IMF: Nền kinh tế toàn cầu có thể giảm tốc mạnh hơn dự báo
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể giảm tốc mạnh hơn dự báo của 1 tháng trước đó. Đây là lời cảnh báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Tháng trước, IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu và dữ liệu gần đây cho thấy, triển vọng có thể còn tệ hơn thế nữa, IMF cho biết trong một báo cáo công bố vào ngày thứ Tư (28/11), trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires (Argentina) trong tuần này.
Các điều kiện tài chính đã thắt chặt, nhất là ở các thị trường mới nổi, trong khi căng thẳng thương mại ngày càng leo thang, IMF nhận định. Sau khi báo cáo Cập nhật Kinh tế Thế giới mới nhất của IMF được công bố vào ngày 09/10, chứng khoán toàn cầu lao dốc vì nỗi lo ngại lãi suất ngày càng tăng và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có thể kìm hãm tăng trưởng.
“Chúng ta đã tận hưởng giai đoạn tăng trưởng mạnh khá dài (dựa trên tiêu chuẩn lịch sử), nhưng giờ lại phải đối mặt với một giai đoạn mà trong đó các rủi ro lớn đang dần trở thành hiện thực và đám mây u tối đang bao phủ”, Tổng Giám đốc IMF, Christine Lagarde, cho biết trong một bài đăng đính kèm báo cáo này.
Tổng Giám đốc IMF, Christine Lagarde
|
Nhà đầu tư sẽ theo dõi sát sao theo các tín hiệu đột phá về thương mại khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Trung Quốc, Tập Cận Bình, gặp gỡ vào ngày thứ Bảy (01/12) bên lề hội nghị thượng đỉnh G20.
Trong cuộc phỏng vấn với The Wall Street Journal hôm thứ Hai (26/11), ông Trump cho biết vẫn giữ nguyên ý định nâng thuế đối với hàng rào thuế quan 200 tỷ USD từ 10% lên 25% vào đầu năm 2019. Chưa hết, ông còn dọa áp thuế bổ sung lên 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nếu Washington và Bắc Kinh không thể tiến tới một thỏa thuận sau cuộc gặp gỡ ở Argentina.
Chưa hết, hôm thứ Hai (26/11), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông có thể áp thêm thuế 10% lên iPhone và máy tính xách tay (laptop) nhập khẩu từ Trung Quốc.
Hôm thứ Ba (26/11), Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng, Larry Kudlow, cho biết Tổng thống Mỹ dù hy vọng có một bước đột phá về thương mại tại cuộc gặp gỡ với ông Tập, nhưng cũng sẵn sàng áp hàng rào thuế quan mới.
Kể từ khi nhậm chức, ông Trump đã thúc giục Trung Quốc giải quyết các hành vi thương mại mà ông cho là không công bằng và giảm bớt khoản thặng dư thương mại với Mỹ. Là một phần của nỗ lực buộc Trung Quốc trở lại bàn đàm phán, Tổng thống Mỹ đã áp hàng rào thuế quan lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Trước tình cảnh đó, Trung Quốc cũng đáp trả bằng cách áp thuế lên hàng hóa Mỹ, nhất là hàng nông sản.
Không đề cập tới quốc gia cụ thể, bà Lagarde thúc giục các nhà lãnh đạo gỡ bỏ những hàng rào thuế quan đã triển khai trong thời gian gần đây.
“Chúng tôi biết việc áp thêm rào cản thương mại rồi cũng tác động tới tất cả các bên tham gia”, bà nhận định. “Vì lẽ đó, tất cả quốc gia buộc phải tránh xa việc áp các rào cản thương mại mới, đồng thời gỡ bỏ các hàng rào thuế quan gần đây”.
Bà Lagarde kêu gọi các quốc gia cắt giảm chi tiêu nếu có thể và nhờ đó họ có khả năng để đối phó khi nền kinh tế suy yếu. Các ngân hàng trung ương nên thực hiện lộ trình “từ từ, truyền tải tốt và dựa vào dữ liệu thực tế” hướng tới lãi suất cao hơn, bà cho hay.
Bà lưu ý một vài quốc gia có khả năng tăng cường thúc đẩy tăng trưởng và giảm bớt tình trạng mất cân bằng thương mại. Đức có thể sử dụng thặng dư ngâng sách để nâng tiềm năng tăng trưởng, còn Mỹ có thể giảm bớt thâm hụt ngân sách và Trung Quốc có thể đẩy mạnh quá trình “tái cân bằng kinh tế”, bà cho hay.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|