Trung Quốc, các cơ quan điều hành chỉ đạo các nền tảng P2P có dư nợ ít hơn 100 triệu Nhân dân tệ phải dần dần thu hẹp quy mô và hoàn trả tiền cho khách hàng trong vòng 12 tháng, hãng tin Bloomberg ghi nhận trước đó trong tháng này.
Các cơ quan chức trách định gửi các yêu cầu tương tự tới các nền tảng ở các thành phố và các tỉnh khác, bao gồm Thượng Hải và Bắc Kinh, dựa trên nguồn thông tin thân cận.
Vẫn chưa rõ thị trường P2P của Trung Quốc sẽ còn lại gì sau đợt thanh trừng của Trung Quốc, nhưng các chuyên viên phân tích dự báo vẫn sẽ còn một vài nền tảng tồn tại. Chỉ 50 trong số 1,200 nền tảng có khả năng được cơ quan điều hành cho phép tiếp tục hoạt động, theo dự báo của Citigroup. Dư nợ của ngành này đã giảm hơn 30% so với mức đỉnh.
Ngay cả các công ty điều hành nền tảng cho vay P2P lớn nhất của Trung Quốc dường như cũng nhận thấy nhiều khó khăn trong thời gian tới. CreditEase – công ty mẹ của Yirendai Ltd., công ty P2P niêm yết đầu tiên của Trung Quốc – đã bắt đầu tách mình ra khỏi ngành cho vay P2P.
“Chúng tôi ngay hôm nay còn hơn cả nền tảng P2P”, Ning Tang, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của CreditEase, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg Television trong tháng này. “Khi chúng tôi khởi đầu công ty, chúng tôi đã sáng chế ra mô hình cho vay P2P của Trung Quốc. Còn ngày nay, chúng tôi là một công ty công nghệ tài chính (fintech)”.
Tính tới thời điểm này, cổ phiếu Yirendai trên sàn New York đã rớt 61% trong năm nay.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|