Thứ Năm, 29/11/2018 10:29

Thâm hụt thương mại Mỹ tăng liền 5 tháng

Bất chấp hàng rào thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump, thâm hụt thương mại của Mỹ vẫn tăng liền 5 tháng và chuẩn bị ghi nhận mức kỷ lục trước khi kết thúc năm nay.

Thâm hụt thương mại hàng tháng về hàng hóa tăng thêm 1 tỷ USD trong tháng 10/2018, báo cáo từ Cục Thống kê Dân số Mỹ công bố trong ngày thứ Tư (28/11) cho thấy.

Báo cáo này là một trong những góc nhìn đầu tiên về thương mại được công bố kể từ khi ông Trump triển khai áp thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Cụ thể, Mỹ áp thêm thuế 10% lên các hàng hóa từ vali cho tới xe đạp và găng tay bóng chày. Và tới đầu năm 2019, mức thuế sẽ được nâng lên 25%.

Dù rằng hàng rào thuế quan sẽ khiến hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia khác vào Mỹ trở nên đắt đỏ hơn, nhưng trong tháng 10/2018, người dân Mỹ vẫn mua hàng hóa từ nước ngoài nhiều hơn so với tháng trước đó. Con số trên có thể phản ánh hiệu ứng dự trữ trước hàng hóa của những nhà nhập khẩu tại Mỹ, trước khi mức thuế được nâng lên 25% kể từ đầu tháng 1/2018 và cũng thể hiện chi tiêu tiêu dùng mạnh.

“Có một vài bằng chứng cho thấy các nhà nhập khẩu Mỹ có thể đặt hàng trước để né hàng rào thuế quan. Đây có thể là một trong những yếu tố khiến kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh hơn trong vài tháng gần đây”, Pooja Sriram, Chuyên gia kinh tế tại Barclays, nhận định.

Các đợt cắt giảm thuế trong năm 2017 cũng giúp người dân có thêm tiền để mua sắm, qua đó nâng cao nhu cầu nhập khẩu hàng hóa ngay cả khi chúng đắt đỏ hơn.

“Chúng tôi tin rằng, nhu cầu nội địa có thể đủ mạnh để thúc kim ngạch nhập khẩu gia tăng ngay cả khi có thêm hàng rào thuế quan”, Sriram cho hay.

Dữ liệu bổ sung về thương mại hàng hóa và dịch vụ - dự kiến được công bố vào tuần tới – được dự báo sẽ cho thấy thâm hụt thương mại tổng thể đạt đỉnh 10 năm, Shepherdson, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Pantheon Macroeconomics, nhận định.

Điều đó hoàn toàn trái ngược với những gì ông Trump dự tính.

Tổng thống Mỹ đã cam kết giảm thâm hụt thương mại bằng cách theo đuổi các thỏa thuận thương mại mới với các quốc gia mà ông cho là đang có những chính sách thương mại không công bằng, nhất là với Trung Quốc. Ông đã áp thêm thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc trong năm nay với mục tiêu khiến hàng hóa Mỹ trở nên hấp dẫn hơn trong mắt người tiêu dùng.

Ông Trump và Chủ tịch nước Trung Quốc, Tập Cận Bình, dự kiến gặp gỡ trực tiếp vào buổi tối ngày thứ Bảy (01/12) bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina. Đây là cuộc họp được lên lịch duy nhất của họ trước khi kết thúc năm nay.

Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng hàng đầu, Larry Kudlow, cho biết trong ngày thứ Ba (27/11) rằng chính quyền Mỹ đã khởi động lại đàm phán với chính quyền Trung Quốc “ở mọi cấp độ” trước cuộc gặp gỡ được nhiều người trông đợi giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Trung Quốc, Tập Cận Bình, trong tuần này.

Washington và Bắc Kinh đang trên đường tiến tới một thỏa thuận thương mại, và hội nghị thượng đỉnh G20 mang lại “một cơ hội để phá vỡ đi những cuộc trao đổi đáng thất vọng trong vài tháng gần đây”, ông Kudlow nói thêm.

Thế nhưng, ông Trump cho biết vẫn giữ nguyên ý định nâng thuế đối với hàng rào thuế quan 200 tỷ USD từ 10% lên 25% vào đầu năm 2019. Chưa hết, ông còn dọa áp thuế bổ sung lên 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nếu Washington và Bắc Kinh không thể tiến tới một thỏa thuận sau cuộc gặp gỡ ở Argentina.

Chính quyền Trump tranh luận rằng, Trung Quốc đang thực hiện các hành vi thương mại không công bằng, bao gồm đánh cắp sở hữu trí tuệ và buộc chuyển giao công nghệ. Về phía Trung Quốc, họ cho rằng hành vi áp đặt hàng rào thuế quan đơn phương của ông Trump là “bắt nạt” về thương mại.

Các doanh nghiệp và nhà làm luật Mỹ đồng tình rằng các vấn đề thương mại Trung Quốc phải được giải quyết – nhưng không phải ai cũng tin áp thuế là phương pháp đúng đắn. Một số nhà sản xuất và nhà bán lẻ cho rằng hàng rào thuế quan có thể dẫn tới sự mất mát về việc làm và giá tiêu dùng cao hơn.

“Sẽ khó mà tranh luận rằng Trung Quốc hành xử công bằng về thương mại”, Đảng viên Dân chủ Stephanie Murphy cho biết trong tuần này.

Ngoài ra, ông Trump cũng áp thêm thuế lên thép và nhôm nhập khẩu từ nước ngoài trong năm nay vì lý do an ninh quốc gia. Các nhà sản xuất thép ở Mỹ hoan nghênh hàng rào thuế quan trên, vì giá sản phẩm của họ tăng mạnh. Tuần này, Steel Dynamics thông báo họ sẽ xây dựng nhà máy sản xuất thép mới ở phía Tây Nam nước Mỹ, qua đó tạo thêm 600 việc làm mới.

Vũ Hạo (Theo CNN)

FiLi

Các tin tức khác

>   Loạt bê bối và mặt trái của văn hóa doanh nghiệp Nhật (29/11/2018)

>   Chủ tịch Fed: Lãi suất “chỉ ngay dưới” mức trung lập, ám chỉ giảm nhịp độ nâng lãi suất (29/11/2018)

>   Tăng trưởng tiền lương toàn cầu thấp nhất trong 10 năm qua (28/11/2018)

>   Giới nhà giàu Nhật Bản nắm lượng tài sản lớn nhất khu vực (28/11/2018)

>   Chờ đợi gì từ bài phát biểu quan trọng của Chủ tịch Fed trong ngày 28/11? (28/11/2018)

>   Larry Kudlow: Nhà Trắng đang trao đổi liên tục với Trung Quốc ở mọi cấp độ (28/11/2018)

>   Ông Trump nhắm thẳng tới Chủ tịch Fed: Tôi không vui với sự lựa chọn Jerome Powell (28/11/2018)

>   Ông Trump: Thỏa thuận Brexit có thể đe dọa tới thỏa thuận thương mại Mỹ-Anh trong tương lai (27/11/2018)

>   Donald Trump dọa áp thuế lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nếu không đạt thỏa thuận (27/11/2018)

>   EU thông qua thỏa thuận Brexit, kêu gọi người Anh ủng hộ Theresa May (26/11/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật